VOV.VN - Tổ chức này tuyên bố chiến dịch biểu tình của họ sẽ kéo dài cho tới khi Hiến pháp được khôi phục.
Tiếp tục chiến dịch biểu tình quần chúng đòi khôi phục chức vụ cho Tổng thống Ai Cập bị truất quyền Mohamed Morsi, ngày 29/7, Tổ chức Anh em Hồi giáo và các lực lượng ủng hộ ông Morsi, đã phát động cuộc biểu tình triệu người mới, bắt đầu từ đêm 29/7 và kéo dài hết ngày 30/7, để phản đối "cuộc đảo chính quân sự" và kêu gọi khôi phục Hiến pháp.
Một số lãnh đạo Tổ chức Anh em Hồi giáo tuyên bố, chiến dịch biểu tình là không giới hạn, có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, cho tới khi đạt được mục tiêu đề ra là khôi phục Hiến pháp và chức Tổng thống Cộng hòa cho ông Morsi.
Tổ chức Anh em Hồi giáo kêu gọi cuộc biểu tình triệu người mới (Ảnh: Press TV) |
Tại quảng trường Rebaa Eladawiya ở thành phố Nasr City, phía đông thủ đô Cairo, những người biểu tình ủng hộ ông Morsi đã dựng thêm nhiều khu lều trại mới, đồng thời gia cố hệ thống chướng ngại vật xung quanh khu vực biểu tình. Bên cạnh đó, thay vì việc vận chuyển thức ăn và đồ uống từ nơi khác đến cho những người biểu tình, những người tổ chức cuộc biểu tình ở Rebaa Eladawiya đã thiết lập các bếp ăn ngay tại đây để phục vụ người biểu tình.
Một thành viên Tổ chức Anh em Hồi giáo tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không rời khỏi đây cho tới khi sự hợp hiến được khôi phục. Sự hợp hiến đó là khôi phục chức vụ cho Tổng thống Morsi với đầy đủ quyền lực như trước ngày 30/6, đồng thời trừng phạt nghiêm khắc tất cả những kẻ đã giết hại người biểu tình kể từ 30/6 cho đến nay".
Cùng với Rebaa Eladawiya, Tổ chức Anh em Hồi giáo và các lực lượng ủng hộ ông Morsi còn tiến hành nhiều cuộc biểu tình khác tại Cairo và các thành phố của Ai Cập. Theo kế hoạch do Tổ chức Anh em Hồi giáo công bố ngày 29/7, trong ít giờ tới, người biểu tình sẽ tuần hành tới trụ sở các cơ quan an ninh Ai Cập tại tất cả các tỉnh thành để "phản đối việc cảnh sát giết hại người biểu tình".
Về phần mình, cảnh sát cùng ngày đã dùng máy bay trực thăng rải truyền đơn xuống khu vực người biểu tình ở Rebaa Eladawiya, cảnh báo người biểu tình không tới gần hay tiếp cận các cơ sở quân sự cũng như tiến hành các hành động kích động bạo lực.
Trước đó, Bộ Nội vụ Ai Cập nhiều lần cảnh báo rằng, sẽ kiên quyết nhằm trấn áp các hành động đe dọa an ninh và sự ổn định xã hội Ai Cập.
Trong một diễn biến đáng chú y khác, ngày 29/7, lực lượng an ninh Ai Cập đã bắt giữ Chủ tịch và Phó Chủ tịch đảng "Trung dung" (El Wast), để điều tra các cáo buộc kích động bạo lực, bắt cóc và tra tấn người trái pháp luật. Chủ tịch và Phó Chủ tịch đảng "Trung dung" sẽ bị tạm giữ 15 ngày để phục vụ điều tra theo lệnh của cơ quan Công tố Ai Cập.
Trên một bình diện khác, ngày 29/7, người đứng đầu cơ quan Ngoại giao của Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton đã quyết định ở lại Ai Cập thêm một ngày nữa, nhằm tiến hành thêm các cuộc gặp với chính giới và các lực lượng chính trị nước này.
Cùng ngày, trong khuôn khổ chuyến thăm liên tiếp thứ 2 tới Ai Cập chỉ trong vòng chưa đầy một tháng qua, bà Ashton đã có một loạt các cuộc gặp với Tổng thống lâm thời Ai Cập, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập, cùng một số đại diện phe ủng hộ Tổng thống bị truất quyền Mohamed Morsi.
Tại đây, bà Ashton một lần nữa kêu gọi các bên kiềm chế và chấm dứt bạo lực, bày tỏ sự sẵn sàng ủng hộ của Liên minh châu Âu đối với nhân dân Ai Cập trong việc tạo lập sự ổn định và thúc đẩy nền dân chủ.
Cùng ngày, trong khuôn khổ chuyến thăm liên tiếp thứ 2 tới Ai Cập chỉ trong vòng chưa đầy một tháng qua, bà Ashton đã có một loạt các cuộc gặp với Tổng thống lâm thời Ai Cập, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập, cùng một số đại diện phe ủng hộ Tổng thống bị truất quyền Mohamed Morsi.
Tại đây, bà Ashton một lần nữa kêu gọi các bên kiềm chế và chấm dứt bạo lực, bày tỏ sự sẵn sàng ủng hộ của Liên minh châu Âu đối với nhân dân Ai Cập trong việc tạo lập sự ổn định và thúc đẩy nền dân chủ.
Những người ủng hộ và phản đối Tổng thống bị lật đổ Morsi ném đá vào nhau ở Cairo (Ảnh: Press TV) |
Theo nhận định của giới phân tích, mặc dù chưa tuyên bố một cách chính thức, nhưng rõ ràng Liên minh châu Âu đang tìm cách thực hiện vai trò trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ai Cập. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, khả năng trung gian thành công của Liên minh châu Âu hay bất kỳ bên nào khác ngoài Ai Cập, trong cuộc khủng hoảng hiện nay là rất nhỏ.
Nhà phân tích Hasan Nafah, Giảng viên Khoa học Chính trị trường Đại học Cairo nhận định: "Đến thời điểm này có thể khẳng định rằng, cuộc khủng hoảng chỉ có thể do chính người Ai Cập tháo gỡ. Chắc chắn, chỉ có các giải pháp do các bên trung gian trong nước đưa ra mới có thể được các bên còn lại chấp nhận và thực hiện. Ngoài ra, bất kỳ giải pháp hay sự trung gian nào khác từ bên ngoài, kể cả là Mỹ hay Liên minh châu Âu, đều khó có thể mang lại kết quả. Tuy nhiên, các bên này có thể có những ảnh hưởng và tác động nhất định đối với tiến trình giải quyết khủng hoảng của Ai Cập”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét