Không dễ dàng để trở thành một siêu cường, và đó là những gì mà Trung Quốc đang phải trải qua. Sau nhiều năm thành công, giờ đây, Trung Quốc đang tự tạo ra các vụ căng thẳng với láng giềng quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ, các vấn đề gây bức xúc ở trong nước như ô nhiễm, tham nhũng và bất đồng quan điểm. Sức mạnh của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục phát triển, nhưng bởi vì chính vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế, danh tiếng toàn cầu của nước này đang bị bao vây bởi một loạt các thách thức.
Nếu như trước kia, Trung Quốc là chủ đề tranh luận trong giới “thạo tin” thế giới, thì giờ đây, người dân bình thường trên thế giới cũng đã để ý đến, và đối với nhiều người, đó là một sự phát triển đáng lo ngại. Một thăm dò của Trung tâm Khảo sát Pew cho thấy ngày càng có nhiều người biết đến Trung Quốc như là một cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Trong số họ, khoảng 47% số người được hỏi tin rằng Trung Quốc không xa nữa sẽ vượt Mỹ và trở thành “số một thế giới”. Con số tin rằng Trung Quốc không thể vượt mặt Mỹ chỉ chiếm 1/3 lượng người được hỏi.
Nhưng, giống như những gì mà Mỹ đã trải qua, sức mạnh không hẳn đã tạo ra tình cảm. Thường thì nó tạo ra sự lo lắng. Trong các khu vực trên toàn thế giới, người dân tỏ ra lo lắng về cách mà một siêu cường sẽ sử dụng ảnh hưởng để cư xử trên trường quốc tế. Ví dụ như, hầu hết các nước nói rằng Mỹ đã bỏ qua lợi ích của họ khi đưa ra các quyết định chính sách đối ngoại – điều này là sự thật trong thời kỳ tại vị của Tổng thống George W. Bush, và cho đến nay nó vẫn tiếp tục diễn ra.
Giờ đây, công chúng toàn cầu tin rằng Trung Quốc cũng chỉ là một quốc gia ích kỷ, chỉ biết lợi cho mình, chưa thể trở thành một “thành viên có trách nhiệm” trong hệ thống quốc tế – theo cách nói của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick. Trong con mắt của nhiều người, Trung Quốc hưởng lợi lớn từ trật tự thế giới nhưng lại đóng góp quá ít cho việc xây dựng cộng đồng toàn cầu.
Trong những năm gần đây, các chiến lược gia Trung Quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết cho đất nước của họ khi phát triển sức mạnh “toàn diện”, bao gồm cả kích thước địa lý. Một học giả nghiên cứu về Trung Quốc – David Lampton đã mô tả “3 mặt quyền lực Trung Quốc” bao gồm: Sức mạnh (sức mạnh quân sự), tiền bạc (quyền lực kinh tế) và tâm trí (quyền lực mềm). Trên cả 3 mặt trận, Trung Quốc đều đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trước dư luận toàn cầu.
Những thăng trầm của Mỹ kể từ sự kiện 11/9/2001 đã chỉ rõ sức mạnh quân sự có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của một siêu cường ra sao. Chiến tranh Iraq và “cuộc chiến chống khủng bố” của chính quyền Tổng thống Bush đã kích động phong trào chống lại Mỹ ở khắp nơi trên thế giới. Tương tự, chính sách sử dụng máy bay không người lái tại một số quốc gia Trung Đông và Bắc Phi của chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng bị phản đối trên toàn cầu. Và, khi tăng cường sức mạnh quân sự của mình, Bắc Kinh cũng sẽ phải đối mặt với sự mất uy tín về danh tiếng.
Hơn 9/10 người dân Nhật Bản và Hàn Quốc được hỏi đã cho rằng việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự là một điềm xấu. 71% người Austrailia và 2/3 người Philippines cũng đồng ý với quan điểm này.
Trong khi đó, Trung Quốc đang ngày càng cứng rắn hơn trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, khiến cho mối quan ngại về an ninh ở các khu vực này ngày càng nghiêm trọng.
Về kinh tế, mặc dù thời gian tăng trưởng kéo dài của Trung Quốc thực sự ấn tượng, sức mạnh kinh tế của nó được đánh giá khác nhau trên toàn cầu. Nếu như ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc được xem là tích cực ở châu Mỹ Latinh và châu Phi, thì ở phần lớn các khu vực khác trên thế giới, người ta tỏ ra đề phòng, đặc biệt là Mỹ.
Trong một cuộc thăm dò năm 2012 của Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế phối hợp với hãng tin CNN, kết quả cho thấy một sự lo lắng khá rộng rãi về một mối đe dọa kinh tế đến từ Trung Quốc. Đa số người tham gia mô tả số tiền Mỹ nợ Trung Quốc là đáng ngại, mất việc làm về tay người Trung Quốc và thâm hụt thương mại với nước này là vấn đề rất nghiêm trọng.
Đồng thời, sức mạnh mềm của Trung Quốc đã giảm bớt sức hấp dẫn. Trung Quốc đã từng thu hút được sự ngưỡng mộ trong nhiều khu vực khi giúp hàng trăm triệu người dân của họ thoát nghèo. Những tiến bộ trong khoa học và công nghệ của họ cũng được các nước Mỹ Latinh và châu Phi tỏ ra tôn trọng.
Tuy nhiên, người ta vẫn nhìn nhận rằng, những nỗ lực ngoại giao công chúng của Trung Quốc đã và đang thực hiện không có nhiều hiệu quả. Giáo sư David Shambaugh, tác giả của cuốn China Goes Global: The Partial Power (tạm dịch: Trung Quốc vươn ra toàn cầu: Cường quốc nửa vời), đã nhận định: “Trung Quốc có rất ít quyền lực mềm. Và đó không phải là một mô hình cho các quốc gia khác noi theo”.
Cuối cùng, thách thức lớn nhất đối với chính sách ngoại giao của Bắc Kinh có thể là nó đã không cung cấp một mô hình chính trị bảo đảm các quyền và thể chế dân chủ cho người dân ở những khu vực mà toàn thế giới mong muốn.
Các cuộc thăm dò tương tự cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng về tham nhũng, bất bình đẳng và an toàn thực phẩm – một lời nhắc nhở rằng ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo mới của đất nước để định hình dư luận quốc tế về Trung Quốc, họ cũng sẽ phải quan tâm đến dư luận trong nước. “Giấc mơ Trung Quốc” đã trở thành khẩu hiệu của chủ tịch của Chủ tịch nước Tập Cận Bình, nhưng ông đã không thể nói rõ ràng về sự hấp dẫn của giấc mơ này và những gì nó sẽ đem lại cho người dân Trung Quốc. Chính Trung Quốc sẽ phải nói rõ điều này cho người dân của họ và với toàn cầu.
(IFN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét