Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Mục tiêu bay cho tên lửa phòng không SA-7

Mục tiêu bay giá thành thấp bIVC 128mm có thể đạt độ cao 8.000m làm “bia bắn” cho huấn luyện bắn đạn thật tên lửa vác vai đối không SA-7, SA-9, SA-13, SA-18.
Mục tiêu bay thường là phương tiện bay không người lái (điều khiển từ xa hoặc bay tự động) hoặc đạn tên lửa (không đầu đạn) dùng trong các hoạt động huấn luyện bắn đạn thật của lực lượng tên lửa và pháo phòng không. Phương tiện này này giúp cho các đơn vị pháo, tên lửa huấn luyện chiến đấu sát với thực tế hơn.


Theo Tạp chí Jane’s Defence Weekly, lực lượng vũ trang Serbia đã đưa vào sử dụng hệ thống mục tiêu bay đặc biệt, giá thành thấp dùng để huấn luyện bắn các loại tên lửa vác vai đối không tầm thấp như: tên lửa vác vai 9K32M Strela-2M (NATO định danh là SA-7), 9K38 Igla (NATO định danh SA-18) và tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp tự hành 9K31 Strela-1M (NATO định danh SA-9) và 9K35M Strela-10 (NATO định danh SA-13).

Bộ đội Việt Nam huấn luyện bắn tên lửa vác vai A72 (cách Việt Nam gọi tên lửa 9K32 Strela-2).
Hệ thống này mang tên bIVC 128mm (brzi imitator vazdushnog cilja kalibar 128 mm) bao gồm một bệ phóng và mục tiêu giả lắp động cơ tên lửa. Hệ thống có hai biến thể gồm: Biến thể A phục vụ huấn luyện bắn đón mục tiêu; biến thể B phục vụ huấn luyện bắn đuổi mục tiêu bay.
Bệ phóng được thiết kế rất đơn giản, bao gồm một ray phóng tên lửa dài 2m được làm từ duraluminium và một chân đế kiểu của súng cối, trọng lượng tổng thể 51kg. Bệ phóng được điều khiển từ xa qua dây cáp, và còn được hỗ trợ bởi kính ngắm quang học NSB-4A. Góc ngẩng của ray phóng là từ 5-70 độ so với mặt phẳng ngang, góc phương vị có thể điều chỉnh 3 độ.
Mục tiêu giả bIVC 128mm bao gồm: mũi tên lửa hình nón; động cơ đẩy; các cánh để giữ ổn định được gắn với đuôi; bộ phận tạo dấu vết T19M1 và mồi nhử hồng ngoại IC-5MO1 và IC-5MO2 (tên lửa tầm thấp thường dùng đầu dẫn hồng ngoại). Trong đó, mồi nhử IC-5MO1 có thể hoạt động trong 8 giây còn IC-5MO2 là 16 giây.

Mục tiêu bay bIVC 128mm.
Cả hai biến thể đều sử dụng 9,7kg nhiên liệu rắn, đốt cháy trong 1,7 giây. Chúng cho phép mục tiêu giả đạt tốc độ tối đa 550m/s, và độ cao 8.000m.
Biến thể A dài 1,25m và nặng từ 34,38-34,78kg. Trên thân đạn lắp 6 thiết bị tạo dấu vết sẽ tạo ra các dấu hiệu mục tiêu mong muốn. Trong khi đó 4 mồi nhử được gắn ở giữa.
Biến thể B dài 1,3m và nặng từ 34,38- 34,78 kg. Nó được thiết kế để mô phỏng huấn luyện bắn đuổi mục tiêu nên sử dụng 4 thiết bị tạo dấu vết, còn 4 mồi nhử đặt ở vị trí giống như biến thể A.
Thiết bị điều khiển cho phép điều chỉnh hoạt động của các mồi nhử hồng ngoại và thiết bị tạo dấu vết ngay trong hành trình bay của mục tiêu.
(BKT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến