Trong vài năm qua, chiến lược đe nẹt để củng cố quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với các đảo và vùng biển trong đường chín đoạn đã đẩy các bên có tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông vào tình thế phải vật lộn tìm ra kế sách hữu hiệu để ứng phó.
Ngày 22/1/2013, Philippines đã thay đổi bản chất của tranh chấp và đảo lộn hàng thập kỷ bế tắc trong đàm phán và đối thoại với Trung Quốc bằng cách khởi động tiến trình khởi kiện theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Là một quốc gia yếu hơn và liên minh chặt chẽ với Mỹ để bảo vệ các lợi ích an ninh, có thể dự đoán được rằng Philippines luôn ủng hộ áp dụng luật pháp quốc tế và các cơ chế pháp lý quốc tế để giải quyết các tranh chấp biển. Như đã từng đề cập, điều này đã dẫn đến việc chính quyền Philippines cải tổ các bộ luật trong nước để tương thích với luật pháp quốc tế.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn từ chối không tham gia vào tiến trình phân xử của Tòa trọng tài LHQ mà Philippines đã khởi xướng, mặc dù việc phân xử vẫn sẽ tiếp tục mà không cần Trung Quốc đồng ý hay không. Do đó, tiến trình xét xử sẽ đặt Trung Quốc trước nhiều thách thức.
Trước hết, việc Trung Quốc không đạt được một thỏa thuận giải quyết tranh chấp nào với các nước láng giềng sẽ đẩy nước này đối mặt với nguy cơ bị kiện tụng tại các tòa án quốc tế. Nếu Philippines thành công trong vụ kiện trên, các nước khác sẽ tham gia vào tiến trình xét xử hoặc tự mình khởi kiện Trung Quốc. Do đó, một hệ quả của vụ kiện là Bắc Kinh ít nhất trong ngắn hạn sẽ đánh mất thế chủ động chiến lược mà nước này đã rất khó khăn mới giành được thông qua chiến lược kết hợp giữa cản trở về ngoại giao và đe nẹt phi quân sự trên biển.
Hai là, nếu vụ kiện tiếp tục, Bắc Kinh sẽ ở vị thế bất lợi nghiêm trọng bởi vì khó có khả năng là một số đòi hỏi của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông sẽ lọt được qua cửa kiểm duyệt của luật pháp quốc tế. Vì thế, một hậu quả khác là Bắc Kinh có thể sẽ đánh mất ngay cả cái "lá nho" mỏng manh của tính chính đáng về pháp lý mà họ đang dùng để che đậy lên một số đòi hỏi chủ quyền quan trọng.
Và từ đó một kết quả rất quan trọng của sự kiện này là Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng khó xử khi cộng đồng quốc tế chính thức bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của mình cũng như tăng cường thực thi các luật lệ và chuẩn mực liên quan đến quyền và nghĩa vụ trên biển mà UNCLOS đã xác lập. Chúng ta còn phải chờ xem Trung Quốc sẽ ứng phó như thế nào nếu bị đặt sang lề trái của những chuẩn mực quốc tế được thừa nhận rộng rãi.
Nếu Trung Quốc tiếp tục không tham gia vào tiến trình phân xử, hay thậm chí tệ hơn là quyết định phớt lờ những phán quyết bất lợi thì đó sẽ là một chỉ dấu từ phía Bắc Kinh rằng không một sự phủ quyết nào của quốc tế có thể tác động được đến họ. Bởi vì sức mạnh và các chuẩn mực, luật pháp quốc tế có mối liên hệ qua lại, một hậu quả thứ ba có thể là các nước khác trong và ngoài khu vực sẽ được khuyến khích tăng cường năng lực cưỡng chế, đe dọa cũng như tham gia vào các hành vi đối trọng nhằm củng cố các đòi hỏi chủ quyền và an ninh tổng thể trước một Trung Quốc hùng mạnh hơn.
Vậy các quốc gia có thể thay đổi các toan tính lợi ích như thế nào để đưa những kẻ ngoài cuộc tham gia vào cộng đồng các quốc gia tin rằng luật lệ và chuẩn mực quốc tế cần được tôn trọng? Rõ ràng, sức mạnh quân sự, đặc biệt là sức mạnh hải quân có thể là một cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ cho các nỗ lực chính trị để khiến các nước khác tuân thủ luật pháp quốc tế trong lĩnh vực biển.
Sức mạnh hải quân có thể bổ trợ cho các nỗ lực chính trị nhằm củng cố các quyền lợi quốc tế trên biển như quyền tự do giao thương hàng hải. Nó cũng có thể biểu đạt sự ủng hộ dành cho những quốc gia tuân thủ luật và chứng minh quyết tâm bảo vệ trật tự pháp lý quốc tế. Theo những cách này, một siêu cường hay một nhóm các nước mạnh có thể sử dụng sức mạnh để xác lập giới hạn cho những hành vi không phù hợp với chuẩn mực luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, có những hạn chế nhất định trong khả năng sử dụng sức mạnh quân sự để buộc các quốc gia tuân thủ luật lệ. Như đã thảo luận ở trên, sẽ khó khăn hơn nhiều để sử dụng sức mạnh hải quân nhằm điều chỉnh tính toán của các cường quốc hạng trung hay đang trỗi dậy khi họ nhận thấy mối đe doạ đối với lợi ích quốc gia của mình.
Với những nước như thế, các quốc gia khác đối diện với một lựa chọn. Liệu rằng họ, giống như Philippines, sẽ tuân thủ đầy đủ trật tự pháp lý quốc tế để thu hút sự ủng hộ cho các lợi ích biển của mình, đồng thời bảo vệ an ninh quốc gia dưới cái ô của một liên minh quân sự.
Bởi không có thực lực quân sự, họ phải đối mặt với nguy cơ các đối thủ sử dụng sức mạnh vượt trội hơn để giành ưu thế, giống như Trung Quốc đã hành xử với Philippines trong vụ Đá Vành Khăn năm 1995; bãi cạn Scaborough năm 2012 và có vẻ như sẽ làm tương tự tại Second Thomas Shoal năm nay. Thậm chí ngay cả khi liên minh chặt chẽ với nhau thì các nước lớn và nước nhỏ không phải lúc nào cũng nhận thức về lợi ích giống nhau.
Hoặc, như trường hợp Việt Nam, liệu họ sẽ thừa nhận hầu hết các chuẩn mực và bác bỏ những gì có thể khiến họ trở nên dễ tổn thương trước đối thủ tranh chấp mạnh hơn họ, trong khi tìm cách bổ trợ cho sức mạnh quốc gia bằng một loạt các quan hệ quốc tế và hữu nghị đa dạng? Đối sách này dường như đã giúp Việt Nam tránh được sức ép quân sự từ Trung Quốc, ít nhất kể từ sự kiện Đá Chữ Thập năm 1988, nhưng nó cũng đòi hỏi Việt Nam phải hết sức kiềm chế trước những hành vi đe nẹt của Trung Quốc đối với các tàu cá và thăm dò dầu khí của Việt Nam. Trong cả hai đối sách trên, bằng cách kháng cự áp lực của Trung Quốc, nguy cơ leo thang quân sự luôn hiện diện.
Việc sử dụng sức mạnh chính trị tập thể của cộng đồng quốc tế cũng có vai trò nhất định. Các cuộc biểu tình của quốc tế ủng hộ những nước tuân thủ luật pháp quốc tế và phê phán những chính sách gây bất ổn và xói mòn các chuẩn mực pháp lý của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến tính toán của mỗi nước. Chẳng hạn như vụ kiện của Philippines vể căn bản là một hành động mang tính chính trị.
Các nước khác có thể công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với cách tiếp cận của Philippines nhằm giải quyết tranh chấp. Sức mạnh tổng hợp từ ý chí chính trị và việc sử dụng các thể chế pháp lý quốc tế có thể tạo ra một lực hút mạnh mẽ theo hướng ổn định thông qua sự tuân thủ chuẩn mực. Một trong những kết quả tốt đẹp nhất trong những trường hợp này là lực hút như vậy có thể dẫn tới những cuộc đàm phán song phương thực chất hơn so với trước.
Do vậy, có lẽ tác động lớn nhất trong vụ kiện của Philippines là buộc Trung Quốc phải mở lại tiến trình đàm phán song phương trên những điều kiện dễ chấp nhận hơn với Philippines. Chuyện tương tự có thể xảy đến với những nước khác có tranh chấp biển với Trung Quốc nếu như cộng đồng quốc tế công khai và mạnh mẽ bày tỏ sự ủng hộ đối với các giải pháp ngoại giao và thể chế cũng như lên án những hành vi giải quyết tranh chấp bằng vũ lực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét