Mời Mỹ, Nhật tăng hiện diện quân sự
Mới đây, trong một báo cáo gửi đến Quốc hội Philippines Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin đã đề cập đến việc Philippines sẽ sớm đàm phán với Mỹ và Nhật Bản về việc mở rộng hiện diện quân sự ở nước này giữa lúc căng thẳng trên biển đang gia tăng.
Hai bộ trưởng nhấn mạnh: “Philippines sẽ sớm tham vấn và đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận khung cho phép thực hiện chính sách của chúng ta về tăng cường hiện diện quân sự luân phiên”.
AP ngày 9/8 trích nội dung báo cáo viết rằng việc cho phép quân đội Mỹ gia tăng hiện diện luân phiên sẽ giúp Philippines có “khả năng phòng thủ đáng tin cậy tối thiểu” để bảo vệ lãnh thổ song song với tiến hành hiện đại hóa quân đội. Bộ trưởng Gazmin cũng nói rõ binh sĩ Mỹ sẽ chỉ được phép tiếp cận các căn cứ quân sự hiện nay của Philippines chứ không lập căn cứ mới hay hiện diện thường trực.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Rosario còn thông báo Philippines đang xem xét cho phép lực lượng phòng vệ Nhật tiếp cận các căn cứ hải quân của nước này, theo báo Manila Standard Today. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Gazmin từng tuyên bố Nhật Bản được chào đón tại các căn cứ của Philippines còn Nhật cam kết hỗ trợ Philippines bảo vệ “những hòn đảo xa xôi”.
Đây được xem là những động thái mới nhất của Philippines trong chuỗi các biện pháp nhằm đối phó với mộng bá quyền của Trung Quốc ở biển Đông.
Khởi kiện ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc trên biển Đông
Có thể thấy rõ ràng chính quyền Manila đang có một kế hoạch dài hơi cùng những bước đi rất cụ thể chống lại âm mưu biến biển Đông thành ao nhà của Bắc Kinh mà mở đầu là vụ kiện đường lưỡi bò ra Tòa án Quốc tế.
Philippines khởi kiện yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại biển Đông ra Ban trọng tài do Tòa án Quốc tế về luật Biển (ITLOS) vào tháng 1/2013, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Trong đơn kiện, Manila đề nghị tòa án tuyên bố yêu sách chủ quyền bao trùm gần trọn Biển Đông của Trung Quốc là vô giá trị và vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS) vốn vạch ra giới hạn lãnh hải cho các quốc gia ven biển.
Ban trọng tài do ITLOS chỉ định đã họp phiên đầu tiên vào ngày 11/7 tại thành phố The Hague (Hà Lan) để thông qua thủ tục xét xử tại thành phố The Hague ở Hà Lan. Chương trình nghị sự chính của buổi họp đầu tiên là thông qua bộ quy định về trình tự xét xử. Trung Quốc và Philippines có thời hạn đến trước ngày 5/8 để đưa ra phản ứng với bộ quy định về trình tự.
Cho đến thời điểm hiện tại, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, trong một đến hai tuần nữa, năm thẩm phán của Ban trọng tài có thể sẽ phán quyết liệu họ có quyền tài phán trong vụ kiện của Philippines hay không. “Tôi nghĩ vụ kiện đang tiến triển”, tờ Philippine Daily Inquirer dẫn phát biểu của ông del Rosario bên lề lễ kỷ niệm 46 năm ngày thành lập ASEAN vào đêm 7/8.
Mua sắm vũ khí, hiện đại hóa quân đội
Bên cạnh đó, Manila cũng đang đẩy mạnh việc mua sắm vũ khí để hiện đại hóa quân đội nhằm tăng cường khả năng chiến đấu. Ngày 6/8, Philippines đã nhận thêm tàu Cảnh sát biển của Mỹ, Tổng thống Benigno Aquino và các bộ trưởng cấp cao đã chứng kiến tàu khu trục nhỏ BRP Ramon Alcaraz tiến vào vào vịnh Subic, một căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở Philippines, sau chuyến hành trình 2 tháng từ Nam Carolina, với 88 thủy thủ Philippines được huấn luyện trong một năm. Theo Tổng tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Philippines, tướng Mmanuel Bautista, chiếc tàu này sẽ “đóng góp lớn” vào nỗ lực bảo vệ chủ quyền lãnh hải Philippines và chống lại các cuộc xâm nhập.
Trước đó, vào ngày 3/8/2013, Philippines cũng đã mua thêm tàu Tàu “La Tapageuse”- một tàu chiến đa năng của Hải quân Pháp với mức giá 7,97 triệu USD. Các chuyên gia hàng hải đã xác nhận rằng tàu này vẫn có khả năng phục vụ cho Philippines ít nhất 20 năm nữa. Tàu sẽ được kiểm tra và chuyển tới lực lượng bảo vệ bờ biển nước này vào tháng 4/2014.
Chính phủ Philippines cũng đã đàm phán xong với phía Pháp để mua 5 tàu đa năng hoàn toàn mới, trong đó 1 tàu có chiều dài 82 mét và 4 tàu nhỏ 24 mét. Những chiếc tàu này sẽ cập bến Philippines vào quý 1/2015. Sỹ quan chỉ huy Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, Chuẩn Đô đốc – Rodolfo Isorena cũng nhấn mạnh lại việc Nhật Bản sẽ tài trợ cho Philippines để có được 10 tàu đa năng như vậy.
Quốc hội Philippines năm ngoái đã duyệt chi 1,8 tỉ USD cho hiện đại hóa quân đội được dùng để mua sắm tàu chiến, máy bay, radar.
Chia sẻ căn sứ Subic với đồng minh
Việc Philippines ‘mở cửa’ cho Mỹ, Nhật có mặt trên lãnh thổ của mình còn được biểu hiện ở việc Manila mời các nước này cùng chia sẻ căn cứ Subic.
Subic có ý nghĩa địa chính trị chiến lược tương tự như Cảng Cam Ranh của Việt Nam. Vịnh cảng nước sâu Subic được che chắn bởi núi rừng, cách Thủ đô Manila của Philippines 80 km về phía bắc, là đặc khu kinh tế của quốc gia này kể từ khi quân Mỹ rời đi năm 1992, kết thúc 94 năm hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines. Vị trí chiến lược của căn cứ Subic sẽ cho phép rút ngắn thời gian di chuyển của chiến đấu cơ bởi chỉ cách khu vực Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham đang tranh chấp khoảng 124 dặm. Thời gian có thể được rút ngắn 3 phút so với việc cất cánh từ sân bay Clark, căn cứ cũng ở phía Bắc Philippines. Vịnh Subic sẽ cung cấp một “vị trí chiến lược” cho lực lượng vũ trang Philippines, giúp tiếp cận trực tiếp và nhanh chóng hơn tới các vùng tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt là Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez, sắp tới, Philippines sẽ chuyển trọng tâm quân sự của nước này vào vịnh Subic, trong đó bao gồm hai chiến hạm mà nước này mua của Mỹ. Hai chiến hạm nói trên được xem là hiện đại nhất của hạm đội Philippines.
Giới chuyên gia cho rằng việc hồi sinh Subic nhằm giúp Manila có thể tiếp cận nhanh hơn tới vùng biển tranh chấp với Trung Quốc, đồng thời cũng sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ các đồng minh khi được sử dụng cảng biển nước sâu chiến lược này cho mục đích quân sự.
(PNTDO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét