Về vấn đề này, trong buổi phỏng vấn của tờ “Nhân Dân”, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt đã tuyên bố, các loại tên lửa Trung Quốc có tầm bắn bao trùm cả khu vực Senkaku, vì vậy tàu sân bay trực thăng DDH-183 Izumo, mà Nhật Bản mới hạ thủy,sẽ không có ảnh hưởng quyết định hoặc sẽ không gây ra được sự uy hiếp lớn tới cục diện Senkaku. Tuy vậy, những tuyên bố này chỉ mang tính tự trấn an, bởi vì thực sự DDH-183 Izumo có những điểm làm Trung Quốc rất lo ngại.
DDH-183 Izumo có chiều dài 248m, rộng 38m, mớn nước 7m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 19.500 tấn, tải trọng tối đa 27.000 tấn và có thể chở được 14 trực thăng. Để đóng chiếc tàu này, Nhật đã phải đầu tư khoản kinh phí rất lớn là 120 tỷ yên, tương đương 8 tỷ nhân dân tệ, thi công liên tục trong vòng 2 năm mới hoàn thành.
Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, xét theo các tiêu chí cơ bản từ lượng giãn nước, bố cục cho đến chức năng, tàu khu trục chở trực thăng (theo cách gọi của Nhật) DDH-183 Izumo đều thể hiện đặc trưng của một hàng không mẫu hạm hạng nhẹ. Tuy vậy, vì là tàu sân bay nên nó chỉ được trang bị 2 hệ thống phòng không tầm gần Phalanx, 2 hệ thống phóng tên lửa phòng không Ram.
Hiện nay Nhật Bản vẫn chưa công bố khu vực và phạm vi tác chiến của tàu sân bay này, mà chỉ giới thiệu là nó được sử dụng để nâng cao hiệu quả sử dụng thực tế các loại máy bay và dùng vào công tác cứu trợ thiên tai. Nhưng điều này là không đúng với ý định của người Nhật, vì họ không bỏ ra một đống tiền, đóng một tàu sân bay để làm cảnh hoặc dùng để cứu nạn thiên tai.
Các phương tiện truyền thông Nhật Bản và Trung Quốc đều cho rằng, trong tương lai DDH-183 Izumo sẽ được trang bị F-35B. Căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa Bộ Quốc phòng Nhật và chính phủ Mỹ, lô máy bay F-35 đầu tiên sẽ được bàn gia cho Nhật vào năm 2016, nếu Nhật trang bị phiên bản F-35B trên tàu sân bay này, năng lực tác chiến thống nhất không – hải, của lực lượng phòng vệ Nhật sẽ được nâng lên rất mạnh.
Hiện nay, các chuyên gia quân sự đánh giá có 2 hướng sử dụng tàu sân bay này. Một là sử dụng nó làm một phương tiện chuyên chở máy bay trực thăng vận chuyển hải quân đánh bộ, đổ bộ tấn công tầm xa. Bởi vì các đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc đều có diện tích rất nhỏ, không tiện triển khai mô hình đổ bộ tấn công quy mô lớn, sử dụng nó làm phương tiện vận chuyển trực thăng, sẽ nâng cao hiệu quả của phương thức đổ bộ vuông góc hoặc đổ bộ lập thể.
Thứ 2 là sử dụng theo mô hình tàu đổ bộ tấn công máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Biên chế kiểu này sẽ tăng cường khả năng tấn công mặt đất và kiểm soát không phận, có vai trò cực kỳ quan trọng tác chiến đổ bộ quy mô lớn. Bởi vì hiện nay, Nhật Bản cũng có các tàu đổ bộ trực thăng lớp Hyuga, nên DDH-183 Izumo sử dụng theo hướng này là hợp lý và cực kỳ hiệu quả. Đây cũng là mô hình tác chiến mà Trung Quốc sợ nhất.
Khi bàn về vấn đề tàu sân bay DDH-183 Izumo sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến cục diện tranh chấp ở Senkaku và biện pháp đối phó của Trung Quốc như thế nào, chuyên gia Lý Kiệt khẳng định tàu sân bay lớp 22DDH này, sẽ nâng cao khả năng điều vận binh lính và năng lực tác chiến đổ bộ của hải quân Nhật Bản. Điều này nhất định sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tác chiến của hải quân Trung Quốc.
Tuy vậy, ông Lý Kiệt cũng lạc quan cho biết, đối với tác chiến ở Senkaku, quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng các loại vũ khí tầm xa như tên lửa, thậm chí là pháo hỏa tiễn. Các loại tên lửa Trung Quốc có tầm bắn bao trùm cả khu vực này, nên khi xét đến vấn đề tàu sân bay trực thăng DDH-183 Izumo có ảnh hưởng quyết định, hoặc gây ra được uy hiếp lớn tới cục diện Senkaku hay không, còn phải xem xét thêm nhiều yếu tố có liên quan.
(ANTD)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét