Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Không quân Ấn Độ vượt mặt Trung Quốc, đứng số 1 châu Á?

ANTĐ - Tạp chí “Học giả ngoại giao” (The Diplomat) của Nhật vừa có bài viết cho biết, trong tương lai không xa, không quân Ấn Độ sẽ vượt mặt không quân Trung Quốc để trở thành nền không quân mạnh nhất châu Á.
Tạp chí này cho biết, kế hoạch phát triển máy bay chiến đầu thế hệ thứ 5 FGFA do Ấn Độ và Nga liên hợp chế tạo do chậm tiến độ dẫn đến chi phí tăng cao làm cho Ấn Độ không hài lòng khi phải kéo dài thời gian chờ đợi chiếc máy bay đầu tiên. Tuy vậy, khi người Mỹ đề nghị Ấn Độ cùng hợp tác phát triển F35 thì nước này đã từ chối.


Tính từ khi bắt đầu đến nay đã 20 năm, kế hoạch này đã ngốn của New Dehli một ngân sách không nhỏ là 35 tỷ USD, đây có thể coi là ngân sách đầu tư lớn nhất cho 1 hạng mục vũ khí của Ấn Độ. Căn cứ vào kế hoạch ban đầu, người Ấn sẽ nhận được 3 nguyên mẫu đầu tiên lần lượt vào các năm 2014, 2017 và 2019, còn bước sang năm 2020 nó sẽ chính thức được biên chế trong lực lượng không quân Ấn Độ (hiện lùi lại năm 2022). 
Biên đội máy bay “Liên hiệp quốc” của không quân Ấn Độ

Theo tin của các phương tiện truyền thông Nga, nguyên mẫu của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 FGFA của Ấn Độ là Sukhoi T-50 đã tích hợp được tất cả những công nghệ hàng không ưu việt nhất của Nga. Các chuyên gia quân sự trên thế giới cho rằng T50 vượt trội máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35, ngang bằng, thậm chí có mặt còn vượt qua F-22 của Mỹ.
Điều đáng ngạc nhiên là người Ấn Độ dự định sẽ trang bị tới 200 chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này. Trong đó, 166 chiếc là loại 1 chỗ ngồi, còn lại 34 chiếc 2 chỗ ngồi. Hiện nay, kế hoạch này dự định sẽ điều chỉnh lại chỉ còn tổng số 144 chiếc. Ngoài ra, “Kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu hạng nhẹ” (LCA) Tejas của Ấn Độ cũng sắp sửa hoàn tất, 7 chiếc máy bay sản xuất loạt nhỏ đang đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm.

Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 FGFA hợp tác phát triển với Nga

Tại triển lãm hàng không quốc tế Bangalore tổ chức vào tháng 2 năm nay, Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã trưng bày mô hình của AMCA - máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của riêng mình theo kế hoạch “Máy bay chiến đấu hạng trung tiên tiến”. So với mô hình được công khai lần đầu tiên năm 2011, rõ ràng là người Ấn Độ đã có sự điều chỉnh về thiết kế ngoại hình khí động học.
Từ hiện tượng phát triển song song của 2 dự án FGFA và AMCA, một số chuyên gia quân sự cho rằng, có khả năng dự án riêng của Ấn Độ sẽ được dùng để thay thế cho kế hoạch hợp tác phát triển với Nga. Thế nhưng, cũng không loại trừ, Ấn Độ sẽ đồng thời phát triển cả 2 loại vì chúng có tính chất hoàn toàn khác nhau. 
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 AMCA do Ấn Độ tự sản xuất

Loại máy bay chiến đấu hạng trung thế hệ thứ 5 AMCA có trọng lượng cất cánh khoảng 19-20 tấn. Theo kế hoạch, nó sẽ tiến hành bay thử vào năm 2019 và đến năm 2025 sẽ được đưa vào trong biên chế của không quân Ấn Độ, kế hoạch sản xuất của AMCA dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 15 năm. 
Hiện tổng quân số lực lượng không quân Ấn Độ vào khoảng hơn 110.000 người, trang bị khoảng trên 1600 máy bay các loại, trong đó lực lượng máy bay ném bom và máy bay chiến đấu chủ lực là hơn 700 chiếc, được biên chế thành 45 liên đội máy bay chiến đấu không quân. Các liên đội này đã và sẽ được trang bị các loại máy bay thuộc các thương hiệu hàng đầu thế giới như: MiG-29K, Su-30MKI, FGFA của Nga, Mirage-2000 và Rafale của Pháp, Jaguar của Anh…
Máy bay tiêm kích hạm MiG-29K do Nga sản xuất

Không quân Ấn Độ được các chuyên gia quân sự trên thế giới xếp hạng thứ 4 về quy mô lực lượng và đứng thứ 5 về năng lực tác chiến. Ngoài ra, Ấn Độ còn có lực lượng không quân bảo đảm thuộc loại mạnh nhất thế giới, với các loại máy bay trinh sát và tác chiến điện tử, máy bay cảnh báo sớm Embraer EMB 145, Phalcon, IL-76 mua từ Brazil, Israel và Nga; máy bay trinh sát chống ngầm P-8I của Mỹ, IL-38SD của Nga; máy bay vận tải hạng nặng của C-17 và C-130 của Mỹ, IL-76 của Nga…

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ thứ 4 Tejas do Ấn Độ tự sản xuất


Hiện nay, không quân Ấn Độ đã đạt trình độ ngang bằng với không quân Trung Quốc. Đến giai đoạn năm 2020 - 2025, không quân nước này sẽ có một biên đội máy bay chiến đấu hùng hậu, bao gồm đầy đủ các loại từ hạng nhẹ, hạng trung cho đến hạng nặng, từ máy bay thế hệ thứ 3 cho đến thứ 5, được xây dựng theo một mô hình hợp lý, có lực lượng máy bay hiện đại, tinh nhuệ, năng lực tác chiến rất mạnh. Đến thời điểm đó, Ấn Độ đủ khả năng vượt qua Trung Quốc đứng đầu châu Á và lọt vào top 3 cường quốc không quân hàng đầu thế giới.
Nguyễn Ngọc
Theo “The Diplomat”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến