Kim Shin-jo biết rõ tại sao nhiệm vụ tối mật của ông lại thất bại. Một tính toán sai lầm nghiêm trọng đã khiến 31 biệt động tinh nhuệ của miền Bắc không thể hoàn thành sứ mệnh ám sát Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee 45 năm trước. “Nếu chúng tôi giết họ thì đã không có báo động và chúng tôi đã có thể đạt được mục tiêu”, Kim nói với AFP trong bài phỏng vấn nhân dịp 60 năm ngày ký thỏa thuận ngừng bắn Chiến tranh Triều Tiên (27.7.1953 – 27.7.2013).
“Họ” ở đây là 4 dân làng Hàn Quốc mà toán biệt động gặp phải vào chiều 19.1.1968, trên đường hướng về Nhà Xanh, tức Phủ tổng thống Hàn Quốc tại Seoul. Khi đó, các biệt kích đã đưa ra một quyết định vô cùng tai hại. Nếu không có lẽ họ đã thay đổi hoàn toàn lịch sử bán đảo Triều Tiên và cả khu vực.
Ngủ với xác chết
Vào năm 1966, Bình Nhưỡng quyết định lập kế hoạch ám sát ông Park, người lên cầm quyền sau một cuộc đảo chính 5 năm trước đó, nhằm kích hoạt một cuộc nổi dậy chống lại chính quyền Seoul cùng quân đội Mỹ đồn trú ở miền Nam và tạo cơ hội đưa quân tràn qua biên giới. Từ lực lượng đặc nhiệm Đơn vị 124 khét tiếng, giới chức chọn ra 31 binh sĩ ưu tú nhất và bắt đầu đợt huấn luyện cực kỳ khắc nghiệt trong 2 năm về các kỹ năng đổ bộ xâm nhập, ám sát, tấn công… Theo Kim, ông và các đồng đội còn được dạy cách đào vào bên trong các ngôi mộ và ngủ bên cạnh xác chết để tránh lùng sục. Trong 15 ngày cuối cùng, đội biệt động luyện tập các phương án tấn công Nhà Xanh với một mô hình có kích thước như thật.
Khuya 16.1.1968, toán biệt động lên đường, được trang bị thuốc nổ TNT, lựu đạn, tiểu liên PPS-43 và súng ngắn TT-30 (ở Việt Nam gọi là K-54) cùng đồ ngụy trang. Một ngày sau, họ cắt hàng rào kẽm gai tại khu phi quân sự liên Triều ở địa điểm chỉ cách một chốt gác của Mỹ khoảng 30 m, vượt qua bãi mìn dày đặc và sự canh gác gắt gao. Đoạn đường tiếp theo rất êm thấm và họ đến Beopwon-ri, cách Seoul khoảng hơn 35 km, vào rạng sáng 19.1.
Khi biệt động làm tuyên truyền
AFP dẫn lời Kim kể nhóm của ông vừa đến Beopwon-ri không lâu thì gặp 4 dân làng nói trên. Tranh luận đã nổ ra dữ dội về việc có nên sát hại những người này không. Vì một lý do mà Kim nhất quyết không chịu nói rõ, nhóm biệt động quyết định thực hiện… một bài giảng chính trị tại chỗ về chủ nghĩa cộng sản và cuộc sống tốt đẹp tại miền Bắc cho 4 người đó, rồi thả họ đi với cảnh báo không được báo động.
Dĩ nhiên là nhóm dân làng chạy thẳng đến đồn cảnh sát và một lực lượng lớn bộ binh, đặc nhiệm được huy động lùng sục khắp nơi trong khi an ninh tại Seoul được thắt chặt tối đa. Nhờ năng lực hành quân và ẩn nấp vượt trội, nhóm biệt động vẫn vào tới Seoul nhưng nhiệm vụ đã trở nên bất khả thi. Không thể quay về, họ ngụy trang thành lính Hàn Quốc thực hiện một cuộc tấn công liều lĩnh vào thẳng Nhà Xanh tối 21.1.1968. Khi chỉ còn cách Phủ tổng thống chưa tới 100 m thì nổ ra đụng độ dữ dội và toán biệt động chia nhau ra chạy. Hàng trăm cảnh sát, binh sĩ lùng sục Seoul và khu vực lân cận, truy bắt cho kỳ được “bọn khủng bố miền Bắc”. Kết quả là hơn 1 tuần sau, 29 lính Triều Tiên thiệt mạng, một người tên Park Jae-gyong đào tẩu về nước thành công (sau này ông được phong hàm tướng 4 sao), còn Kim Shin-jo bị bắt sống. Phía Hàn Quốc và Mỹ tổn thất 31 người.
Kim bị giam giữ, thẩm vấn và “giáo dục” trong vòng 1 năm trước khi được thả với lý do là ông chưa hề nổ phát súng nào, theo AFP. Sau đó, Kim công khai chỉ trích Triều Tiên, kết hôn với một phụ nữ Hàn Quốc và trở thành một mục sư tại ngoại ô Seoul. Hồi tháng 2, ông chứng kiến con gái Tổng thống Park Chung-hee là bà Park Geun-hye nối nghiệp cha, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.
Dù không thành công nhưng chiến dịch này đã làm rung chuyển Hàn Quốc và được đánh giá là hành động đột kích qua biên giới táo bạo nhất của Triều Tiên kể từ ngày ngừng bắn tới nay. Hình ảnh Kim Shin-jo bị trói lạnh lùng tuyên bố trước ống kính máy quay: “Tôi đến để cắt cổ Park Chung-hee” đã ám ảnh cả một thế hệ người miền Nam. Gần đỉnh núi Bukaksan đằng sau Nhà Xanh vẫn còn một thân cây đầy vết đạn, là chứng tích của sự kiện chấn động cách đây 45 năm.
Kế hoạch trả đũa của Hàn Quốc
Sau sự kiện 21.1.1968, Tổng thống Park Chung-hee ra lệnh thành lập đội đặc nhiệm cũng với 31 người mang tên Đơn vị 684 với nhiệm vụ ám sát Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) để trả đũa, theo tờ The New York Times.
Nhóm này trải qua huấn luyện khắc nghiệt trên hòn đảo không người Silmido ở Hoàng Hải và 7 người đã thiệt mạng. Tuy nhiên, nhiệm vụ bị hủy bỏ sau khi quan hệ liên Triều được cải thiện và 24 người còn lại kẹt trên đảo cho tới ngày 23.8.1971 thì quyết định nổi loạn cướp tàu về đất liền. Họ tiếp tục cướp một xe buýt để tiến về Seoul nhưng bị quân đội chặn lại và tiêu diệt gần hết, 4 người sống sót bị tử hình vào tháng 3.1972. Có ý kiến cho rằng Đơn vị 684 sợ bị chính quyền thủ tiêu nên mới nổi loạn. Câu chuyện của họ được dựng thành bộ phim nổi tiếng mang tên Silmido năm 2003 và đến năm 2010, tòa án ra phán quyết buộc chính quyền bồi thường tổng cộng 273 triệu won cho gia đình các thành viên Đơn vị 684, theo tờ JoongAng Ilbo.
Đến nay, Park Chung-hee vẫn là nhân vật gây tranh cãi nhất lịch sử hiện đại Hàn Quốc. Trong 18 năm cầm quyền, ông có công lớn trong việc đưa đất nước phát triển vượt bậc, trở thành một nền kinh tế vững mạnh của thế giới. Tuy nhiên, đổi lại là một chính quyền cai trị bằng “bàn tay sắt” với những cuộc đàn áp đẫm máu. Ông Park bị chính lãnh đạo cơ quan tình báo của mình là Kim Jae-kyu ám sát vào ngày 26.10.1979.
(BTN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét