Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Tranh cãi về vũ khí khắc chế Trung Quốc của Mỹ

Mặc dù bị chỉ trích về sự bền bỉ trong tác chiến trên biển, nhưng tàu chiến đấu ven biển (LCS) của Hải quân Mỹ vẫn tiếp tục được triển khai theo kế hoạch dự phòng cuộc đối đầu bùng phát do căng thẳng lên cao ở phía tây Thái Bình Dương, một quan chức hải quân cao cấp của Mỹ đã khẳng định trong phiên điều trần hôm 25.7.
Là siêu tốc có khả năng hoạt động ở vùng nước nông, nhưng tàu tác chiến ven biển (LCS) của hải quân Mỹ vẫn gặp sự cố kỹ thuật trong giai đoạn triển khai ban đầu, theo bài phân tích hôm 29.7 trên tờJane's Navy International.


Tranh cãi về sức chịu đựng trong tác chiến
Trong phiên điều trần với nhiều trao đổi khá gay gắt về năng lực của LCS trước Tiểu ban hải lực thuộc Ủy ban quân vụ Hạ viện, Nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa Duncan Hunter (bang California) đã đặt thẳng vấn đề với Hội đồng LCS về năng lực cũng như khả năng triển khai loại tàu này trong trường hợp Mỹ phải đối đầu với Trung Quốc hay CHDCND Triều Tiên.
Trả lời chất vấn của Nghị sĩ Hunter, Phó đô đốc Richard Hunt, Chủ tịch hội đồng LCS, đã khẳng định là hải quân Mỹ hoàn toàn có thể sử dụng LCS trong một phần của chiến dịch.
 Tranh cãi về vũ khí khắc chế Trung Quốc của Mỹ Tàu USS Freedom của Mỹ - Ảnh: AFP
Theo ông Hunt, các sự cố kỹ thuật xảy ra với LCS chỉ là trong giai đoạn ban đầu, và nó cần được triển khai thực địa và làm quen với môi trường tác chiến trước khi chiến sự có thể xảy ra. Và hải quân sẽ sử dụng tất cả nguồn lực hiện có của mình.
Tuy nhiên, ông Hunter đã phản đối và cho rằng LCS không phải là loại tàu tốt nhất cho một kịch bản liên quan đến Trung Quốc hay CHDCND Triều Tiên.
"Tôi đã thảo luận với một số đô đốc cũng như chuyên gia hải quân, và họ đều nói rằng LCS không phải là lựa chọn tốt nhất", Nghị sĩ Hunter dẫn chứng.
"Nó có thể thích hợp cho eo biển Hormuz hoặc các khu vực khác, nhưng với trục châu Á thì không. Ở đây, chúng ta cần thêm tuần dương hạm và tàu ngầm, là những lực lượng có năng lực cao để có thể tồn tại và tác chiến chống lại các mối đe dọa tầm xa của Trung Quốc", ông lập luận.
Đặc biệt, phiên điều trần còn đưa ra báo cáo về chương trình LCS mới được công bố của Văn phòng kiểm toán chính phủ (GAO), được thực hiện chỉ vài ngày sau khi tàu USS Freedom bị hỏng máy phát điện diesel trong lần triển khai ở Đông Nam Á. Sự cố xảy ra do hai máy phát điện diesel quá nóng nên tự tắt, buộc tàu phải quay về cảng Singapore để sửa chữa và kiểm tra lại kỹ càng trước khi tiếp tục hải trình đã định, tác giả bài phân tích cho biết. 
Theo quan điểm của hải quân thì việc triển khai USS Freedom là cơ hội tốt để thử nghiệm khả năng của tàu cũng như các khái niệm tác chiến của nó trong môi trường thực tế.
Theo Grace Jean, tác giả bài phân tích trên Jane's Navy International thì yêu cầu về khả năng sinh tồn của tàu hải quân Mỹ được tính theo thang điểm thấp đến cao, từ cấp I đến cấp III. LCS được chế tạo theo tiêu chuẩn cấp I+, có nghĩa là nhỉnh hơn cấp I, là cấp của tàu tuần tra và tàu tác chiến thủy lôi, nhưng nằm dưới cấp II, là cấp của tàu khu trục lớp Oliver Hazard Perry, lớp tàu mà LCS được thiết kế để thay thế. Các tàu sân bay được thiết kế với khả năng sinh tồn cấp III.
Ngoài ra, vị Chủ tịch hội đồng LCS còn cho biết Tư lệnh Hạm đội 7 của hải quân Mỹ rất hài lòng về những gì LCS đã thực hiện trên thực địa. Tuy nhiên, một số vị lãnh đạo Quốc hội tỏ ra hoài nghi và cho rằng đó chỉ là nhận xét thổi phồng.
"Cho đến nay, những gì mà LCS thực hiện được chẳng là gì cả ngoài việc nằm ì tại một bến cảng mà các tàu khác không thể neo đậu vì mớn nước cạn", Nghị sĩ Hunter chỉ trích.
"Nhưng nó hiện đang tham gia các cuộc tập trận Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng trên biển (CARAT) diễn ra trong khu vực", Phó đô đốc Hunt phản biện.
"Đúng vậy, nhưng không chứng minh được điều gì ngoài khả năng di chuyển rất nhanh, nhưng theo hình tròn. Đó là những gì người lái tàu cho biết hai ngày trước", Hunter đáp trả.
Ngoài ra, ông Hunter còn cho rằng hải quân nên tập trung kiểm tra lại các giải pháp khai thác năng lực của LCS trong một kịch bản ở Tây Thái Bình Dương cùng với các lực lượng khác, thay vì vội vã đưa ra kết luận không phù hợp với tình hình thực tế.
Trả lời câu hỏi của Nghị sĩ Hunter về khả năng tham chiến của LCS trong tình huống xung đột giả định với Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, Phó đô đốc Hunt nói LCS hoàn toàn có khả năng hoạt động ở Tây Thái Bình Dương.
Ông còn cho biết thêm, một khi được trang bị đầy đủ hệ thống tác chiến chống tàu ngầm (ASW), các LCS có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tàu sân bay và tàu đổ bộ. Còn khi trang bị hệ thống tác chiến chống thủy lôi (MCM), nó có thể đảm bảo an ninh cần thiết cho cảng cũng như tuần tra khu vực ven bờ trong chiến dịch tác chiến có quy mô lớn.
Ngoài ra, nó còn có thể cung cấp những năng lực tác chiến độc nhất tùy theo mỗi nhiệm vụ mà tư lệnh hạm đội có thể điều chỉnh sau đó, tùy thuộc vào khái niệm tác chiến được phát triển như thế nào, ông Hunt nhấn mạnh.
Một trong những nhược điểm nổi bật bị nhiều chỉ trích trong báo cáo nội bộ bị rò rỉ của hải quân Mỹ là việc LCS có khả năng sinh tồn thấp trong khi tác chiến, đặc biệt dễ bị tấn công bởi tên lửa đối hạm.
Cái gọi là “Báo cáo Perez” bị rò rỉ với giới truyền thông cho thấy LCS “không phù hợp cho các hoạt động tác chiến chống lại bất kỳ lực lượng nào, ngay cả tàu tấn công cao tốc và các loại tàu nhỏ khác”.
Theo nhận định của hải quân Mỹ, các LCS được thiết kế không có khả năng tiếp tục nhiệm vụ khi bị thiệt hại và buộc phải rút khỏi vòng chiến, trong khi các tàu sân bay thì có thể cho dù phải hứng chịu một cuộc tấn công trực tiếp.  
Chậm trễ về hệ thống tác chiến
Trong báo cáo mới nhất của mình về LCS, GAO đã chỉ trích việc tiếp tục triển khai loại tàu tuần duyên siêu tốc này sau khi hải quân đã tự mình phát hiện ra nhược điểm, cũng như tiến triển chậm chạp của các bộ phận tác chiến cho cả hai loại thân tàu khác nhau, bao gồm lớp LCS 1 (Freedom) của tổ hợp công nghiệp do hãng Lockheed Martin đứng đầu, và lớp LCS 2 (Independence) do tổ hợp công nghiệp General Dynamics và Austal USA chế tạo.
Hạ viện gần đây đã thông qua một dự luật phân bổ quốc phòng cho năm tài chính 2014, trong đó bao gồm việc cung cấp ngân quỹ mua thêm 4 khung tàu LCS, nhưng lại cắt giảm kinh phí cho 3 bộ phận tác chiến mà hải quân đã yêu cầu, bao gồm 2 SUW và 1 MCM. Dự luật còn phải chờ ý kiến của Thượng viện.
heo bài phân tích trên Jane's Navy International, ba loại bộ phận tác chiến của LCS hiện vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển. Trong đó, bộ phận tác chiến trên biển (SUW) và bộ phận chống thủy lôi (MCM) dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2014. Còn bộ phận chống tàu ngầm (ASW) dự kiến đến năm 2016.
Việc cắt giảm chi tiêu tự động trong tháng 3.2013 dự kiến sẽ làm chậm tiến độ thử nghiệm và phát triển MCM. Các quan chức của chương trình cho rằng việc cắt giảm ngân quỹ sẽ tác động tiêu cực đến kế hoạch thử nghiệm các công nghệ trong năm 2013.
Song song với kế hoạch mua 52 khung tàu LCS, hải quân Mỹ còn có kế hoạch mua 16 bộ phận ASW, 24 SUW và 24 MCM.
Tàu USS Freedom hiện đang được trang bị một phiên bản sửa đổi của SUW, bao gồm hai khẩu Mk 44 Bushmaster II cỡ nòng 30 mm, một trực thăng Seahawk MH-60R, và hai xuồng cao tốc bơm hơi thân cứng (RHIB) dài 11 m, theo Jane's Navy International.
Trong tương lai, SUW có khả năng sẽ được tăng cường thêm 2 máy bay không người lái cất cánh thẳng đứng Fire Scout và hệ thống tên lửa đối hạm và tấn công mặt đất.
Các nghị sĩ Mỹ hiện đang tìm cách tăng cường giám sát chương trình mua sắm LCS trị giá 37 tỷ USD. Trong báo cáo mới nhất của mình, GAO đã khuyến cáo nên trì hoãn tiến trình mua sắm các khung tàu và bộ phận tác chiến cho đến khi các cuộc thử nghiệm hoạt động của LCS được hoàn thành vào năm 2019.
Nguyên Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến