Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Đồng đội tôi “bắt thần chết” giấu mặt trong đất

Dò gỡ bom, mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh là công việc cực kỳ vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đồng đội tôi, những người được giao làm nhiệm vụ này thường gọi tếu với nhau là đi “bắt thần chết” giấu mặt trong đất. Xung quanh công việc của họ có nhiều câu chuyện ớn xương sống
Ẩn họa trong đất


Chúng tôi đến Tiểu đoàn công binh 17 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) vào một buổi mưa dầm dề tháng 7. Trong phòng khách đơn sơ của tiểu đoàn, Đại úy Doãn Văn Chiến, Phó tiểu đoàn trưởng phân trần:
- Hiện đơn vị đang đảm nhận nhiệm vụ, gồm cả huấn luyện, SSCĐ, xây dựng công trình phòng thủ; dò gỡ bom, mìn vật nổ tồn sót sau chiến tranh và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn… Cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn dàn mỏng trên nhiều hướng, nhiều mũi, ở nhiều tỉnh biên giới phía Bắc để hoàn thành những nhiệm vụ ấy.

Các loại mìn, đạn pháo - những "thần chết" giấu mặt trong đất mà cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 17 dò gỡ được tại Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang).
Khi chúng tôi đề đạt muốn được tìm hiểu về nhiệm vụ dò gỡ bom, mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh thì Thiếu tá Nguyễn Anh Đức, Phó tiểu đoàn trưởng lấy ra cho chúng tôi xem một vật trụ tròn bằng nhựa mà anh gọi là mìn 652A. Nhìn mẫu vật có đường kính chưa đầy 5cm, cao hơn 4cm ấy ít ai nghĩ rằng nó là một loại vũ khí sát thương nguy hiểm. Đức mở nắp nhựa, rút một đoạn thép cứng có móc tròn ở đầu nằm sát mép trên của thân quả mìn. Rồi anh đặt nó lên mặt bàn và đưa một ngón tay tác động nhẹ vào chính giữa mặt trên của vật hình trụ tròn ấy. Một tiếng “tạch” khô khốc phát ra. Đức lạnh lùng buôn một câu gọn lỏn:
- Mìn nổ.
Chờ cho chúng tôi có đủ thời gian ngắm nghía, nghiên cứu và tận hưởng sự ớn lạnh từ vật trông giống đồ chơi trẻ em nhiều hơn này, Đức mới phân tích:
- Vật liệu làm mìn 652A chủ yếu bằng nhựa, chỉ có một chút sắt nhỏ xíu làm ngòi nổ ở giữa thân mìn nên các máy dò hiện đại cũng rất khó bắt được tín hiệu. Loại mìn này được địch bố trí ở mọi nơi và chẳng thành quy luật nào cả, ngay cả trong hang đá cạnh đường mòn cũng có mìn. Cách tìm ra mìn 652A tối ưu nhất là dùng thuốn. Người dò có thể quỳ hoặc đứng và dùng thuốn xâm vào mặt đất nghiêng một góc 45 độ để phát hiện ra mìn. Đó là công việc đòi hỏi sự bền bỉ, nhẫn lại và không thể vội vàng. Chỉ cần một lực từ 0,5kg trở lên tác động vào mặt là mìn 652A sẽ nổ. Người dẫm phải mìn có khả năng cụt mất bàn chân. Anh kể thêm, đã có trường hợp chiến sĩ khi làm nhiệm vụ dùng thuốn chạm nhẹ lên mặt thì mìn đã nổ và bị thương hỏng cả mắt. Nguyên nhân là mìn ở dưới đất lâu ngày nên mìn bị lão hóa, chỉ một lực nhỏ tác động cũng làm kim hỏa giải phóng, gây nổ mìn.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 17 dò mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh tại Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang).
Đại úy Nguyễn Văn Chiến kể thêm để thấy rõ sự nguy hiểm của loại mìn này. Trong một lần đi dò mìn tại Hà Giang, mặc dù đã dặn kỹ các chiến sĩ phải chú ý đến những chỗ giáp ranh, tránh để sót mìn. Thế nhưng, khi đi kiểm tra, thấy một túm cỏ nằm dưới dây phân tuyến, Chiến nghi ngờ và đưa tay giật lên. Anh lạnh người khi phát hiện phía dưới chùm rễ cỏ lộ ra quả mìn 652A.
Nghe xong câu chuyện của Chiến, Thiếu tá Nguyễn Anh Đức liền nhắc lại một kỷ niệm khó quên trong lần làm nhiệm vụ tại xã Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang) cách đây gần 2 năm. Khi bộ đội đang phát tuyến mở đường bằng dụng cụ thô sơ vào khu vực nghi có mìn tồn sót thì một tiếng nổ xé tan không gian núi rừng yên tĩnh. Chiến sĩ làm nhiệm vụ ngã xuống. Khi anh chạy lên kiểm tra thì phát hiện nguyên nhân vụ nổ là do địch dùng dây thông tin thay dây kẽm 0,5mm mầu trắng chuyên dùng để bố trí mìn vướng nổ POMZ2 trong hang đá, cạnh đường mòn. Rất may, vụ nổ ở phía trên nên chiến sĩ kia chỉ bị thương nhẹ.
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, chỉ riêng ở các xã của huyện Vị Xuyên (Hà Giang), các đội dò gỡ bom, mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh của Tiểu đoàn 17 đã thu được rất nhiều loại mìn có mức độ sát thương và hủy diệt lớn như mìn K58, K63, PĐM; lựu đạn cháy, đạn pháo, đạn M79… Đó là những “thần chết” giấu mặt vô cùng nguy hiểm ở trong đất.
Vượt lên gian khó
Diện tích bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh ở các tỉnh biên giới phía Bắc còn rất lớn. Mặc dù lực lượng công binh đã hết sức cố gắng, nhưng cũng chỉ giải quyết được phần nào. Chỉ tính từ năm 2006 đên hết 6 tháng đầu năm 2013, Tiểu đoàn công binh 17 đã dò gỡ được gần 27.000 nghìn quả mìn, đạn, lựu đạn, bom bi các loại; giải phóng hơn 425ha đất tại các xã Thanh Đức, Thanh Thủy, Minh Tân thuộc huyện Vị Xuyên và xã Xín Mần thuộc huyện Xín Mần của tỉnh Hà Giang… Để có được kết quả ấy, họ đã thầm lặng đổ mồ hôi, sôi nước mắt, có khi hy sinh cả một phần thân thể để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng không vì những lý do ấy mà họ lùi bước.
Đại úy Doãn Văn Chiến kể lại, trong một lần chỉ huy bộ đội lên Mường Khương (Lào Cai) dò gỡ mìn, khi cách vị trí làm nhiệm vụ khoảng 6km thì ô tô không thể đi tiếp được. Chiến phải cho đơn vị hành quân bộ. Đi khoảng 2km thì trời tối. Anh quyết định cho bộ đội dừng chân nghỉ lại để sáng mai đi tiếp nhưng khi triển khai nấu cơm thì không tìm đâu ra nước. Thế là anh lại phải cùng các chiến sĩ đi bộ hơn 2km đường rừng núi nữa mới đến được điểm chốt của đồn biên phòng để xin nước và cõng về nấu cơm. Đêm đó, anh cùng bộ đội ngủ ở ven rừng trong màn đêm mịt mùng. Ngày hôm sau, mặc dù đã đôn đốc bộ đội dậy từ rất sớm, nhưng chỉ với 4km thôi mà các anh phải đi đến hơn 11 giờ trưa mới tới nơi làm nhiệm vụ vì phải vượt qua nhiều sườn núi tai mèo sắc lẹm. Khó khăn là thế, song với người lính công binh Tiểu đoàn 17, điều đó chỉ là chuyện vặt so với những ẩn họa bom, mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh còn nằm trong lòng đất đang chờ các anh đến xử lý trong tương lai gần.
Tại Đại đội 2 của Tiểu đoàn 17, chúng tôi gặp Trung sĩ Vàng A Giống người dân tộc Mông. Giống năm nay đã 28 tuổi và đã có vợ cùng một con trai. Giống vừa tốt nghiệp khóa đào tạo tiểu đội tại Trường quân sự Quân khu 2 hồi tháng 6. Khi nói về những gian khổ, hiểm nguy phải đối mặt trong lúc làm nhiệm vụ dò gỡ bom, mìn, vật nổ… Giống tâm sự:
- Mình đã được học ở trường rồi. Với lại, khi về đơn vị, mình được chỉ huy dạy thêm về các loại mìn nữa nên vững cái bụng lắm, chẳng sợ đâu.
Theo Giống, điều quan trọng nhất khi làm nhiệm vụ này là phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, tiến hành đúng các khâu, các bước mà cán bộ đã huấn luyện từ trước thì chẳng phải lo lắng nữa. Còn Binh nhì Hoàng Văn Biến, người dân tộc Tày vừa hoàn thành khóa huấn luyện chiến sĩ mới đợt 1 năm 2013 lại thổ lộ quyết tâm của mình theo một hướng khác. Biến nói:
- Tiểu đoàn 17 là đơn vị 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và có truyền thống vượt khó khăn gian khổ. Tôi sẽ cố gắng để phát huy tốt truyền thống ấy, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong thời gian tới.
Nhiệm vụ của Tiểu đoàn công binh 17 còn bộn bề, chồng chất khó khăn; nhưng vì màu xanh và sự bình yên của núi rừng, vì cuộc sống của đồng bào nơi biên cương; cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn công binh 17, những đồng đội của chúng tôi vẫn tự tin, sẵn sàng hy sinh tình cảm riêng tư, vượt gian khổ, thiếu thốn về vật chất, tinh thần để tập trung sức lực và trí tuệ cao nhất, “bắt thần chết” giấu mặt ở những sườn đồi, vạt nương, con đường mòn vùng biên ải. Điều ấy quả đáng trân trọng biết bao.
(QĐND)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến