Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc gần đây có bài viết cho rằng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa phát đi tín hiệu rõ ràng là tái khởi động điện hạt nhân, lập tức đã bị Chủ tịch Đảng Công minh Natsuo Yamaguchi công khai nghi ngờ.
Trong tình hình này, tại sao Chính phủ Nhật Bản kiên quyết tái khởi động hạt nhân như vậy? Câu trả lời có lẽ làm người ta “không rét mà run”.
Giấc mơ vũ khí hạt nhân nửa thế kỷ
Báo Trung Quốc cho rằng, sau sự cố hạt nhân Fukushima năm 2011, người Nhật Bản rất hoảng sợ về hạt nhân, hiện chỉ có 2 trong số trên 50 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động. Nhưng, sự hoảng sợ về hạt nhân của người dân hầu như hoàn toàn không làm lung lay quyết tâm phát triển điện hạt nhân của Nhật Bản.
Đầu tháng 7/2013, 4 công ty điện hạt nhân của Nhật Bản đã xin tái khởi động 10 lò phản ứng trong 5 nhà máy điện hạt nhân, được Thủ tướng Abe phản hồi tích cực, cho rằng sẽ nỗ lực “thúc đẩy công việc tái khởi động”.
Bóng đen thảm họa nhà máy điện hạt nhân của Công ty điện lực Tokyo vẫn còn chưa tan biến, họ lại thản nhiên bỏ nó lại đằng sau. Người dân Nhật Bản sẽ đặt lên bàn cân là: An toàn và tiền bạc, cái nào quan trọng hơn?
Nhưng, sự thực lại cho thấy, Nhật Bản phát triển điện hạt nhân hoàn toàn không đơn giản như vậy. Trước đây, có truyền thông Nhật Bản tiết lộ, vào tháng 3, Chính phủ Nhật Bản từng viết vào một báo cáo nội bộ về “khả năng tự sản xuất vũ khí hạt nhân”. Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản bàn về vũ khí hạt nhân, ở trong nước, những quan điểm kêu gọi sở hữu vũ khí hạt nhân chưa từng chấm dứt.
Từ năm 1957, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Kishi Nobusuke đã nói rõ rằng không loại trừ sở hữu vũ khí hạt nhân, đến năm 2012, Nhật Bản từ chối ký một dự thảo nghị quyết nhằm giảm vũ khí hạt nhân tại Liên hợp quốc, trong hơn nửa thế kỷ, Nhật Bản luôn có người mang giấc mộng sở hữu vũ khí hạt nhân. Có phân tích cho rằng, Nhật Bản đang mở đường cho việc ứng dụng năng lượng hạt nhân cho quân sự.
Nguyên liệu và công nghệ không thành vấn đề
Về lý do ông Shinzo Abe cấp bách tái khởi động điện hạt nhân, giáo sư Saionji Kazuteru của một trường đại học Nhật Bản cho rằng, điểm tập trung của ông Shinzo Abe chủ yếu là ở kinh tế, giai đoạn hiện nay chưa cần thiết gắn chính sách năng lượng hạt nhân của chính quyền Abe với việc phải chăng Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân.
Ông phân tích: “Không tiếp tục khởi động nhà máy điện hạt nhân, phát điện dựa vào dầu mỏ của Nhật Bản sẽ tăng lên, điều này sẽ làm tăng giá điện của Nhật Bản, sẽ tác động to lớn tới nền kinh tế Nhật Bản”.
Giáo sư Lưu Giang Vĩnh, phó viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại, Đại học Thanh Hoa Trung Quốc cũng tán thành, đồng thời phân tích thêm cho rằng, điện hạt nhân là năng lượng duy nhất có thể không phụ thuộc vào nhập khẩu, điện hạt nhân dừng hoạt động đã tác động rất lớn tới kinh tế và dân sinh của Nhật Bản. Ngoài ra, Nhật Bản muốn phát triển năng lượng sạch, thực hiện cam kết quốc tế giảm khí thải carbon cũng cần điện hạt nhân.
Không thể phủ nhận, sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân là quyền lợi của một quốc gia có chủ quyền. Nhưng, báo Trung Quốc cho rằng, có nguồn tin từng cho thấy ông Shinzo Abe sớm đã tiết lộ “thiên cơ”, cho biết, Nhật Bản có thể chế tạo vũ khí hạt nhân trong vòng 1 tuần. Điều này thực sự gây ngạc nhiên.
Có nhà hoạt động chỉ ra, chế tạo vũ khí hạt nhân ít nhất cần phải vượt qua 3 trở ngại lớn, đó là nguyên liệu chia tách hạt nhân, công nghệ chế tạo hạt nhân và cung cấp hạt nhân. Ba trở ngại này đã không thành vấn đề đối với Nhật Bản.
Lưu Giang Vĩnh cho rằng: “Nhìn vào các phương diện như cơ sở hạt nhân, công nghệ hạt nhân, nguyên liệu hạt nhân, Nhật Bản tiến hành vũ trang hạt nhân không có bất cứ trở ngại nào”. Ông cho biết, Nhật Bản hiện phát điện plutonium, sau khi nguyên liệu hạt nhân được xử lý làm giàu, có thể dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân – khả năng này ngày càng lớn.
Theo bài báo, điều cần phải nói là, rất khó loại trừ khả năng Nhật Bản thông qua phát triển điện hạt nhân để tích trữ nguyên liệu vũ khí hạt nhân. Có số liệu cho thấy, sản lượng plutonium hàng năm của 6 nhà máy hậu xử lý nguyên liệu hạt nhân của Nhật Bản có thể chiết xuất được 9 tấn plutonium cấp vũ khí, đủ để chế tạo 2.000 vũ khí hạt nhân, khả năng sản xuất này không thấp hơn Mỹ.
Theo học giả Lưu Giang Vĩnh: “Việc có chế tạo vũ khí hạt nhân hay không chủ yếu tùy thuộc vào chính sách chiến lược của Nhật Bản. Chỉ cần Nhật Bản hạ quyết tâm, có thể nói rất nhanh sẽ có thể trở thành cường quốc vũ khí hạt nhân”. Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân chỉ có một khoảng cách là chính sách.
Khi nào mở cánh cửa về chính sách?
Lữ Diệu Đông, chủ nhiệm Ban nghiên cứu ngoại giao, Phòng nghiên cứu Nhật Bản, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc dự báo về tương lai chính sách hạt nhân của Nhật Bản, cho rằng: “Trong cuộc bầu cử Thượng viện sắp tổ chức, ông Shinzo Abe có thể giành chiến thắng, trong tình hình này, chính sách năng lượng hạt nhân của Nhật Bản chắc chắn sẽ được thúc đẩy tiến lên”. Nhưng, Lữ Diệu Đông lại không dự đoán được Nhật Bản có chuyển hóa từ điện hạt nhân sang lĩnh vực khác hay không.
Lưu Giang Vĩnh cũng chỉ ra, việc trực tiếp gắn phát triển điện hạt nhân với sở hữu vũ khí hạt nhân còn phải tiếp tục quan sát, nhưng ông đồng thời nhấn mạnh: “Không nên xem thường việc Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân, Nhật Bản chẳng qua là chưa mở cánh cửa về chính sách”.
Trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên ra sức phát triển vũ khí hạt nhân, Nhật Bản ngày càng có xu hướng hữu khuynh, Saionji Kazuteru cũng cho rằng: “Không loại trừ khả năng vai trò ảnh hưởng của thế lực muốn sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ tăng lớn”.
Theo báo Trung Quốc, điều ít nhất có thể khẳng định là, Nhật Bản là nước bị hại duy nhất của vũ khí hạt nhân, Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân, bất cứ là âm thầm hay công khai, sẽ chỉ đem lại nhiều thiệt hại hơn cho bản thân.
Đối với vấn đề này, Lưu Giang Vĩnh có nhận định chủ quan cho rằng: “Chiều sâu chiến lược của Nhật Bản rất có hạn, không cần nói đến chiến tranh hạt nhân, chỉ cần nhà máy điện hạt nhân bị tấn công cũng sẽ gây ra thảm họa hạt nhân. Hiện nay, cộng đồng quốc tế đều phê phán và trừng phạt sở hữu vũ khí hạt nhân, nếu Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân, sự trừng phạt quốc tế sẽ tác động rất lớn tới sự sinh tồn của Nhật Bản trong tương lai”.
Còn theo Lữ Diệu Đông, “Nhật Bản chỉ có rút ra bài học từ Chiến tranh thế giới thứ hai, xuất phát từ lợi ích của châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân mới là cách làm sáng suốt”.
(BGD)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét