Được đưa vào sử dụng từ những năm 1960, đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng súng chống tăng cá nhân RPG-7 vẫn còn nguyên uy lực của nó.
RPG-7 là loại súng phản lực phóng lựu chống tăng cá nhân được phát triển bởi công ty chế tạo vũ khí Bazalt. RPG-7 là biến thể nâng cấp từ RPG-2 với nhiều cải tiến quan trọng, súng được chấp nhận sử dụng trong quân đội Liên Xô vào năm 1961 và được triển khai ở cấp độ tiểu đội chống tăng cá nhân.
RPG-7 được bộ đội Việt Nam gọi là B-41.Ngày nay B41 vẫn là vũ khí chống tăng cá nhân chủ lực cấp tiểu đội của quân đội Việt Nam.
RPG-7 được Liên Xô chuyển giao cho Việt Nam vào những năm 1965-1966, đến năm 1966 đã được trang bị cho một số đơn vị chủ lực. RPG-7 được bộ đội Việt Nam gọi bằng cái tên B41, những năm 1970 súng thay thế dần cho B40 trong các tiểu đội chống tăng chủ lực. Đến nay, Việt Nam đã tự sản xuất được B41 để trang bị rộng rãi cho các đơn vị quân đội.
Cuộc cách mạng trong lĩnh vực chống tăng cá nhân
So với người tiền nhiệm RPG-2, RPG-7 được cải tiến rất nhiều về ống phóng, cơ cấu phóng, khả năng xuyên giáp của đầu đạn cũng như sử dụng nhiều loại đầu đạn để tăng khả năng linh hoạt trong nhiều nhiệm vụ chứ không chỉ tập trung vào chống tăng.
Cải tiến quan trọng nhất của RPG-7 là cơ cấu phóng, đầu đạn được phóng đi nhờ 2 nguồn lực, một từ liều phóng cháy trong ống phóng và từ động cơ tên lửa của đầu đạn. Đến RPG-7 thì nó mới đúng nghĩa là một tên lửa chống tăng không điều khiển. Ở RPG-2 chỉ áp dụng một phần của nguyên lý động cơ tên lửa.
Một thành viên thuộc Lực lượng an ninh Iraq vác trên vai súng chống tăng RGP-7
Khi bắn, thuốc phóng cháy sẽ đẩy đầu đạn ra khỏi ống phóng sau đó kích hoạt động cơ tên lửa để đẩy đầu đạn đi. Động cơ tên lửa được kích hoạt sau khi đầu đạn ra khỏi nòng khoảng 11 mét và được đốt cháy duy trì đến 500 mét. Nhờ động cơ tên lửa, tốc độ tối đa của đầu đạn đạt tới 300 mét/giây.
Ngoài ra, đầu đạn được cải tiến nhiều về ngòi nổ và khả năng xuyên giáp. RPG-7 sử dụng đạn xuyên giáp PG-7V, đầu đạn được trang bị ngòi nổ kiểu kích điện (tức là chóp đầu đạn được trang bị các tinh thể sinh điện, khi gặp áp suất lớn do va chạm, nó sinh điện và kích nổ đầu đạn)
Ngòi nổ có kết cấu khá đơn giản nhưng đòi hỏi rất cao về kỹ thuật trong quá trình chế tạo để đảm bảo độ chính xác và tin cậy. Ngòi nổ cần phải được kích hoạt đúng thời điểm, nếu quá sớm khả năng xuyên của đầu đạn sẽ giảm đi nhiều, nếu quá muộn động năng của đầu đạn đã giảm đi cũng ảnh hưởng đến khả năng xuyên giáp.
Đến tận ngày nay, nếu không được Nga chuyển giao công nghệ thì việc chế tạo ngòi nổ này vẫn là một thách thức lớn ngay cả với những nước công nghiệp phát triển. Đầu đạn có một cơ chế tự hủy hay còn gọi là ngòi nổ chậm được đốt cháy cùng với tên lửa. Cơ chế tự hủy sẽ loại bỏ đầu đạn khi đạt cự ly 900 mét cho dù có trúng mục tiêu hay không.
Các loại đầu đạn dành cho súng chống tăng RPG-7
Về ống phóng RPG-7 cũng có nhiều cải tiến, do áp dụng thuật phóng mới nên ống phóng có khối lượng lớn hơn và phức tạp hơn trong chế tạo. Đuôi ống phóng được thiết kế với kiểu hình phễu, kiểu thiết kế này khi bắn gần như không tạo ra khói về phía sau.
Thân súng được trang bị tích hợp kính ngắm cơ khí và kính ngắm quang học PGO-7, súng có thể trang bị kính ngắm ban đêm NSP-3. Với những cải tiến trên, tầm bắn của RPG-7 tăng lên đến 500 mét với kính ngắm quang học, phạm vi hiệu quả khoảng 350 mét, khả năng xuyên giáp với đầu đạn PG-7V là 260mm, PG-7VL là 500mm.
RPG-7 có thể sử dụng nhiều loại đầu đạn khác nhau như: Đầu đạn xuyên giáp PG-7V, đầu đạn xuyên giáp PG-7VL, đầu đạn liều đúp PG-7VR với 2 liều nổ đầu đạn này có thể xuyên giáp tới 750mm giáp đồng nhất đủ sức đánh bại mọi loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất thế giới ngày nay.
Đầu đạn phân mãnh OG-7V được sử dụng để tiêu diệt sinh lực đối phương và đầu đạn nhiệt áp TBG-7V được sử dụng để tiêu diệt sinh lực địch ẩn nấp sau các công sự, hầm hào.
Vũ khí đi cùng năm tháng
Tính từ thời điểm được chấp nhận biên chế trong quân đội Liên Xô đến nay đã ngót nghét 53 năm song giá trị sử dụng của RPG-7 vẫn không hề giảm sút. Các xe tăng chiến đấu chủ lực mà RPG-7 phải đối mặt lúc đó là M-48, M-60.. đã được thay thế bằng M1A2, Challenger-2, Leopard-2A6, Merkava-IV. Tuy nhiên, ngay cả những chiếc xe tăng hiện đại nhất thế giới này vẫn bị RPG-7 đánh bại như thường.
RPG-7 có thể không đánh bại được các xe tăng nói trên nếu tấn công trực diện từ phía trước nhưng nếu tấn công từ 2 bên hông với sức xuyên giáp của đầu đạn lên tới 750mm thì không một loại xe tăng nào có thể sống sót được.
Một chiếc xe tăng M1A1 của Mỹ bị hỏa thần RPG-7 thiêu rụi.
RPG-7 liên tục tham gia rất nhiều chiến trường khác nhau trong suốt 53 năm qua với rất nhiều loại hình chiến tranh khác nhau và đã minh chứng là một vũ khí cá nhân cực kỳ hiệu quả. Từ Âu sang Á đến châu Phi nơi nào có chiến tranh, ở đó có RPG-7.
Điểm mạnh khác của RPG-7 là khả năng cơ động rất cao, nó có thể theo người lính len lỏi vào mọi ngóc ngách. Trong khi đó điểm yếu cố hữu của xe tăng là khả năng quan sát hạn chế điều đó lý giải tại sao xe tăng dễ dàng bị đánh bại cho dù có rất nhiều nỗ lực để phát triển các loại xe tăng được bọc giáp ngày càng tốt hơn.
Một điểm mạnh khác của RPG-7 là rất dễ sử dụng, dễ sản xuất, ngày nay rất nhiều quốc gia đã tham gia sản xuất RPG-7. Bên cạnh đó chi phí của súng cũng rất phải chăng, đơn giá mỗi ống phóng RPG-7 dao động từ 100-500 USD, đầu đạn có đơn giá từ 50-100 USD tùy thuộc vào hãng sản xuất. Trong khi đó đơn giá mỗi quả tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire của Mỹ lên đến 68.000 USD đắt gấp 113 lần so với RPG-7.
RPG-7 đã trở thành nỗi ám ảnh cho quân đội Mỹ, bất cứ nơi nào có lực lượng Mỹ tham chiến họ đều phải hứng chịu rất nhiều hậu quả từ các vụ tấn công bằng RPG-7. Ngoài việc tiêu diệt các xe tăng, xe bọc thép, RPG-7 còn được sử dụng để bắn hạ cả trực thăng hoạt động ở tầm thấp.
Chiếc xe tăng M1A2 của Mỹ bị RPG-7 làm hư hại nặng trong chiến tranh Iraq
Ít nhất có 3 chiếc trực thăng UH-60 Black Hawk đã bị bắn hạ bằng RPG-7 trong các hoạt động của quân đội Mỹ tại Somalia năm 2003. Đã có những ghi nhận về việc xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 của Mỹ bị tấn công bằng RPG-7 trong chiến tranh Iraq năm 2003, mặc dù đầu đạn không thể xuyên qua được lớp giáp của xe tăng từ phía trước nhưng vụ tấn công đã gây hư hại xe tăng và buộc nó phải từ bỏ nhiệm vụ.
Loại xe tăng chiến đấu chủ lực được quảng cáo là tốt nhất thế giới Merkava-IV của Israel vẫn liên tục phải hứng chịu những tổn thất trước các cuộc tấn công bằng RPG-7 của lực lượng phiến quân Hezbollah, lực lượng Hồi giáo cực đoan Hamas.
Siêu tăng Merkava-IV của Israel cũng không thể chống đỡ nổi hỏa lực của RPG-7.
RPG-7 không chỉ hiệu quả trong quá khứ, hôm nay và còn cả ở tương lai, hiệu quả cao, chi phí thấp RPG-7 vẫn là loại súng chống tăng cá nhân chủ lực cho các quân đội không có ngân sách quốc phòng dồi dào. Không phải cái gì mới, hiện đại cũng tốt, RPG-7 chính là một minh chứng cho thấy những công nghệ cũ vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét