Ông Xu Hen, thuộc Trung tâm nghiên cứu Liên bang Nga thuộc trường Đại học sư phạm Đông Bắc Trung Quốc đã cố gắng mổ xẻ mối quan hệ Nga-Trung dưới một góc nhìn khác. Xu Hen thừa nhận Nga luôn là một trong những mối quan hệ đối ngoại quan trọng nhất của Trung Quốc. Nga là cường quốc láng giềng và cũng là một đất nước đang phát triển mạnh mẽ.
Chính vì vậy, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lựa chọn Nga là địa điểm cho chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông trong nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước. Cuộc viếng thăm này đã thúc đẩy mối quan hệ Nga – Trung gần gũi hơn nếu xét từ góc độ hợp tác hữu nghị, điều này đã khiến một số các nhà quan sát gọi mối quan hệ Nga – Trung là mối quan hệ “bán đồng minh”. Mặc dù tất cả đều có thể cảm giác thấy đây là dấu hiệu tích cực và có tính xây dựng, có xu hướng phát triển, mối quan hệ gần gũi giữa Trung Quốc và Nga vẫn ẩn chứa nhiều những ảnh hưởng tiêu cực của sự thiếu tin tưởng.
Mối quan hệ Trung – Nga là một mối quan hệ có ý nghĩa sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai siêu cường khu vực có tầm ảnh hưởng thế giới. Xây dựng mối quan hệ sâu rộng hơn với Nga, Trung Quốc cần phải tính đến mối quan hệ với các nước khác – những quan hệ gần gũi với Nga có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nước không có những quan hệ tốt đẹp với Nga do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố lịch sử và những nguyên nhân thực tế hiện hữu. Một ví dụ không xa, Lithuania đã bỏ phiếu “thuận” theo đề nghị của Ủy ban châu Âu cho việc áp thuế trừng phạt nhập khẩu đối với các tấm pin mặt trời của Trung Quốc và Ba Lan bỏ phiếu trắng. Lithuania hay Ba Lan không có mâu thuẫn thương mại với Trung Quốc và không cần thiết phải đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ có vẻ như chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga chắc chắn sẽ gây khó chịu cho các nước Đông Âu vì mối quan hệ của họ với Nga không hẳn đã là tốt đẹp.
Nga gần đây liên tục tập trận bất ngờ quy mô lớn nhằm kiểm nghiệm khả năng phản ứng và sức chiến đấu của quân đội.Các nước Trung Á và Mông Cổ trong thế kỷ 21 đã sử dụng chính sách đối ngoại chính trị “láng giềng thứ ba” bởi vì các nước này lo lắng hai nước láng giềng theo điều kiện địa lý – Trung Quốc và Nga sẽ liên kết lại để khống chế và gây ảnh hưởng khu vực. Mặt khác, Trung Quốc muốn bảo vệ biên giới của mình và không có tham vọng chính trị ở Trung Á. Nga cũng có những nỗ lực nhằm hội nhập khu vực với các nước láng giềng thời kỳ hậu Xô Viết, vì vậy mối quan hệ Nga-Trung sâu sắc, đến lượt nó sẽ tạo ấn tượng về ý định cùng khống chế và gây ảnh hưởng trong khu vực Trung Á. Trung Quốc không cần phải trả giá cho các mục tiêu chính trị của Nga.
Mối quan hệ “ bán đồng minh” giữa Trung Quốc và Nga luôn luôn bị sự chỉ trích từ phía các nước phương Tây, một số người còn gọi đây là “trục” chống phương Tây. Nhiều người ở châu Âu và Mỹ cho rằng hai nước có một chế độ toàn trị, cùng chia sẻ những chính sách đối nội tương tự như nhau và cùng đồng thuận trong các vấn đề an ninh thế giới. Để thể hiện sự ủng hộ và đồng thuận của mình, trong quá khứ Trung Quốc đã chủ động đưa ra những quan điểm tương tự Nga trong việc xử lý những vấn đề chính trị đối ngoại quan trọng.
Trong thời gian khủng hoảng Lybia, một số những điều chỉnh chính sách đơn phương của Nga đã đặt Trung Quốc vào một tình huống khó xử, và Trung Quốc buộc phải tiếp nhận những thiệt hại nghiêm trọng. Phối hợp trên bình diện ngoại giao với Nga đã làm suy yếu tiếng nói của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế quan trọng, do đó các nước phương Tây cảm thấy rằng chỉ đối phó với Nga là đủ. Điều chỉnh các chính sách trên cơ sở đồng thuận với Nga đã làm yếu đi tiếng nói của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế quan trọng. Từ đó, các nước phương Tây cho rằng, họ chỉ cần giải quyết vấn đề với Nga là Trung Quốc sẽ theo những quan điểm đó.
160.000 quân và 1.000 xe tăng chống ai?
Ngoài ra, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga hoàn toàn không xấu như người ta thường thấy, và mối quan hệ Nga – Trung cũng không phải hoàn toàn tốt đẹp như các phương tiện thông tin đại chúng ca ngợi. Trong tháng vừa qua nước Nga đã tiến hành cuộc tập trận với sự tham gia của hơn 160.000 binh sĩ, 1.000 xe tăng và 130 máy bay, 70 chiến hạm trên vùng đất Viễn Đông giáp với biên giới Trung Quốc. Xu Hen đặt vấn đề tất cả các chuyên gia quân sự Nga đều nói cuộc tập trận này không nhằm vào Trung Quốc, nhưng cũng cần suy nghĩ, Nga dự kiến sẽ chống ai trên vùng Viễn Đông mà phải sử dụng đến 1.000 xe tăng?
Mười năm trước trong tình hình bất ổn chính trị, Trung Quốc có những khả năng chiến lược củng cố vị trí vùng Trung Á. Nhưng tình hình đã thay đổi, giờ đây, những khả năng chiến lược đó thuộc về Nga và họ đang tận dụng hết năng lực của mình. Châu Âu đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính, không có thời gian hướng về phía Đông. Mỹ đã hướng trọng tâm chiến lược vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mọi sự quan tâm của các cường quốc khu vực châu Á đều bị vướng bận bởi những tranh chấp chủ quyền trên các vùng biển.
Trong giai đoạn hiện nay, Nga có được môi trường tốt nhất bên ngoài cho sự phát triển tính từ thời điểm tan rã của Liên Xô. Một Trung Quốc đang đi lên đã làm thay đổi bức tranh chính trị toàn cảnh của thế giới, là một cường quốc phát triển Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những áp lực đối ngoại chính trị từ phía bên ngoài, điều mà đại lục chưa từng trải qua. Như một hệ quả tất yếu, các điều kiện ngoại cảnh thay đổi cũng đòi hỏi Trung Quốc điều chỉnh cách tiếp cận các mối quan hệ của mình với Nga.
Xu Hen kiến nghị nên học hỏi cách Nhật Bản quan hệ với Nga. Mặc dù giữa Nhật và Nga có những mối quan hệ tương đối lạnh lẽo do ảnh hưởng của vấn đề quần đảo Kuril. Nhưng rõ ràng, hai nước này vẫn có khả năng tiến hành những hoạt động hợp tác kinh tế khá hiệu quả và có tương lai. Quan điểm tiếp cận của Nhật với Nga trong phát triển các mối quan hệ là kiềm chế và kiểm soát tối đa không gian các hoạt động tuyên truyền – đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thực tế hợp tác đầu tư phát triển. Xét trên bình diện đối ngoại, mối quan hệ Nga – Nhật hoàn toàn không chặt chẽ như mối quan hệ Trung – Nga, nhưng người Nhật lại thu được những lợi ích hơn hẳn so với Trung Quốc, mà không gây sự bất bình của các nước phương Tây.
(BTP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét