Những người xây chợ đặc biệt
Chợ là nơi mua bán trao đổi hàng hóa dịch vụ. Quy luật cung cầu của chợ phát huy tác dụng khi bên mua bên bán gặp nhau thông qua giá cả thỏa thuận. Thế nhưng gặp những chợ đặc biệt nơi tiền không đóng vai trò quan trọng thì sao? Giải Nobel Kinh tế năm nay giải quyết câu hỏi đó.
Tuyển sinh đại học là một dạng chợ đặc biệt. Các trường đại học danh tiếng như Harvard không thể cứ đưa ra giá học phí thật cao đến mức tuyển vừa đúng được số người muốn tuyển có đủ khả năng tài chính để trả học phí cao này. Ngược lại các trường cũng không thể chỉ nhận đúng 1.000 hồ sơ nếu muốn tuyển 1.000 sinh viên bởi sinh viên cũng nộp hồ sơ nhiều trường, sinh viên giỏi cũng có nhiều chọn lựa, sẵn sàng từ chối nhiều trường.
Có lẽ những nhà quản lý giáo dục nước ta, thường phải đau đầu giải quyết bài toán nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 của học sinh khi dự tuyển vào lớp 10, hiểu rõ vấn đề này nhất. Tuyển sinh vào các trường công lập ở New York và Boston cũng gặp vấn đề tương tự. Theo cách làm cũ, học sinh nộp đơn vào nguyện vọng 1, thường là trường tốt nhất, được nhiều người xin vào học nhất. Nếu không được tuyển, học sinh sẽ chuyển qua nguyện vọng 2, cũng là trường tốt thứ nhì nên cũng đông không kém và đã tuyển đủ người. Cứ như thế, một học sinh lẽ ra có thể vào được trường nguyện vọng 3 nhưng bị trượt hết vì đã không sắp xếp các nguyện vọng một cách khôn ngoan.
Đến đây Alvin Roth xuất hiện. Ông đã thiết kế những cơ chế sàng lọc và ghép nối sao cho kết quả sau cùng làm cả nhà trường và học sinh đều hài lòng. Công việc này gọi là “thiết kế thị trường” và những nỗ lực của Roth trong thực tế, từ việc thiết kế cơ chế sắp xếp sinh viên y khoa vào đúng bệnh viện nội trú đến mai mối những người hiến tạng và cần ghép tạng với nhau đã giúp ông đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay.
Để hiểu được thuật toán dùng trong việc ghép nối này, thử hình dung chuyện mai mối một nhóm đàn ông với một nhóm đàn bà. Để có kết quả tối ưu, các bà phải áp dụng chiến thuật “chấp nhận trong trì hoãn”. Đầu tiên, mỗi ông ngỏ ý với người họ thích nhất. Dĩ nhiên sẽ có bà nhận được nhiều lời dạm ý và có bà không có ai hỏi han. Các bà nhận được nhiều lời ngỏ ý sẽ từ chối những ông nào họ ít thích nhất nhưng chưa quyết định chọn ai trong số còn lại. Các ông bị từ chối lại ngỏ lời một vòng khác, cứ thế cho đến khi không còn ai bị từ chối. Lúc đó các bà mới đưa ra chọn lựa của mình và việc mai mối thành công.
Điều ít người để ý là Roth xuất thân là một kỹ sư. Ông lấy bằng tiến sĩ về nghiên cứu vận hành tổ chức, tức dùng thuật toán để giúp các tổ chức hoạt động hiệu quả hơn. Năm 1995, người ta đã nhờ ông cải tiến cách sắp xếp sinh viên y khoa về các bệnh viện nội trú vì nó đã trở thành một mớ bòng bong. Ví dụ hệ thống cũ khó lòng sắp xếp hai vợ chồng cùng là bác sĩ về cùng một bệnh viện hay ít nhất cũng được ở gần nhau. Trước đó Roth, từng nghiên cứu về lý thuyết trò chơi, đã viết nhiều về hệ thống sắp xếp này với những nguyên tắc gợi ý để giải quyết những tồn tại của nó. Bắt tay vào việc, Roth đưa ra một thuật toán sắp xếp mới và thành công trên mức mong đợi. Roth bắt đầu nổi tiếng như một người thay vì quan sát, nghiên cứu thế giới đã áp dụng lý thuyết để giải quyết những bài toán của thực tế. Bài học “thiết kế thị trường” của ông được áp dụng trong nhiều lãnh vực, từ các trang web chuyên mai mối đến cách các trường sắp xếp thời khóa biểu sao cho hợp lý nhất.
Công trình của Roth cứu được nhiều mạng người khi áp dụng vào chuyện ghép tạng. Một cặp vợ chồng, chẳng hạn, vợ cần ghép thận nhưng chồng không hiến được vì không cùng nhóm máu. Một cặp vợ chồng khác cũng rơi vào tình huống tương tự. Nhờ Roth, một trung tâm dữ liệu hình thành để những cặp như thế có thể gặp nhau, chồng cặp này hiến thận cho vợ cặp kia và ngược lại. Thuật toán của Roth giúp các bệnh viện sẵn sàng chia sẻ thông tin, từ đó mới ghép nối các cặp với nhau và giảm đến mức tối thiểu số lượng các cặp cần thiết để trao đổi thành công.
Thế nhưng các công trình trong thực tế của Alvin Roth (60 tuổi) sẽ khó lòng diễn ra nếu trước đó không có Lloyd Shapley (89 tuổi) tiên phong đưa ra những lý thuyết làm nền tảng cho việc “thiết kế thị trường”. Shapley, nhận bằng tiến sĩ toán học từ năm 1953, được xem là một trong những nhà lý thuyết trò chơi hàng đầu cùng thời với nhà toán học nổi tiếng John Nash. Chuyện mai mối các cặp nói ở trên chính là ý tưởng của Shapley từ năm 1962. Lúc đó Shapley (với đồng tác giả là David Gale trong bài viết “Tuyển sinh đại học và tính ổn định của hôn nhân”) khái quát hóa một lý thuyết về nguyên tắc có thể tạo ra những cuộc hôn nhân bền vững: nếu để các cặp tìm nhau như trên, sẽ không còn ai muốn ly hôn để đi lấy người khác. Vì thế lý thuyết của ông được gọi là “phân bổ bền vững”. Dĩ nhiên lý thuyết này không thể áp dụng vào hôn nhân thực tế nhưng đã thành công trong các dự án mà Roth thực hiện.
Roth hiện đang giảng dạy tại trường Stanford sau nhiều năm dạy tại Harvard còn Shapley là giáo sư hưu trí của trường UCLA. Cả hai là người Mỹ.
Giải Nobel Kinh tế năm nay được đánh giá là đã cứu vãn uy tín của kinh tế học nhờ áp dụng lý thuyết để giải quyết các bài toán của cuộc sống một cách thành công. Kinh tế học gần đây bị chê trách là không dự đoán được các biến động kinh tế, các cuộc khủng hoảng tài chính trong khi các nhà kinh tế thay nhau tranh cãi về mọi vấn đề. Tuy nhiên công trình của hai ông Shapley và Roth có thuần túy là kinh tế học hay không cũng là điều đáng bàn bởi chính Shapley cho biết: “Tôi tự xem mình là nhà toán học trong khi giải trao cho kinh tế học. Tôi chưa bao giờ, chưa bao giờ ghi danh học lớp kinh tế học nào trong đời tôi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét