Sau khi Đài Loan bỏ ra hơn 1,3 tỷ USD để mua một hệ thống radar AN/FPS-115 PAVE PAWS, Tạp chí Quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương có trụ sở tại Đài Bắc đã đặt câu hỏi về sự cần thiết của khí tài này.
“Liệu đây có phải một sự lãng phí tiền của? Hệ thống radar này có giúp Đài Loan chống lại tên lửa Trung Quốc?”, tạp chí này viết.
Hệ thống radar cảnh giới tầm xa AN/FPS-115 PAVE PAWS được phát triển bởi công ty Raytheon, với nhiệm vụ theo dõi phát hiện các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Theo chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, đã có 5 hệ thống radar AN/FPS-115 PAVE PAWS được đưa đến khu vực này. Một trong số đó được giao cho Không quân Đài Loan, đóng ở Lạc Sơn gần thành phố Tân Trúc, phía bắc Đài Loan. Nó có thể cảnh báo các tên lửa đạn đạo Trung Quốc trước 6 phút.
Nhưng tạp chí này cho rằng điều đó là không cần thiết, vì Đài Loan nằm quá gần lục địa Trung Quốc. Hiểm họa thật sự không phải các tên lửa tầm xa, mà là tên lửa tầm ngắn, triển khai với số lượng lớn dọc bờ biển phía Đông Trung Quốc.
Radar PAVE PAWS chỉ hữu dụng trong nhiệm vụ dẫn đường cho máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ đánh phá các đơn vị tên lửa liên lục địa của Trung Quốc. Trong lịch sử, khi tác chiến ở Nam Tư (cũ), Iraq và Libya, máy bay tàng hình của Mỹ không cần bật radar quan sát mục tiêu. Nhưng với một đất nước rộng lớn như Trung Quốc, máy bay tàng hình sẽ phải bật radar của mình,và có thể bị phòng không Trung Quốc phát hiện và bắn hạ.
Vì lí do này, chính phủ Mỹ muốn triển khai radar PAVE PAWS đến càng gần Trung Quốc càng tốt. Vị trí được chọn dĩ nhiên là đảo Đài Loan. Nhưng vấn đề là Đài Loan lại phải trả tiền cho điều này.
Ngoài 1,3 tỷ USD để mua radar, Không quân Đài Loan còn tốn 23 triệu USD để duy trì hoạt động cho nó. Vì lí do đó, Đài Loan đã hủy bỏ kế hoạch mua sắm radar PAVE PAWS thứ hai.
Những năm gần đây, tuy Đài Loan tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc đại lục, nhưng Tổng thống Mã Anh Cửu vẫn đang tìm kiếm các hệ thống vũ khí tiên tiến của Mỹ để tăng cường khả năng bảo vệ đất nước. Trong khi ông Mã bị phê phán ở trong nước là quá thân thiện với Trung Quốc, thì một bài bình luận của một phần tử dân tộc chủ nghĩa trên Hoàn Cầu thời báo ngày 30/7 lại buộc tội ông Mã có thái độ thù địch đối với Bắc Kinh.
Các bài bình luận nói rằng Mỹ là quốc gia duy nhất thực sự được hưởng lợi từ giao dịch vũ khí cho Đài Loan. Hoàn Cầu thời báo cho rằng Đài Loan không được lựa chọn, mà bị ép mua sắm các vũ khí này.
LM (BKT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét