Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Việt Nam có ‘sát thủ’ phòng không tầm trung SA-6?

Tờ Ausairpower từng tiết lộ hệ thống tên lửa di động tầm trung SA-6 đã được xuất khẩu cho Việt Nam, tuy nhiên đến nay thông tin này vẫn là một ẩn số.
2K12 Kub (NATO định danh là SA-6 Grainful) là hệ thống phòng không di động tầm trung được sản xuất tại Liên Xô vào năm 1958. Hệ thống được nghiên cứu và phát triển bởi Viện nghiên cứu khoa học NIIP. 2K12 trải qua thời gian thử nghiệm khá dài từ năm 1959-1966, sau khi vượt qua các khó khăn về kỹ thuật, hệ thống được chấp nhận đưa vào sử dụng trong tháng 1/1967, công tác sản xuất hàng loạt được thực hiện ngay vào năm đó.
SA-6 được đánh giá là một cuộc cách mạng mới trong việc phát triển các hệ thống phòng không. Bệ phóng tên lửa được đặt lên khung gầm xe tải bánh xích mang lại khả năng cơ động rất cao. Những hệ thống phòng cơ động luôn mang lại sự bất ngờ, khó đoán cho các cuộc tập kích đường không.
Các bệ phóng, radar, phòng điều khiển luôn ở trong trạng thái sẵn sàng cơ động nên việc phát hiện ra vị trí bố trí lực lượng chiến đấu rất khó khăn. SA-6 được đánh giá là người đi tiên phong trong việc phát triển chiến thuật “bắn-chuồn” trong tác chiến phòng không hiện đại.
Đạn tên lửa SA-6 khai hỏa diệt mục tiêu

Hệ thống tên lửa SA-6 đã được bí mật xuất khẩu cho một số nước Trung Đông vào đầu những năm 1970. Ngay khi xuất hiện tại Trung Đông, SA-6 đã khiến Không quân Israel bất ngờ và phải trả giá đắt. Trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh Yom Kippur năm 1973 giữa Israel và khối Arab, SA-6 đã lập chiến công hiển hách khi bắn hạ 64 máy bay Israel chỉ bằng 95 đạn tên lửa.
SA-6 đạt tỷ lệ tiêu diệt là 1,4 tên lửa/1 máy bay, một con số cực kỳ ấn tượng với bất kỳ hệ thống tên lửa phòng không nào. Kể từ cuộc chiến này, SA-6 đã được đặt cho biệt danh là “Ba ngón tay Thần chết” với “ba ngón tay” là ba quả đạn tên lửa trực chiến của hệ thống để ví von cho sức mạnh của nó.
Mỗi hệ thống SA-6 bao gồm 3 bệ phóng 2P25 với 3 đạn tên lửa sẵn sàng phóng lắp trên khung gầm xe bánh xích GM-578, xe radar điều khiển hỏa lực 1S91 được đặt trên khung gầm xe bánh xích GM-568. Xe radar này lại bao gồm 2 hệ thống radar khác nhau.
Phía trên đỉnh là radar tìm kiếm mục tiêu 1S31, phía dưới thấp hơn là radar chiếu xạ mục tiêu dẫn đường cho tên lửa 1S11. Radar này có khả năng phát hiện mục tiêu cỡ tiêm kích F-4 từ khoảng cách 50km. Hệ thống còn có sự trợ giúp của radar cảnh giới như P-12, P-40 và P-18.
Hệ thống sử dụng đạn tên lửa 3M9 với thiết kế hệ thống động cơ rất độc đáo. Đạn tên lửa 3M9 sử dụng động cơ kết hợp 9D16K nhiên liệu rắn với 4 cửa hút không khí, động cơ này khi cháy tạo thành buồng đốt cho động cơ ramjet giúp tên lửa đạt tốc độ Mach-2.8, một thiết kế mang tính tiên phong, đưa tên lửa vượt xa những tên lửa cùng thời về hệ thống động cơ đẩy.
Tên lửa được trang bị radar bán chủ động SARH 1SB4 để khóa mục tiêu ở pha cuối. Hệ thống có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở cự ly từ 4-24km với tầm cao từ 50-14.000m.
Vào cuối những năm 1980, SA-6 tại Nga đã được thay thế dần bằng hệ thống phòng không tầm trung SA-11 hiện đại hơn. SA-11 chính là biến thể hiện đại hóa sâu rộng của SA-6 và trở thành hệ thống phòng không tầm trung di động hiện đại nhất thế giới hiện nay.
So với những hệ thống phòng không trước đó như SA-2, SA-3 thì những công nghệ và đặc tính kỹ chiến thuật của SA-6 không lạc hậu nhiều. Hệ thống này vẫn đáp ứng được hầu hết các tiêu chí của tác chiến phòng không công nghệ cao.
Ở các quốc gia ngoài Nga, SA-6 vẫn là hệ thống phòng không tầm trung chủ lực, là mối đe dọa cho bất kỳ lực lượng phòng không nào. Bên cạnh đó, SA-6 vẫn liên tục được nâng cấp lên các tiêu chuẩn mới hiện đại hơn biến nó thành “sát thủ” phòng không tầm trung cực kỳ lợi hại.
Các gói nâng cấp SA-6 có thể kể đến như: Gói nâng cấp 2K12 Kvadrat giai đoạn 1do Nga thực hiện, gói nâng cấp SURN CZ của CH Séc, gói nâng cấp SA-6 của Hungary. Hệ thống nâng cấp sử dụng đạn tên lửa 3M9 với các cấu hình M1/2/3 với tầm bắn hiệu quả 35km, tầm cao 20km. Với các gói nâng cấp nói trên, SA-6 tiếp tục xứng danh là “ba ngón tay Thần chết”
Xe phóng và xe radar điều khiển hỏa lực của hệ thống phòng không tầm trung di động SA-6
Bí ẩn SA-6 tại Việt Nam?
Nhiều trang mạng nước ngoài đưa thông tin về việc lực lượng phòng không Việt Nam đã được trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm trung di động SA-6, trong đó có thể kể đến Ausairpower, một trang tin quốc phòng rất có uy tín của Australia.
Tuy vậy, thông tin về SA-6 tại Việt Nam thực sự là một ẩn số lớn, đến nay vẫn chưa có bất kỳ bức ảnh nào về SA-6 tại Việt Nam được công bố. Việt Nam có SA-6 hay không vẫn chưa thể khẳng định nhưng nếu có hệ thống phòng không đáng gờm này trong biên chế là một tin vui lớn cho khả năng phòng không của Việt Nam. Với SA-6 thì bài toán phòng không tầm trung của Việt Nam coi như đã có lời giải rõ ràng nhất.
(TTVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến