Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Việt Nam đầu tư mạnh cho giám sát, trinh sát Biển Đông

Tạp chí Jane’s bình luận, Việt Nam đang đầu tư mạnh cho giám sát, trinh sát biển để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
Tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly (trụ sở tại Anh) bình luận, với yêu cầu mang tầm chiến lược phải tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát).
Năng lực công nghiệp quốc phòng của Việt Nam vẫn còn ở mức trung bình, tập trung chủ yếu phục vụ các hoạt động trên đất liền (chủ yếu chế tạo súng, súng cối, pháo…). Nhưng trong bối cảnh đang có nhiều hoạt động kinh tế trên biển, Hà Nội đã nhận ra tầm quan trọng của công tác trinh sát, kiểm soát vùng trời, vùng biển cũng như thông tin liên lạc.
Việt Nam đang xem xét đánh giá máy bay không người lái giám sát biển Heron-1 của Israel.

Vì lẽ đó, trong vài năm trở lại đây, Việt Nam tích cực mua sắm thêm các phương tiện trinh sát, giám sát biển, nhất là các phương tiện bay không người lái.
Năm 2012, Việt Nam đã thỏa thuận với Nga và Thụy Điển để hợp tác cùng phát triển, sản xuất các phương tiện bay không người lái (UAV).
Ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam cũng nỗ lực tự sản xuất các mẫu UAV với tầm hoạt động vừa và nhỏ để phục vụ trong quân đội và phát triển hệ thống điều khiển đặt dưới mặt đất cho các UAV này.
Bên cạnh đó, trong năm nay Bộ Quốc phòng Việt Nam đã khởi động một chương trình để mua một loại UAV nước ngoài đã được sản xuất và bán đại trà trên thị trường, nhằm dễ dàng kiểm định chất lượng, cũng như tìm kiếm phụ tùng thay thế.
Yêu cầu là loại UAV này phải có độ bền cao và hoạt động ở độ cao trung bình. Hệ thống máy bay không người lái giám sát biển Heron-1 của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Isarel (IAI) đang được xem xét.
Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã lên kế hoạch sản xuất một hệ thống thông tin liên lạc quân sự mới, mà theo truyền thông địa phương đưa tin thì nó sẽ có giá thành thấp hơn từ 3-4 lần so với thiết bị nhập khẩu.
Việt Nam đã nhận bàn giao 2 trong 3 chiếc C-212-400.
Trong năm nay, Viettel cũng phát triển một hệ thống kiểm soát không lưu cho cho lực lượng không quân và không quân thuộc hải quân của Việt Nam.
Việt Nam đã mua 3 máy bay tuần tra biển CASA C-212-400 của hãng Airbus Military để trang bị cho Cảnh sát biển.
Những chiếc C-212-400 được xem là biến thể hiện đại nhất của dòng máy bay C-212, trang bị 2 động cơ tuốc bin cánh quạt TPE-331-12JR cho phép đạt tốc độ tối đa 360km/h, tuần tiễu liên tục 8 giờ, trần bay 3.300m, có khả năng cất cánh đường băng ngắn (khoảng 395m).
Thậm chí, C-212-400 còn thiết kế 2 giá treo cho phép mang 2 ngư lôi hạng nhẹ loại 324mm hoặc 2 ống phóng rocket hoặc súng máy.
Cũng theo Jane’s, Việt Nam có ý định mua máy bay tuần tra biển tầm xa P-3 Orion từ Tập đoàn Lockheed Martin.
Đối với loại P-3 Orion, tuy Mỹ chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí mà vì vậy những chiếc P-3 nếu bán cho Việt Nam sẽ không có vũ khí đi kèm. Nhưng, với việc sở hữu máy bay P-3 (hoạt động liên tục 16 giờ) sẽ góp phần tăng tầm, tăng thời gian tuần tra, trinh sát, giám biển cho Hải quân Việt Nam.
Đài radar giám sát biển Coast Watcher 100 của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Ngoài C-212 và P-3, Việt Nam đã mua và sắp nhận bàn giao thủy phi cơ DHC-6 do Canada sản xuất. Những máy bay này sẽ biên chế cho Hải quân Nhân dân Việt Nam phục vụ công tác vận tải, chở khách, tuần tra, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Bên cạnh việc mua sắm máy bay tuần tra biển, Việt Nam đã có nhiều sự đầu tư mua hệ thống radar giám biển. Gần đây, báo Quân đội Nhân dân đăng tải hình ảnh về loại radar Coast Watcher 100 có trang bị trong Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Hệ thống radar giám sát Coast Watcher 100 do Tập đoàn Thales Pháp chế tạo, được thiết kế cho nhiệm vụ giám sát bờ biển, phát hiện sớm từ xa các tàu thuyền lạ xâm nhập vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế.
Radar Coast Watcher 100 hoạt động ở băng tần X, tần số 300MHz, phạm vi phát hiện mục tiêu tới 170km ở góc phương vị 90 độ.
Cụ thể, nó có thể phát hiện các mục tiêu như: tàu thuyền nhỏ tàng hình có diện tích phản hồi sóng radar (RCS) 1m2 ở cự ly 45km; phát hiện máy bay tuần tra hàng hải có diện tích phản hồi radar 25m2 bay ở độ cao 170m ở cự ly 90km; tàu cá có RCS 50m2 chiều cao 3m trên mực nước biển từ cự ly 145km; tàu chiến có RCS 10.000m2, chiều cao 10m trên mực nước biển từ cự ly 170km.
Ngoài ra, theo Jane’s, Việt Nam đang có ý định mua hệ thống radar giám sát bờ biển tiên tiến của hãng Raytheon, Mỹ.
(BKT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến