Sau khi tham gia các cuộc tập trận trên biển với Nga ở vùng biển Nhật Bản, 5 chiến hạm của Trung Quốc đã đi ngang qua eo biển Soya giữa đảo Hokkaido (phía Bắc Nhật Bản ) và đảo Sakhaline của Nga.
Theo nhật báo Anh ngữ China Daily, khi ra đến Thái Bình Dương, đoàn chiến hạm này đã trực chỉ hướng Nam, rồi quay trở về cảng Trung Quốc ngày 28/07 qua ngỏ eo biển Miyako ( phía Nam đảo Okinawa của Nhật Bản)
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng xác nhận rằng phi cơ tuần tra của nước này đã nhìn thấy năm chiến hạm Trung Quốc di chuyển ngang quan khu vực giữa đảo Okinawa và đảo Miyako, mặc dù những tàu này không đi vào lãnh hải Nhật Bản.
Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Tokyo do tranh chấp chủ quyền trên các đảo ở vùng biển Hoa Đông, sự kiện chưa từng có này mang một ý nghĩa đặc biệt.
Cho tới nay, trên con đường mở rộng thế lực ra Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn đụng phải những “chốt chặn”, bao gồm các quốc gia mạnh về hải dương như Hàn Quốc, Nhật Bản, ấy là chưa kể đến các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực. Vì vậy từ mấy năm qua, Bắc Kinh vẫn cố sức phá vỡ các mắt xích này.
Tờ China Daily ngày 2/8 đã trích lời một nhà nghiên cứu thuộc Học Viện Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc nói rằng : “Dây xích đó nay đã bị phá vỡ từng mảnh”. Ông cũng nhận định hải quân Trung Quốc giờ đây “có khả năng phái và hỗ trợ tàu chiến của mình qua lại và chiến đấu ở các kênh nằm xa lục địa của mình”.
Còn tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) trong một bài xã luận đăng ngày 2/8, nhắc lại rằng cho tới nay Trung Quốc vẫn bị “ép chặt” trong một không gian đại dương bó hẹp và việc Trung Quốc trở thành một “cường quốc hải dương” là rất quan trọng. Theo tờ báo, chính điều đó sẽ quyết định tương lai của Trung Quốc với tư cách một “cường quốc thế giới”.
Vốn vẫn thua xa thế thượng phong của hải quân Hoa Kỳ, Bắc Kinh trong những năm qua đã nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hải quân, chuyển từ một lực lượng mang tính “ven biển” (brown water) thành một lực lượng mang tính “biển sâu” (blue water).
Tờ báo trích lời một giáo sư Học viện Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng: “Hải quân Trung Quốc phải phát triển thành một lực lượng hải quân "blue water", bởi vì trong thời đại ngày nay, mọi cuộc tấn công vào Trung Quốc đều xuất phát từ biển “.
Kể từ khi lên lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã cam kết sẽ tăng cường khả năng chiến đấu của hải quân nước này. Theo chiều hướng đó, vào năm ngoái, Bắc Kinh đã đưa vào hoạt động chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên mang tên Liêu Ninh.
Trước mắt, để “nắn gân” Tokyo, vào cuối tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên Bắc Kinh đã phái bốn chiếc tàu thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển hay tuần duyên Trung Quốc xâm nhập vùng biển chung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà hai nước đang tranh chấp chủ quyền.
Trước đó, báo chí Trung Quốc thông báo là kể từ nay, toàn bộ các lực lượng hoạt động trên biển: ngư chính, hải quan, hải giám được sát nhập lại thành một lực lượng duy nhất là lực lượng tuần duyên.
Như vậy là sắp tới đây, số tàu vũ trang trong khu vực sẽ tăng thêm và nâng cao nguy cơ xung đột nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Sự kiện lần đầu tiên các chiến hạm Trung Quốc đi hết vòng quanh Nhật Bản càng gây thêm lo ngại về nguy cơ này.
Theo AFP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét