Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Trung Quốc thả 100 quốc kỳ gần Senkaku/Điếu Ngư

Hiện nay, 3 tàu tuần duyên của Trung Quốc vẫn đang neo đậu gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông sau khi hộ tống một thủy thủ thả 100 quốc kỳ xuống vùng lãnh thổ đang xảy ra tranh chấp với Nhật Bản.
Quẩn đảo Senkaku/Điếu Ngư - nơi xảy ra tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết 4 tàu Trung Quốc đã xuất hiện tại khu vực lãnh hải mà phía Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trong vài ngày gần đây. Trong đó, 3 tàu Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải cách quần đảo tranh chấp 3 km vào lúc 5 giờ chiều ngày 3/8.
Đây là sự kiện mới nhất trong chuỗi hoạt động của các tàu thuyền thuộc quyền kiểm soát của chính phủ Trung Quốc xâm nhập vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong những tháng gần đây.
Phản ứng trước hành động xâm phạm lãnh thổ trái phép của Trung Quốc, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã phát thông điệp cảnh báo trên sóng radio. Tuy nhiên, 1 trong 4 tàu của Trung Quốc đã trả lời bằng cả tiếng Trung và Nhật rằng quần đảo này được phía Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư vốn thuộc phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc.
Lực lượng bờ biển Nhật Bản đã phát hiện các tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống một chiếc thuyền buồm loại nhỏ khả năng mang số hiệu đăng ký của Anh, treo quốc kỳ Trung Quốc tiến vào vùng lãnh hải phía tây bắc cách hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 50 km sau đó đi sâu vào khu vực lãnh hải xảy ra tranh chấp giữa 2 nước.
Thủy thủ trên tàu đã thả một chiếc phao được lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản mô tả là một lá cờ màu đỏ xuống biển sau đó rời khỏi khu vực này.
Giới quan sát cho rằng sự hiện diện của hàng loạt tàu thuyền thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc, trong đó một số tàu được trang bị vũ khí, đang làm dấy lên mối lo ngại về khả năng xảy ra xung đột.
Các báo cáo tiết lộ một trong những thành viên thuộc đoàn thủy thủ trên tàu Trung Quốc là Zhai Mo (45 tuổi) – người cách đây 4 năm thực hiện chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới trên biển một mình đầu tiên, đã có mặt trên chiếc thuyền buồm không được trang bị vũ khí.
Ông Zhai đã dành 2 năm từ tháng 1/2007 – 8/2009, để thực hiện hành trình du lịch vòng quanh thế giới trên biển một mình, đi qua 40 cầu cảng thuộc 30 quốc gia.
Ông Zhai đã thả khoảng 100 quốc kỳ Trung Quốc trên vùng hải phận gần hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư và lưu lại trên biển gần 5 giờ đồng hồ trước khi quay trở về trung Quốc.
Trên trang mạng xã hội Weibo, ông Zhai tiết lộ đã điều khiển chiếc thuyền buồm từ thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông hôm 30/7. Ông Zhai lái chiếc thuyền đi dọc khu bờ biển phía nam và dừng lại tại Thượng Hải trước khi thực hiện hành trình tới đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong hành trình tới đảo Senkaku/Điếu Ngư, ông Zhai đã đi cùng với 2 phóng viên thuộc một đài truyền hình Thượng Hải. Một số công dân mạng cho rằng chuyến đi của ông Zhai thực chất đã nhận được sự hỗ trợ từ phía chính phủ Trung Quốc.
Tại Hồng Kông, Ủy ban Hành động bảo vệ Điếu Ngư đang lên kế hoạch di chuyển tới hòn đảo tranh chấp với phía Nhật Bản vào ngày 12/8 tới trên con tàu Kai Fung 2, và đặt chân tới Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 15/8. Chủ tàu Kai Fung 2 - Lo Chau cho biết hiện con tàu này đang được sửa chữa và lịch trình di chuyển sẽ được thông báo trong vài ngày tới.
Ngoài ra, ông Lo khẳng định các nhà hoạt động tại Trung Quốc và Đài Loan cũng đang lên kế hoạch thực hiện hành trình tương tự và tất cả sẽ tụ họp tại quần đảo Điếu Ngư vào ngày 15/8 nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trước chuỗi đảo hiện đang nắm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản.
Theo ông Lo, ngày 15/8 không chỉ đánh dấu sự kiện 1 năm các nhà hoạt động Trung Quốc đặt chân tới Senkaku/Điếu Ngư mà còn là ngày kỷ niệm Nhật Bản đầu hàng Khối đồng minh vào năm 1945, chấm dứt Thế chiến thứ hai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến