Sáng 7/8, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tổ chức khai mạc Hội thao sử dụng phương tiện thủy nội địa, tìm kiếm cứu nạn năm 2013. Tham dự hội thao này gồm có Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng Tham mưu trưởng, cùng đại diện Bộ Tư lệnh các quân khu, quân đoàn, quân chủng; Cục Cứu hộ – Cứu nạn, Cục Quân huấn (Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng)…
Ngoài ra còn có 25 đoàn vận động viên đến từ các đơn vị đầu mối trực thuộc Quân khu 9 và 1 đoàn vận động viên của Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy TP. Cần Thơ.
Các VĐV dự thi ở 7 nội dung, gồm 2 phần: Lý thuyết và thực hành. Trong đó có các nội dung chính như: Tìm hiểu một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; cấu tạo, tính năng, tác dụng, các hỏng hóc thông thường của phương tiện thủy và phương pháp khắc phục; hành động của tổ tác nghiệp, tổ lái sử dụng bến nghiêng để hạ và thu xuồng ST660, ST750; lắp ghép xuồng đơn, xuồng kép thành phà VSN – 1500; điều khiển phương tiện thủy rời bến, cập bến, trục vớt hàng hóa và cấp cứu người bị nạn trên sông…
Hội thao được tổ chức trên tinh thần rút kinh nghiệm, thống nhất về nội dung, phương pháp huấn luyện tìm kiếm cứu nạn trên sông và khu vực ven biển. Ngoài ra, Quân khu 9 còn đề xuất với cấp trên và UBND các tỉnh, thành phố trong khu vực bổ sung trang thiết bị phù hợp cho lực lượng tại chỗ đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa bão năm 2013 và những năm tiếp theo.
Việc tổ chức hội thao trong một bối cảnh khá đặc biệt, khi dư luận đặt nhiều câu hỏi về công tác cứu hộ trên biển xảy ra với vụ lật ca nô trên vùng biển Cần Giờ, TP.HCM vào đêm 2/8.
Vào thời gian trên, ca nô mang số hiệu H29 chở 30 người gồm: 2 chuyên gia người Mỹ và các công nhân của Công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam trong chuyến hành trình từ huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) đến Vũng Tàu. Đến vùng biển thuộc huyện Cần Giờ thì chiếc ca nô gặp sóng lớn và bị úp. Đội cứu hộ chỉ cứu được 21 người, còn 9 người mất tích, 3 ngày sau mới tìm thấy được hết thi thể các nạn nhân.
Một điều khiến người ta hết sức bất ngờ ca nô bị lật cách đất liền vài km mà đến tận 6 tiếng sau các nạn nhân mới được lực lượng cứu hộ cứu. Chỉ cần đọc qua cuốn nhật ký cứu nạn của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu ngày hôm đó đã đủ thấy công tác cứu hộ rối ren như thế nào. Cụ thể, trong bảng thông tin nhật ký ghi rõ khoảng 21h ngày 2/8, cảng nhận được tin từ một người đàn ông tên Tuấn – công ty du lịch Vũng Tàu Marina báo có phương tiện thủy bị chết máy tại vùng biển H.Cần Giờ (TP.HCM), nhờ hỗ trợ lai dắt.
Đến 21h25, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu chính thức nhận được thông báo của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu hộ cứu nạn khu vực 3 rằng có một tàu khách bị chìm tại khu vực biển Cần Giờ.
Khoảng 21h35, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu liên lạc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu hộ cứu nạn khu vực 3 để hỏi diễn biến vụ việc nhưng không nhận được thông tin nào mới. Sau đó, khoảng 22 giờ các tàu cứu hộ, tàu dịch vụ và các tàu gần khu vực mới được điều động, chỉ đạo đến khu vực ca nô gặp nạn thực hiện tìm kiếm cứu nạn.
Đến 22h30 lực lượng cứu hộ cứu nạn mới xác định được tọa độ tàu H29 BP đang bị chìm. Đến 22h45, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu mới chính thức nhận được đơn yêu cầu cứu nạn. Tuy nhiên đến 1h sáng 3/8, tàu cứu nạn mới tiếp cận được hiện trường và đưa các nạn nhân đi cấp cứu.
Chỉ tiếp cận thông tin cứu nạn cũng mất đến 3 giờ, khi tìm đến nhiều nạn nhân đã kiệt sức mà bị dòng nước cuốn trôi.
TL (BPNT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét