Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Trung Quốc kiểm toán khẩn cấp về nợ công

Lo ngại ngày càng lớn về tình hình nợ công của nền kinh tế thứ nhì trên thế giới khiến Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc ngày 28/7 thông báo cho mở một đợt kiểm toán “khẩn cấp” về tình hình nợ công của nước này.
Thông cáo đăng trên trang chủ của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc đề ngày hôm qua cho biết thể theo yêu cầu của Hội đồng Nhà nước, một cuộc kiểm toán sẽ được thực hiệp trên toàn quốc. Bản tin trên mạng của tờ Nhân dân Nhật báo số đề ngày 26/7/2013 cho biết thêm đây là một yêu cầu “khẩn cấp” của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc do Thủ tướng Lý Khắc Cường đứng đầu. Vẫn theo cơ quan ngôn luận chính chức của đảng Cộng sản Trung Quốc này, thì Cơ quan Kiểm toán Nhà nước phải tạm ngưng tất cả các hồ sơ đang tiến hành để tập trung nỗ lực vào công tác mới vừa được giao phó.
Tình hình nợ công của Trung Quốc đang ở mức báo động
Tình hình nợ công của Trung Quốc đang gây lo ngại vào lúc nền kinh tế nước này đang có dấu hiệu bị chựng lại. Theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, tổng nợ công của chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc tương đương với 45 % tổng sản phẩm nội địa của quốc gia này.


Nợ công của Trung Quốc đến nay không gây lo ngại do kinh tế nước này luôn đạt mức trên 8% và dựa trên các nguồn đầu tư dồi dào. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và cả bản thân chính quyền Bắc Kinh cùng ý thức được là mô hình phát triển đó bắt đầu gặp phải một số giới hạn và Trung Quốc bắt buộc chuyển hướng. Trong tương lai, kinh tế Trung Quốc phải lấy tiêu thụ nội địa làm chủ lực.
Trong khi đó, báo chí chính thức Trung Quốc ngày 26/7 thông báo, chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu các công ty thuộc 19 lĩnh vực trong đó có xi măng và thép phải giảm sản lượng, trong lúc tăng trưởng kinh tế nước này đang chậm lại.
Bộ Công nghiệp Trung Quốc đã ra lệnh cho 1.300 doanh nghiệp cho đến tháng 9/2013 phải đóng cửa các đơn vị sản xuất cũ kỹ nhất, và giảm sản lượng thừa từ nay cho đến cuối năm.
Zhang Zhiwei, nhà kinh tế của Nomura Securities nhận định: “Chính quyền quyết tâm nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và chuẩn bị cho các tác động tiêu cực. Điều này củng cố quan điểm của chúng tôi là khó thể có được một chính sách tích cực hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2013 và tăng trưởng sẽ tiếp tục yếu đi”.
Theo một thông cáo đăng trên mạng, thì Bộ Công nghiệp hôm 25/7 đã yêu cầu 527 nhà sản xuất xi măng giảm sản xuất gần 93 triệu tấn, và 24 công ty luyện kim giảm sản lượng khoảng 7 triệu tấn. Các ngành thủy tinh, đồng và giấy cũng nhận được yêu cầu tương tự.
Tuy vậy trong tuần trước Trung Quốc đã loan báo việc giảm áp lực thuế má lên các doanh nghiệp nhỏ. Đây là một trong số các biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế, được các kinh tế gia mô tả là “một kế hoạch tái thúc đẩy mini”.
Tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc (PIB) trong quý II đã chậm lại, ở mức 7,5% so với quý I là 7,7%, gây quan ngại về sự suy yếu của nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới. Một dấu hiệu đáng lo ngại khác là sản lượng của Trung Quốc trong tháng 7/2013 lại tiếp tục thụt lùi, ở mức thấp nhất kể từ 11 tháng qua.
(NLM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến