Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Philippines mở cửa đón Mỹ, quyết bảo vệ chủ quyền

Philippines cho biết sẽ sớm đẩy nhanh việc khởi động vòng đàm phán với Mỹ về việc tăng cường sự hiện diện của binh lính Mỹ ở quốc gia Châu Á này
Lính Mỹ sẽ được tăng cường tại Philippines theo lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ngoại trưởng nước này ngày 8/8.
Việc cho phép lính Mỹ "tăng cường hiện diện luân phiên" sẽ giúp Philippines có được "sự phòng thủ tin cậy tối thiểu" để bảo vệ lãnh thổ trong khi phải vật lộn với công cuộc hiện đại hóa lực lượng quân đội.
Động thái trên diễn ra chỉ hai ngày sau khi Philippines rầm rộ đón nhận chiếc tàu chiến lớp Hamilton thứ hai từ Mỹ chuyển sang để tăng cường hoạt động tuần tra biển.
Theo Reuters, Tổng thống Benigno Aquino cũng đã có mặt cùng lực lượng Hải quân trong lễ đón nhận này.
Con tàu đã cập cảng tại Subic, căn cứ quân sự cũ của Mỹ nằm ở bờ biển phía Tây đảo chính Luzon, đối diện với Biển Đông, nơi Philippines có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Chiếc đầu tiên là BRP Gregorio del Pilar được mua lại hồi năm 2011 và lập tức được điều đi tuần tra tại vùng biển của Philippines để chống lại cái mà Manila gọi là "sự tăng cường quân sự hóa của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp".


Năm 2012, tàu Gregorio del Pilar đã có cuộc giằng co với các tàu Trung Quốc trong một sự kiện liên quan tới bãi cạn Scarborough, một đảo san hô nằm gần Subic.
Tàu BRP Ramon Alcaraz cập bến cảng Subic
Tàu BRP Ramon Alcaraz cập bến cảng Subic
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang ngang nhiên hợp pháp hóa chủ quyền "đường lưỡi bò" mà nước này đưa ra hồi năm ngoái.
Mới đây nhất là việc Hải quân nước này đã thiết lập và triển khai tuyến tuần tra mới ở Biển Đông đi qua tất cả các bãi đá ngầm, bãi cạn và các đảo tranh chấp, thậm chí cả những khu vực nằm trong phạm vi 85 hải lý của tỉnh Palawan, cực Tây Philippines.
Động thái này được cho là đi ngược lại với tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị trong chuyến công du đến 4 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Theo đó, ông Vương khẳng định Bắc Kinh chưa cần vội vàng ký kết thỏa thuận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
"Trung Quốc tin rằng không nên vội vàng. Có một số nước hy vọng có thể đạt được nhất trí về COC một sớm một chiều và đây là những nước đang ôm ảo vọng phi thực tế...
COC liên quan tới lợi ích của nhiều bên và những yếu tố cấu thành COC yêu cầu phải có khối lượng lớn công việc phối hợp. Không quốc gia đơn lẻ nào có thể áp đặt ý chí của mình lên các nước khác", hãng Xinhua dẫn lời ông Vương Nghị cho hay.
Căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng trên Biển Đông giữa các bên tranh chấp. Manila quyết theo đuổi đến cùng vụ kiện bảo vệ chủ quyền biển đảo lên Tòa án Quốc tế.
T.Hồng (Tổng hợp TTXVN, DT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến