Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

S-125: ‘Sát thủ’ diệt máy bay tàng hình của Việt Nam

Ai có thể ngờ rằng một loại tên lửa phòng không lạc hậu như S-125 lại khiến máy bay ném bom tàng hình F-117A của Mỹ phải tan xác.
S-125 Pechora (NATO định danh là SA-3 GOA) là hệ thống phòng không tầm thấp đến trung được phát triển và đưa vào sử dụng tại Liên Xô từ năm 1961. S-125 là sự bổ sung và tăng cường sức chiến đấu cho tổ hợp tên lửa phòng không S-75.
Hệ thống tên lửa phòng không này có nhiều điểm mạnh hơn so với S-75. Đạn tên lửa S-125 sử dụng động cơ nhiên liệu rắn nên khả năng sẵn sàng chiến đấu, cũng như thời gian triển khai nhanh hơn. Mỗi bệ phóng S-125 được trang bị 4 đạn tên lửa nên mang lại lợi thế hỏa lực mạnh hơn.
Đạn tên lửa S-125 được thiết kế với khả năng cơ động cao hơn so với S-75, có thể tấn công các mục tiêu có khả năng cơ động cao. Hệ thống S-125 có thể tấn công các mục tiêu bay thấp, các mục tiêu có diện tích phản hồi radar RCS nhỏ hơn, khả năng kháng nhiễu của hệ thống cao hơn.
Tại Việt Nam, cùng với S-75, S-125 vẫn là hệ thống phòng không tầm trung chủ lực. (Trong ảnh: Công tác bảo quản đạn tên lửa S-125). Ảnh: QĐND

Mỗi hệ thống S-125 bao gồm: 4 bệ phóng bán cố định 5P71/5P73 với 4 đạn tên lửa/bệ phóng, radar cảnh giới P-15 Flat Face, radar đo độ cao PRV-11, radar điều khiển hỏa lực SRN-125 Low Blow, xe buồng điều khiển trung tâm và xe tiếp đạn.
S-125 đời đầu sử dụng đạn tên lửa 5V24 với phạm vi hoạt động khoảng 25km, tầm cao 18km, đầu đạn nặng 60kg. Các biến thể về sau sử dụng đạn tên lửa 5V27 với tầm bắn tối đa khoảng 35km tầm cao 25km, đầu đạn nặng 70kg khi nổ tạo ra 4.500 mảnh vỡ.
Vào đầu những năm 1970, S-125 đã được bí mật chuyển đến Việt Nam để chuẩn bị tham chiến chống lại các cuộc tập kích đường không của Không quân Mỹ. Tuy nhiên, khi nổ ra chiến dịch Điện Biên Phủ trên không vào tháng 12/1972, S-125 vẫn đang trong quá trình lắp ráp thiết bị nên chưa kịp tham chiến.
Khi khẩu đội S-125 đầu tiên sẵn sàng chiến đấu thì chiến dịch Điện Biên Phủ trên không đã kết thúc. S-125 đã tuột mất cơ hội đối mặt với B-52 tại chiến trường Việt Nam. Nếu khẩu đội S-125 được triển khai hoạt động trước chiến dịch, chắc chắn nó có thể khiến thêm rất nhiều máy bay ném bom B-52 và các máy bay chiến thuật khác phải tan xác trên bầu trời Việt Nam.
Tên lửa lạc hậu ‘quật ngã’ máy bay tàng hình
Tương tự như S-75, S-125 được liệt vào hàng các loại tên lửa có công nghệ lạc hậu, là đồ bỏ, hàng phế thải. Tuy nhiên, hệ thống phòng không được cho là “đồ bỏ” này lại lập nên một chiến công chấn động thế giới khi bắn rơi một chiếc máy bay ném bom tàng hình tiên tiến của Không quân Mỹ trong chiến tranh Kosovo vào năm 1999.
Ngày 27/03/1999, lữ đoàn phòng không số 250 thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân Serbia đã đón lõng và bắn hạ một chiếc máy bay ném bom tàng hình F-117A Night Hawk của Không quân Mỹ. Vào thời điểm đó, F-117A được đánh giá là máy bay ném bom hiện đại bậc nhất thế giới.
F-117A vừa có khả năng tàng hình, vừa được trang bị rất nhiều công nghệ tối tân cả trong tấn công và phòng thủ, một loại máy bay gần như bất khả xâm phạm. Song với một chiến thuật hợp lý của lực lượng phòng không Serbia, F-117A vẫn trở thành bại tướng dưới tay S-125.
Sự kiện này khẳng định một chân lý, một hệ thống vũ khí cho dù đã lạc hậu nhưng nếu được đặt vào một chiến thuật hợp lý vẫn có thể giành chiến thắng trước các loại vũ khí công nghệ cao.
Tên lửa S-125 'khai hỏa'. Ảnh: VOV
Tại Việt Nam, S-125 cùng với S-75 vẫn là hệ thống phòng không tầm trung chủ lực. Để S-125 không già nua theo năm tháng, hệ thống tên lửa phòng không này vẫn liên tục được nâng cấp lên các tiêu chuẩn mới hiện đại hơn.
Theo Ausairpower, hệ thống S-125 của Việt Nam đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn S-125 Pechora 2T/2TM. Đây là gói nâng cấp được thực hiện bởi Tetraedr (đơn vị phát triển Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung S-125-2TM), Cộng hòa Belarus thực hiện. Gói nâng cấp này chủ yếu tập trung vào cải tiến radar điều khiển hỏa lực, trang bị an-ten mới, bổ sung phầm mềm lái tự động mới, bộ vi xử lý mới. Radar nâng cấp cho phép cung cấp kênh dẫn hướng cho 2 tên lửa tấn công mục tiêu cùng lúc.
S-125 sau khi nâng cấp lên tiêu chuẩn 2T/2TM có thể tiêu diệt các mục tiêu đường không trong phạm vi 35km, tầm cao 25km. Xác suất tiêu diệt mục tiêu máy bay chiến thuật đạt từ 85-96%, tên lửa hành trình đạt từ 30-80%, trực thăng đạt 40-85%.
Gói nâng cấp này là một phần trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Việt Nam và Belarus. Ngoài ra, một gói nâng cấp S-125 rất hiệu quả là S-125 Pechora 2M. Điểm mạnh của gói nâng cấp này là bệ phóng tên lửa được trang bị lên khung gầm xe tải hạng nặng MZKT-8022.
Radar điều khiển hỏa lực SRN-125, phòng điều khiển trung tâm đều được trang bị lên khung gầm xe tải mang lại khả năng cơ động rất cao. Gói nâng cấp này đạt được hầu hết các tiêu chí của tác chiến phòng không công nghệ cao. Theo các nguồn tin không chính thức, lực lượng phòng không Việt Nam có khoảng 100 bệ phóng tên lửa S-125 cùng với 1.500 đạn tên lửa.
Được nâng cấp lên tiêu chuẩn S-125 Pechora 2M, S-125 của Việt Nam sẽ nâng cao hơn nữa khả năng tác chiến. Hệ thống phòng không tầm trung di động S-125 Pechora 2M sẽ bổ sung và tạo nên sự tương tác với hệ thống phòng không tầm xa di động S-300, từ đó xây dựng mạng lưới phòng không hiệu quả, đủ sức hạ gục bất kỳ lực lượng không quân nào xâm phạm bầu trời Tổ quốc.
(TTVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến