Reuters ngày 31.7 đưa tin cho biết ông Frank Kendall, phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đứng đầu bộ phận thu mua vũ khí, sẽ gặp gỡ các quan chức Nhật để cùng bàn về việc hợp tác sản xuất và mua vũ khí của các tập đoàn quốc phòng Nhật Bản.
Lầu Năm Góc đang nỗ lực siết chặt quan hệ với quan chức quốc phòng Nhật Bản nhằm tìm đường hợp tác cùng sản xuất vũ khí với các tập đoàn quốc phòng Nhật - Ảnh: Reuters |
Gần một nửa thế kỷ qua, các tập đoàn quốc phòng Nhật bị cấm xuất bán vũ khí ra nước ngoài, khiến cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật trở nên nhỏ lẻ và có chi phí cao.
Mặc dù được phép bán những thiết bị có cùng lúc hai công dụng, dành cho dân sự lẫn quân sự, chẳng hạn như camera, nhưng công ty Nhật vẫn không được phép trực tiếp bán cho quân đội các nước.
Chẳng hạn như quân đội Mỹ dùng máy tính xách tay của tập đoàn Panasonic (Nhật Bản) để điều khiển máy bay không người lái, nhưng quân đội phải mua từ một đối tác trung gian, theo Reuters.
Chuyến thăm của ông Kendall đến Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, vốn là cơ quan quản lý xuất khẩu, được cho là sẽ giúp Lầu Năm Góc siết chặt quan hệ với các quan chức quốc phòng có quyền hạn cho phép các tập đoàn quốc phòng Nhật như Mitsubishi Heavy và Kawasaki Heavy trở thành nhà cung cấp cho Mỹ.
Được biết, vào cuối tuần trước, Bộ Quốc phòng Nhật đã công bố một báo cáo sơ bộ về việc sửa đổi chính sách quốc phòng dài hạn, trong đó đề xuất rằng Nhật cần tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và với mối đe dọa tấn công tên lửa từ CHDCND Triều Tiên.
Lockheed Martin đã lên tiếng bày tỏ mong muốn mời các công ty Nhật tham gia vào dây chuyền cung ứng sản phẩm của mình.
Tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Mỹ này từng giúp Nhật chế tạo chiến đấu cơ F-2 và dự kiến sẽ cung cấp tiêm kích tối tân F-35 được lắp ráp bởi tập đoàn Mitsubishi Heavy cho quốc gia châu Á này.
Một tập đoàn quốc phòng Mỹ khác là Raytheon cũng bày tỏ mong muốn Nhật Bản sẽ trở thành một nhà cung cấp, đặc biệt là khi nhu cầu cho hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của tập đoàn Mỹ này xuất hiện trở lại.
Tương tự, với kế hoạch cải tiến mẫu trực thăng vận chuyển hai quạt Chinook, tập đoàn Boeing (Mỹ) cũng xem Kawasaki Heavy, vốn đã sản xuất Chinook cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, như một đối tác tiềm năng.
Hoàng Uy
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét