Subic sẽ giúp lực lượng không quân và hải quân Philippines tiếp cận vùng tranh chấp trên biển Đông nhanh hơn.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, nước này có kế hoạch sẽ di chuyển lực lượng hải quân và không quân về căn cứ hải quân ở phía Bắc Manila để có thể nhanh chóng tiếp cận các vùng biển tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
Quang cảnh vịnh Subic nhìn từ trên cao (Ảnh: wikimedia) |
Ngày 28/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã lên tiếng xác nhận rằng, ngay sau khi kinh phí được thông qua, chính phủ Philippines sẽ di chuyển lực lượng hải quân và không quân về căn cứ tại vịnh Subic.
Trả lời hãng tin AP qua điện thoại, ông Gazmin nói: “Đó là để bảo vệ biển Tây Philippines (Biển Đông theo cách gọi của Philippines) của chúng tôi”.
Ông Gazmin cũng cho biết: “Hiện chúng tôi đang tìm kiếm các nguồn tài trợ”.
Vịnh Subic nguyên là một căn cứ của hải quân Mỹ nhìn ra biển Đông, được sửa chữa thành một cảng thương mại sau khi lực lượng Mỹ rút đi vào năm 1992.
Subic là một cảng nước sâu tự nhiên, có khả năng làm bến đậu cho hai tàu chiến lớn mà Mỹ giao cho Philippines gần đây. Do đó cảng Subic thuận tiện hơn nhiều so với các vùng nước nông tại tỉnh Cavite, phía nam Manila, nơi hiện đang đặt căn cứ Sangley Point của hạm đội Philippines.
Một tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Philippines cho hay, vị trí chiến lược của căn cứ Subic sẽ cho phép rút ngắn thời gian di chuyển của chiến đấu cơ để tiếp cận các vùng biển tranh chấp ở biển Đông. Thời gian có thể được rút ngắn 3 phút so với việc cất cánh từ sân bay Clark, môt căn cứ cũng ở phía Bắc Philippines.
Tài liệu mật này khẳng định, vịnh Subic sẽ cung cấp một “vị trí chiến lược” cho lực lượng vũ trang Philippines, giúp tiếp cận trực tiếp và nhanh chóng hơn tới các vùng tranh chấp trên biển Đông.
Tài liệu trên cũng cho biết, chi phí sửa chữa và nâng cấp căn cứ không quân ở Subic sẽ mất ít nhất 5,1 tỷ peso (khoảng 119 triệu USD). Việc làm này sẽ tiết kiệm hơn nhiều nếu so sánh với việc bỏ ra 11 tỷ peso (khoảng 256 triệu USD) để xây dựng một căn cứ không quân mới. Hơn nữa bản thân vịnh Subic đã có một đường băng tiêu chuẩn quốc tế và các cơ sở vật chất cần thiết.
Tài liệu này còn cho biết thêm, Philippines sẽ điều động khoảng 250 sỹ quan không quân tới Subic cùng với việc “gia tăng sự hiện diện luân phiên của các lực lượng nước ngoài” sẽ thúc đẩy kinh tế và thương mại tại cảng này.
Philippines có kế hoạch sẽ cho phép quân đội Mỹ sử dụng tạm thời các căn cứ quân sự để có những cuộc tập trận chung thường niên quy mô lớn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét