(ĐVO) - Trong nội bộ Trung Quốc, một số nhà phân tích chính trị, đặc biệt là nhóm học giả tướng tá trong quân đội đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc lại phê chuẩn UNCLOS? Và đang công kích chính phủ nước này suy nghĩ về vấn đề có nên tồn tại hay không cái gọi là “Công ước kiềm chế lợi ích”?
Tại sao Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS?
Với Trung Quốc, Đài Loan, đó luôn là vấn đề nổi cộm và khi đã lớn mạnh, là cường quốc thì nỗi đau đó càng nhức nhối. Thu hồi Đài Loan không phải là không có trong ý tưởng và hành động của giới lãnh đạo Bắc Kinh từ khi lập nước.
Tuy nhiên trong 3 lần (thế giới gọi là 3 lần khủng hoảng eo biển Đài Loan) hành động của Trung Quốc bị Hải quân Mỹ, với sức mạnh vượt trội, răn đe, can thiệp đều phải xuống thang, từ bỏ ý định.
Ngày 23/8/1958 Trung Quốc đột ngột nã pháo vào đảo Kim Môn tạo ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài loan lần thứ 2. Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh cho tàu chiến Hoa Kỳ đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài Loan đến 2 đảo tiền tiêu Kim Môn và Mã Tổ. Đồng thời, Hoa kỳ đã bí mật cung cấp cho Đài Loan 100 máy bay chiến đấu F86 Sabre trang bị tên lửa AIM-9 Sidewinder không đối không hiện đại nhằm đối đầu với các chiến đấu cơ Mig 15, Mig 17.
Bắc Kinh đã chịu nhiều chỉ trích vì vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm1982 mà Trung Quốc đã phê chuẩn năm 1996. |
Trước tình hình cuộc chiến có thể leo thang gây bất lợi cho Đại Lục, ngày 4/9/1958, Bắc Kinh ra tuyên bố chính thức về hải phận của họ là 12 hải lý.
Trước hết, tuyên bố này nhằm khẳng định chủ quyền trên biển của Trung Quốc trong tình thế bị đe dọa tại eo biển Đài Loan. Sau nữa, quan trọng hơn là khiến Hải quân Mỹ phải do dự khi vào khu vực bờ biển mà Trung Quốc đã tuyên bố lãnh hải.
Cuộc khủng hoảng lần thứ 3 kéo dài từ tháng 7/1995 đến ngày 11/3/1996. Trung Quốc đã tiến hành tập trận quanh đảo Đài Loan và phóng tên lửa bay qua hòn đảo này.
Lập tức Mỹ điều 2 nhóm tàu sân bay chiến đấu đi vào eo biển Đài Loan khiến Trung Quốc lùi bước, xuống thang để “tránh xung đột với Mỹ”. Cũng trong năm 1996, Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS.
Giới lãnh đạo Trung Quốc thời đó thừa biết tại sao Mỹ không phê chuẩn UNCLOS và rất muốn cũng như Mỹ bởi tư tưởng bành trướng, cậy mạnh vồn có của mình.
Nhưng, có thể nói việc tuyên bố lãnh hải 12 hải lý và tiếp theo là phê chuẩn UNCLOS năm 1996 của Trung Quốc diễn ra trong tình thế khả năng quân sự của Trung Quốc không thể bằng và đủ sức ngăn cản được Hải quân Mỹ trên eo biển Đài Loan, khi vùng biển của Trung Quốc có nguy cơ mất an toàn nếu không phê chuẩn UNCLOS như Mỹ.
UNCLOS với Trung Quốc lúc đó như một chiếc phao cho người chưa biết bơi mà không có nó thì ai cũng hiểu sẽ ra sao.
Việc Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS, dùng nó làm vũ khí đấu tranh, hạn chế được sự “tự do hàng hải” của Mỹ hoặc ít nhất làm cho Mỹ do dự, tính toán khi muốn “tự do hàng hải” kiểu Mỹ trong vùng biển thuộc điều chỉnh của UNCLOS mà Trung Quốc đã phê chuẩn.
Chẳng hạn, ngày 08/03/2009, cách đảo Hải Nam 75 hải lý về phía Nam, 5 tàu Trung Quốc bao vây một tàu do thám không vũ trang của hải quân Mỹ, tiến tới cách tàu này 8m, cản đường tàu này và tìm cách phá hoại những thiết bị thuỷ âm mà tàu này đang kéo trên biển.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật biển quốc tế. Trung Quốc cáo buộc ngược lại là chính Mỹ mới vi phạm luật quốc tế và UNCLOS trong vùng đặc quyền kinh tế của họ…Điều đó cho thấy UNCLOS vẫn đang có giá với Trung Quốc, ít nhất là cho đến năm 2009.
Vậy mà, nhóm diều hâu, được nuôi lớn, tồn tại nhờ vào sách lược “nín nhịn chờ thời” và chiếc phao UNCLOS, mới cảm thấy có một chút “cơ bắp”.
Nhưng chưa làm được trò trống gì cho dù là tạo ra một cuộc “khủng hoảng” đã dám phê phán các bậc lãnh đạo tiền bối khi phê chuẩn UNCLOS thì đúng là không biết thời thế.
UNCLOS “kiềm chế lợi ích” của Trung Quốc?
Giá như UNCLOS đã “kiềm chế lợi ích” của Trung Quốc dù chỉ “một chút do dự” thôi, thì đó là điều may mắn cho các quốc gia khu vực ĐNA có chung biển với Trung Quốc.
UNCLOS không những đáp ứng được tình thế của Trung Quốc khi “chưa biết bơi”, mà hiện tại, Trung Quốc dựa vào UNCLOS theo “kiểu Trung Quốc” để tạo ra lợi ích phi lý, phi pháp của mình (Bản đồ đường lưỡi bò phi lý, phi pháp).
Rõ ràng, bản đồ “đường lưỡi bò” lấy cách giải thích khoa học dựa theo UNCLOS là phi lý. Nhưng Trung Quốc dựa theo UNCLOS để cải biên theo các giải thích của Trung Quốc hay theo luật của Trung Quốc?
Trung Quốc cho rằng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc (phi pháp) và do đó chúng có 3 vùng chủ quyền gồm nội thủy, lãnh hải 12 hải lý, vùng EEZ 200 hải lý (phi lý).
Theo cách giải thích như vậy thì đó là một vùng biển rộng hơn 80% diện tích Biển Đông mà Trung Quốc đòi chiếm đoạt là vậy và định dạng đường lưỡi bò cũng từ đó mà ra.
Hiện nay, khi Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức địa vị thống trị toàn cầu của Mỹ thì không có cái gì, điều gì “kiềm chế lợi ích” của Trung Quốc huống chi là UNCLOS. Nếu UNCLOS “kiềm chế” được lợi ích Trung Quốc thì làm gì có chuyện Trung Quốc đánh dấu điểm cực nam của bản đồ “đường lưỡi bò” chỉ cách Malaisia 80 km trong khi cách mình hàng ngàn km?
Philipines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về Biển Đông ư? Mỹ vẽ đường cho Trung Quốc nên rút khỏi UNCLOS để tránh vụ kiện rắc rối nhưng Trung Quốc có coi UNCLOS có ý nghĩa gì đâu mà kiện.
Rút khỏi UNCLOS là mắc mưu Mỹ, nghĩa là, ý đồ của Trung Quốc trên Biển Đông không còn chỗ nào được che đậy, nghĩa là bất cần, Trung Quốc sẵn sàng thách thức công khai đe dọa tất cả.
Vậy, Trung Quốc đã đủ độ liều lĩnh đấy chưa? Chưa đâu.
Chính vì lẽ đó, con đường Mỹ vẽ ra, Trung Quốc không dại, Trung Quốc có con đường riêng của mình.
Mỹ không phê chuẩn UNCLOS vì có nhiều điều hại đến quyền lợi của Mỹ tuy vẫn có nhiều điều lợi. Hơn nữa, Mỹ không phê chuẩn vì khi đã phê chuẩn thì phải tuân thủ. Chứng tỏ Mỹ rất tôn trọng luật và rất quân tử, hại nhiều hơn lợi thì không ký dù là đương kim cường quốc số 1 thế giới, có thể dùng sức mạnh để bẻ luật.
Trung Quốc khác Mỹ, Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS nhưng không nhất thiết phải tuân thủ, vì, thấy có điều lợi để khai thác, còn khi có điều hại thì bất chấp, sẵn sàng coi UNCLOS chỉ là mớ giấy lộn (thực tế hành xử trong thời gian qua trên Biển Đông đã quá rõ).
Điều này, chứng tỏ Trung Quốc “uyển chuyển” hơn Mỹ và đương nhiên ngang ngược hơn Mỹ trong cách đối xử với luật quốc tế nói chung và UNCLOS nói riêng.
Với Trung Quốc, sức mạnh là luật, đề ra luật và Mỹ cũng vậy thôi. Tuy nhiên luật và sức mạnh là thuộc ý muốn chủ quan của con người, con người làm ra luật và sức mạnh. Nhưng quy luật là khách quan, ngoài ý muốn của con người. Con người vận dụng phù hợp thì tồn tại, làm trái nó là bị hủy diệt.
Chiến tranh, bành trướng, mộng bá chủ thế giới…của những quốc gia dù hùng mạnh, hung hăng, phát xít đến mấy nhưng bất chấp quy luật là tiêu vong và đã từng tiêu vong từ trước tới nay.
Lê Ngọc Thống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét