Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Ngày tàn của xe tăng đã điểm?

Xu hướng và triển vọng của xe tăng trên chiến trường hiện đại.
Không chỉ một lần, những người hoài nghi và những người mượn danh chuyên gia trong lĩnh vực vũ khí trang bị đã tiên đoán ngày tàn của kỷ nguyên xe tăng.
Và lần nào họ cũng nhầm. Quan điểm của họ dựa trên suy nghĩ cho rằng, cùng với sự xuất hiện trong kho vũ khí quân đội nhiều nước phát triển cao vũ khí “thông minh”, chính xác cao, tầm xâ, việc chuyển sang tiến hành cái gọi là (và là gọi sai) các cuộc chiến tranh phi tiếp xúc, sử dụng quy mô lớn các lực lượng triển khai hay phản ứng nhanh, xe tăng đã mất đi vai trò của mình.
Họ cũng nêu thêm vào các luận cứ này quan điểm nói rằng, cùng với sự kết thúc của chiến tranh lạnh, xác suất xảy ra các cuộc xung đột quy mô lớn giữa các nước NATO và các nước thuộc khối Varsava trước đây, nhưng không kịp hay không muốn gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã giảm xuống mức tối thiểu, cùng với đó là sự phát triển bùng nổ của các phương tiện chống tăng hạng nhẹ và hiệu quả cao.
Xe tăng đã bị “mai táng” không chỉ một lần. Gần nửa thế kỷ trước, cùng sự xuất hiện của các loại tên lửa cực kỳ đa dạng, người ta cũng nghĩ rằng, thời của chiến tranh phi tiếp xúc đã bắt đầu. Một số nhà lãnh đạo thậm chí đã kịp đưa hàng ngàn xe tăng ra bãi sắt vụn để nấu lại, cũng như đình chỉ nhiều dự án nghiên cứu chế tạo các mẫu vũ khí trang bị tăng-thiết giáp tiên tiến vào thời đó. Năm tháng qua đi, nhưng xe tăng vẫn tiếp tục phục vụ và đã kịp viết vào lịch sử chiến tranh và nghệ thuật quân sự thế giới không ít những trang chói sáng.
Tăng T-90S của Nga
Hiện nay, điều tương tự dường như cũng có thể quan sát thấy, khi mà trong quá trình nghiên cứu chế tạo các mẫu vũ khí trang bị mới các công nghệ máy tính hiện đại, trí tuệ nhân tạo, các hệ thống liên lạc vệ tinh và nhiều thứ khác đang được sử dụng một cách tích cực nhất.
Trên cơ sở ứng dụng những công nghệ mới nhất, trong mấy chục năm gần đây, đã chế tạo được không ít mẫu vũ khí trang bị mới mà nhờ có những tính năng chiến đấu của mình chúng đã tạo dấu ấn nhất định lên tính chất của hoạt động đấu tranh vũ trang, nhưng không thể nói rằng, tính chất đó hoàn toàn thay đổi. Hơn nữa, nhiều hệ thống vũ khí trang bị được phát triển với những siêu tính năng mà các nhà thiết kế tuyên bố trên thực tế hóa ra chỉ là trò lừa bịp thuần túy và là công cụ rút tiền từ ngân sách nhà nước.
Có thê nêu ví dụ các máy bay tàng hình F-117A do Mỹ chế tạo có ứng dụng công nghệ Stealth. Trên bầu trời Nam tư, mùa xuân năm 1999, máy bay này đã bị vũ khí phòng không Nam Tư vốn được chế tạo từ rất lâu trước khi bản thân cái tên của công nghệ đó xuất hiện bắn hạ.
Dĩ nhiên, những mẫu vũ khí trang bị mới và việc sử dụng khôn khéo chúng trong chiến đấu đang làm thay đổi tính chất đấu tranh vũ trang.
Chẳng hạn, đã xuất hiện khả năng thực hiện các đòn tấn công hỏa lực khá chính xác và hiệu quả khi ở cách xa mục tiêu nhiều trăm, thậm chí hàng ngàn kilomet. Nhưng gọi phương thức đấu tranh vũ trang đó là chiến tranh phi tiếp xúc là sai lầm.
Xe tăng К2 của Hàn Quốc

Dù là việc tác động đến các mục tiêu đối phương thực hiện ở khoảng cách nào và bằng những phương tiện nào (kể cả các phương tiện điện từ), thì sự tiếp xúc dẫu sao vẫn tồn tại.
Hơn nữa, phương thức đấu tranh vũ trang đó có thể thực hiện với những mục đích khác nhau, ngoài mục đích chủ yếu khi tiến hành chiến tranh hay xung đột vũ trang là chiếm đóng lãnh thổ đối phương và thực hiện kiểm soát lãnh thổ đó. Mục đích này chỉ có thể thực hiện được một khi người lính bộ binh đặt chân lên lãnh thổ đó và trong khi đó vẫn có khả năng thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tất cả các vũ khí trang bị còn lại, trong đó có xe tăng, pháo tự hành, tàu sân bay, máy bay và nói chung là tất cả, từ chiếc lưỡi lê cho đến tên lửa đường đạn xuyên lục địa với hình thức bố trí bất kỳ, cũng chỉ phục vụ để cho người lính bộ binh làm được việc đó.
Phân tích các cuộc xung đột quân sự trong hai thập kỷ qua là sự khẳng định rõ ràng cho điều đó. Sau khi chế áp hệ thống phòng không và không kích các cụm lực lượng chủ lực của lục quân đối phương và tiêu diệt (chế áp) chúng, giai đoạn mặt đất của chiến dịch – đánh chiếm lãnh thổ đối phương – bắt đầu. Giai đoạn này đơn giản là không thể có được nếu không sử dụng tích cực các xe tăng và dĩ nhiên là cả nhiều phương tiện khác nữa. Như vậy, ở giai đoạn quyết định của cuộc đấu tranh vũ trang hiện đại, không hề có sự thay đổi cơ bản nào. Các phương tiện, phương thức, các khoảng thời gian và không gian đang thay đổi. Bộ binh vẫn ở lại trên chiến trường hiện đại, còn xe tăng, cùng với các phương tiện khác, thì yểm trợ cho bộ binh. Quả thực, điều đó chỉ xảy ra khi mà các nhà cầm quân quan tâm đến sinh mạng của binh sĩ dưới quyền mình.
Như vậy, hiện chưa thấy ngày tàn sắp đến của kỷ nguyên xe tăng, ngoại trừ ở một nước đơn lẻ nào đó khi mà do ý chí của một nhà lãnh đạo nào đó, các xe tăng bị loại bỏ rồi đưa vào lò luyện thép. Và vì tất cả còn đang diễn tiến, nên có thể nói về những thay đổi quan điểm đối với các vấn đề chế tạo vũ khí trang bị. Dưới đây phân tích các quá trình này trong ngành chế tạo xe tăng thế giới.
Để xem xét các xu hướng và triển vọng của ngành chế tạo xe tăng thế giới, chúng ta sẽ xem xét các ví dụ của các nước chủ chốt đang phát triển và sản xuất loại vũ khí trang bị này. Các nước từng phát triển xe tăng để sản xuất loạt nhỏ cho nhu cầu của bản thân và theo tài liệu kỹ thuật của các nước sản xuất tăng hàng đầu thế giới, ví dụ như Italia với sự giúp đỡ của các chuyên gia công ty KMW của Đức đã chế tạo xe tăng С1 Ariete theo các bản vẽ tăng Leopard, sẽ không được xem xét.
Xe tăng Leclerc Tropic
Ngoài ra, các xu hướng thế giới sẽ được phân tích theo các ví dụ phát triển xe tăng chủ lực (nên gọi là “xe tăng chủ lực” chứ không phải “xe tăng chiến đấu chủ lực” vì xe tăng đương nhiên là xe chiến đấu). Trong tiếng Anh, người ta dùng thuật ngữ “xe tăng chiến đấu chủ lực” (Main battle tank) là vì nghĩa chính của từ “tank” trong tiếng Anh là cái thùng hay cái bể chứa. Còn khái niệm “tank” với tư cách xe chiến đấu xuất hiện khá muộn sau này.
Trước hết nói về các xu hướng. Nếu phân tích qua tình hình đang diễn ra trên thế giới trong lĩnh vực chế tạo xe tăng, có thể nói rằng, có 2 xu hướng: xu hướng chính là hiện đại hóa các mẫu tăng đã sản xuất trước đó và hiện có trong trang bị và đang được sản xuất, xu hướng thứ hai ít phổ biến hơn, là phát triển các mẫu tăng chủ lực mới.
Trong thập kỷ qua, các mẫu tăng mới chỉ được nghiên cứu chế tạo ở Nga với mẫu Objekt 195, nhưng do ý chí của một số nhà quân sự, câu chuyện không đến được giai đoạn nhận vào trang bị, và ở ba nước trước đó không có tên trong danh sách các quốc gia sản xuất xe tăng được trọng nể.
Một loại tăng được chế tạo và nhận vào trang bị Hàn Quốc – đó là tăng chủ lực K2 Black Panther (Báo đen). Nhật Bản thì nhận vào trang bị tăng chủ lực Type 10. Loại tăng nội địa đầu tiên xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ là tăng chủ lực Altay, nhưng hiện còn sớm để nói đến nó mặc dù đây là sự kiện quan trọng từ góc độ sự xuất hiện thêm một nước trong danh sách các quốc gia sản xuất xe tăng thế giới.
Ở các nước dẫn đầu trong lĩnh vực chế tạo xe tăng, người ta tiến hành hiện đại hóa các mẫu tăng đã sản xuất trước đó. Ví dụ, Mỹ gần 10 năm nay hiện đại hóa tăng M1A1 Abrams lên chuẩn M1A2 SEP V2 (lần hiện đại hóa Abrams thứ 9), ở Đức đang tiếp tục hiện đại hóa tăng chủ lực Leopard 2, nay đã đến chuẩn Leopard 2A7+ và Leopard Revolution (hiện đại hóa các biến thể đời đầu của Leopard 2).
Riêng người Đức đã tiến hành hiện đại hóa Leopard 2 tổng cộng những 32 năm, ít hơn 6 năm so với Nga hiện đại hóa Т-72, còn nếu tính toàn bộ lịch sử hiện đại hóa tăng Leopard thì sẽ là gần nửa thế kỷ.
Tăng chủ lực Type 10 của Nhật Bản
Bởi vậy, những phát biểu của một vài quan chức quân sự Nga với những ngôi sao to trên cầu vai rằng, người Đức đang chế tạo các xe tăng mới, còn Nga vẫn mê mải hiện đại hóa Т-72 chẳng qua chỉ là làm dáng trước các nhà báo và là bằng chứng cho thấy hiểu biết kém cỏi của họ.
Pháp đã nâng cấp tăng Leclerc lên chuẩn Leclerc S21, còn Ukraine đang hiện đại hóa T-80UD lên chuẩn Т-84 Oplot, Israel thì đã hiện đại hóa Merkava lên chuẩn Mk 4…
Có mấy nguyên nhân để giải thích cho tình hình đó. Với tất cả sự cám dỗ đi theo con đường chế tạo xe tăng mới, khi mà cuối cùng đạt được việc nâng cao đáng kể các tính năng chiến đấu của xe tăng, con đường nay không phải luôn được các khách hàng ưa chuộng, bởi lẽ điều đó đòi hỏi mất nhiều phí tổn, thời gian và tiền bạc. Cần lưu ý rằng, “khách hàng” ở đây đích thị là những người làm việc đặt hàng, chứ không phải lúc nào cũng là những người đang khai thác hay đang sử dụng chiến đấu vũ khí trang bị.
Việc nghiên cứu chế tạo các xe tăng mới có sự “phanh hãm” nào đó được giải thích là do chiến tranh lạnh kết thúc và tâm lý hòa bình chủ nghĩa do không có nguy cơ chiến tranh, hoặc sự không cần thiết của xe tăng nói chung. Việc không có những dự án phát triển mới và thông tin về chúng lại càng không khuyến khích các khách hàng tài trợ cho các dự án phát triển xe tăng tương lai. Có lẽ điều đó phần nào lý giải việc Nga dừng việc hoàn thiện tăng chủ lực mới Objekt 195, khi mà xe tăng này hầu như vượt qua mọi thử nghiệm.
Khi tiến hành nâng cấp xe tăng, người ta có cơ hội trong một thời gian tương đối ngắn và với chi phí không lớn nâng cao được hiệu quả chiến đấu của xe tăng và làm cho chúng phù hợp với những yêu cầu ngày càng nâng cao.
Con đường này thường được coi là tốt hơn với cả các khách hàng, và thậm chí đối với cả các hãng thiết kế, bởi lẽ hiện đại hóa, về bản chất, là một quá trình liên tục tiến hành các biện pháp thiết kế và công nghệ nhằm nâng cao các tính năng chiến đấu của xe tăng và kéo dài vòng đời của chúng.
Cũng có khi các hãng thiết kế cố tình “găm giữ lại” một phần các biện pháp đó khi bàn giao xe tăng mới cho khách hàng để sau đó trong thời gian rất ngắn họ lại tiến hành hiện đại hóa cho khách hàng để kiếm tiền.
Các nhà thiết kế tăng Mỹ M1 Abrams đã hành động đúng như thế, khi họ chuyển giao cho quân đội Mỹ xe tăng này trang bị pháo nòng rãnh 105 mm mà họ thừa biết là Đức có loại pháo nòng trơn 120 mm mới, và họ đã nghiên cứu thiết kế tăng Abrams với pháo này. Nhưng họ đã quyết định chờ 7 năm…
Hơn nữa, việc có tiềm năng hiện đại hóa, tức là có các điều kiện để sau đó hoàn thiện về chất các tính năng chiến đấu của xe tăng, là một trong những điều kiện chỉ yếu khi đưa xe tăng vào trang bị trên toàn thế giới.
Vậy, trong tương lai gần, xe tăng có thể được phát triển theo những hướng nào? Có thể chờ đợi điều gì từ loại vũ khí trang bị không thể thay thế trên bất kỳ chiến trường nào này? Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần phải hiểu xe tăng sẽ phải đảm nhiệm những nhiệm vụ nào và trong các điều kiện nào.
Các nhiệm vụ dành cho xe tăng vẫn như vậy giống như 60, 30 hay 20 năm trước – đó là bảo đảm cho bộ binh hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm lãnh thổ do đối phương nắm giữ, hay ngược lại, không để đối phương chiếm lĩnh lãnh thổ mà bộ binh ta đang nắm giữ. Nếu không thì đó sẽ không phải là xe tăng mà có thể là cái gì cũng được – xe tiêm kích diệt tăng, “phương tiện chống bắn tỉa”, hệ thống tên lửa đa nhiệm…
Xe tăng Merkava Mk4
Để xe tăng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, xe tăng phải tác chiến hiệu quả với tất cả những gì cản trở bộ binh, mà cụ thể là với xe tăng và các xe chiến đấu và không chiến đấu bọc thép, cũng như không bọc thép của đối phương, tiêu diệt các phương tiện hỏa lực của đối phương, các công trình và hỏa điểm kiên cố, các khẩu đội súng máy, pháo cối, súng phóng lựu, súng phun lửa và cuối cùng là xạ thủ bắn tỉa.
Cần lưu ý là tác chiến tăng đấu tăng với xe tăng đối phương cần coi là ngoại lệ, khi mà trong tình huống chiến đấu không còn các phương tiện khác để vô hiệu hóa các xe thiết giáp của địch. Xe tăng trong mọi tình huống không được biến thành xe tiêm kích diệt tăng và trong suốt cả trận đánh chỉ làm việc phát hiện và tiêu diệt xe tăng địch. Đó là vì đã có các phân đội chống tăng chuyên biệt làm việc đó.
Tuy nhiên, nhiều người tự xưng là chuyên gia hay cố xem xét xe tăng trên chiến trường hiện đại như tự thân nó. Và họ bắt đầu đối lập xe tăng với vũ khí chính xác cao, lúc thì với trực thăng chiến đấu, lúc thì với các hệ thống rocket phóng loạt bắn đạn con tự dẫn, hoặc với cái gì đó nữa. Có lẽ họ chỉ không cho xe tăng đối chọi với tàu sân bay và tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa.
Cần hiểu rõ rằng, xe tăng trên chiến trường là một thành tố của hệ thống vũ khí, trong đó có cả vũ khí chính xác cao. Xe tăng là một phần tử của một trong các thành tố trong đội hình chiến đấu, bất kể trận chiến nào được tiến hành – dù đó là chiến dịch tiến công diện, hay đó là chiến dịch tiêu diệt một tay súng bắn tỉa khủng bố đang núp trên mái nhà.
Hiệu quả chiến đấu cao của xe tăng trên chiến trường được bảo đảm bởi những thông số của các tính năng chiến đấu chủ yếu của nó. Trên thực tế, trình độ chuyên nghiệp của kíp xe, việc đưa ra quyết định đúng đắn và tổ chức hiệp đồng tốt, mạch lạc của người chỉ huy giữ vai trò không kém, mà có thể là vai trò lớn hơn để bảo đảm hiệu quả chiến đấu cao. Nhưng khi xem xét tiếp tục, chúng ta sẽ tạm coi là mọi thứ đều ổn với việc đó.
Hiện nay, tất cả các xe tăng được dánh giá theo 4 tính năng chiến đấu chính: sức mạnh hỏa lực, khả năng bảo vệ, sức cơ động và khả năng chỉ huy-điều khiển. Đồng thời, cần hiểu rằng, chỉ có sự kết hợp tối ưu tất cả các tính năng này mới bảo đảm sức sống cho xe tăng. Lịch sử đã biết không ít trường hợp, khi mà các xe tăng với sức mạnh hỏa lực hùng hậu và khả năng bảo vệ cao, nhưng lại thiếu sức cơ động, đã thua kém các xe tăng cơ động hơn, có vũ khí và khả năng bảo vệ yếu hơn.
Chính việc hoàn thiện các tính năng chiến đấu chủ yếu và tạo ra sự kết hợp tối ưu các tính năng này là xu hướng phát triển tiếp theo của tăng chủ lực, dù là nghiên cứu chế tạo xe tăng mới hay hiện đại hóa các mẫu tăng đã sản xuất trước đó.
(TTVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến