Chiến hạm thứ hai BRP Ramon Alcaraz mà Manila mua của Washington cập bến căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở vịnh Subic hôm 6-8 trong sự hân hoan của người dân Philippines.
Tổng thống Benigno Aquino dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao chào đón chiến hạm BRP Ramon Alcaraz vào vịnh Subic sau chuyến hải trình kéo dài 2 tháng từ Nam Carolina, nơi mà 88 thủy thủ Philippines đang được đào tạo trong một năm qua. Trong bài diễn văn chào mừng phái đoàn Mỹ tới Manila, ông Aquino nói: “Giờ đây, BRP Alcaraz đã tới, chúng ta chắc chắn sẽ tăng cường các cuộc tuần tra trên vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Điều này cũng sẽ tăng cường khả năng đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào”.
Chiến hạm được “biên chế” về cho Lực lượng Hải quân, nhằm nâng cao khả năng chiến đấu trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Philippines với Trung Quốc ngày càng gay gắt. Đây là một phần trong kế hoạch nâng cấp quân sự lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua, khi một nền kinh tế lớn mạnh hơn cho phép Manila tăng chi tiêu quốc phòng để “chiến đấu” với ngân sách quốc phòng ở mức 2 con số của Trung Quốc.
BRP Ramon Alcaraz là tàu chiến của lực lượng tuần duyên Mỹ từ thời Thế chiến II và được tân trang lại. Tàu này sẽ bổ sung cho chiến hạm thứ nhất mang tên BRP Gregorio del Pilar, cũng là tàu cũ của lực lượng tuần duyên Mỹ mà Philippines tiếp nhận hồi tháng 8-2011. Tàu Alcaraz nặng 2.950 tấn, có thể chịu được những cơn sóng lớn và lưu trú dài ngày trên biển hơn bất kỳ tàu hiện có nào của Philippines, qua đó cho phép thực hiện những đợt tuần tra trên diện rộng.
Chiến hạm có 46 tuổi đời này sẽ được sử dụng để tuần tra các khu vực ở gần bờ biển Philippines, động thái này cũng chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc khó chịu, gieo thêm mối căng thẳng trên biển Đông khi Nhà Trắng đang nỗ lực tái tập trung tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương để kiềm chế Bắc Kinh.
“Mọi việc rất rõ ràng – tăng trưởng thực sự chỉ có thể tồn tại nếu quốc gia ổn định và hòa bình”, ông Aquino tuyên bố đồng thời khẳng định, Philippines cần phải “xóa hình ảnh” của một quân đội nghèo nàn. Một nền kinh tế yếu kém và hai cuộc nổi dậy kéo dài ở miền Nam cùng làn sóng chống đối của phe Hồi giáo khiến quân đội nước này trở thành đội quân yếu kém nhất khu vực Đông Nam Á. Sau khi lên nhậm chức năm 2010, Tổng thống Aquino đặt quyết tâm hiện đại hóa hải quân và không quân. Ông được Quốc hội thông qua việc mở rộng kế hoạch 15 năm và dành 1,7 tỷ USD nâng cấp quân đội trong vòng 5 năm tới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Manila muốn nâng cao nhận thức lĩnh vực hàng hải để biết những gì đang xảy ra xung quanh và có thể đáp ứng nhanh nhạy một số rủi ro – ám chỉ đến những hành động quấy nhiễu gần đây của Bắc Kinh ở biển Đông tranh chấp. “BRP Ramon Alcaraz sẽ lấp đầy khoảng cách giữa hai bên – Trung Quốc và Philippines”, một chuyên gia nhận định.
Theo các nguồn tin từ Reuters, Philippines cũng có kế hoạch mua hệ thống radar, máy bay trinh sát, máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng theo kế hoạch 1,7 tỷ USD trên. Manila đã mở các cuộc đàm phán để mua hàng chục máy bay chiến đấu mới và hai tàu khu trục từ Hàn Quốc. Họ cũng đặt hàng 10 tàu bảo vệ bờ biển từ Nhật Bản và 3 tàu từ Pháp. Quân đội nước này cũng khẳng định, chính phủ cần phải tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng từ mức 1,2% GDP hiện nay.
Theo tính toán, viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Manila trong năm nay sẽ tăng hơn 60%, tương đương 50 triệu USD, cho phép Philippines có thể mua thêm chiến hạm thứ 3 trong thời gian tới. Đó cũng là mục tiêu của chính quyền Tổng thống Aquino để chống chọi với những “con sóng lớn” từ Trung Quốc.
(BCADN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét