Dù nhiều người được hỏi tin tưởng Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường số 1 thế giới nhưng chỉ một nửa trong số các quốc gia tham gia cuộc khảo sát này xem Trung Quốc là môi trường thuận lợi.
Ngoài ra, chỉ 25% cho rằng Trung Quốc có tôn trọng tự do cá nhân của người dân. Trong khi đó, con số này đối với Mỹ là 95%, nhưng đó là trước khi vụ bê bối nghe lén được cựu điệp viên NSA Snowden hé lộ.
Đây là dự án tham khảo quan điểm toàn cầu do Trung tâm nghiên cứu Pew, có trụ sở tại Washinhton Mỹ thực hiện. Cuộc khảo sát được thực hiện trên 39 quốc gia diễn ra từ ngày 2/3 đến 1/5/2013, với số người được hỏi lên đến 37.653.
Dự án này được báo Hong Kong nói là công trình nghiên cứu đầu tiên để đánh giá phản ứng của người dân toàn cầu với Trung Quốc.
Bruce Stokes, giám đốc dự án của Pew nói: “Dường như tự do cá nhân là một chỉ số mạnh mẽ để đánh giá sự tốt đẹp của mỗi quốc gia và đó là điểm mà chính phủ Trung Quốc nên lưu ý”.
Quan điểm về cán cân quyền lực thế giới đã thay đổi rất nhiều sau khủng hoảng kinh tế năm 2008. Trong cuộc khảo sát của Pew, nhiều người nghĩ rằng Trung Quốc đã hoặc sớm muộn cũng trở thành siêu cường số 1 thế giới.
Thậm chí, trong số những người được hỏi ở Mỹ, gần một nửa nhận định rằng Trung Quốc sẽ thay thế họ trở thành cường quốc hàng đầu.
Tuy nhiên, quan điểm về Mỹ và Trung Quốc của người dân 2 nước đã thay đổi rất nhiều. Cách đây 2 năm, khảo sát của Pew cho thấy 51% người Mỹ nhận xét tốt về Trung Quốc trong khi đó hiện nay chỉ còn 37%.
Tương tự như vậy, cách đây 2 năm 58% người Trung Quốc đánh giá cao nước Mỹ nhưng hiện nay chỉ còn 40% nghĩ như vậy.
Trong khi đó, tờ báo Hong Kong nói Nhật Bản và Trung Quốc dường như không đánh giá cao lẫn nhau khi mà chỉ 5% người Nhật có quan điểm tích cực về Trung Quốc và con số này theo chiều ngược lại có vỏn vẹn 4%.
Xu Guoqi, chuyên gia nghiên cứu quan hệ giữa Trung Quốc với thế giới tại Đại học Hongkong nói rằng hình ảnh quốc tế của Trung Quốc đang bị thiếu định hướng, từ trong chính sách đối ngoại của mình.
Ông nói: “Những vấn đề lớn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc là thiếu tính lâu dài, ở Mỹ điều này đã xuất hiện trong các chính sách ở thế kỷ 19, 20″.
(TTVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét