Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Tên lửa thế hệ mới của châu Âu

Thiết kế cơ bản cho tên lửa thế hệ mới của châu Âu, Ariane 6, đã được xác định sau nhiều tháng nghiên cứu kỹ lưỡng.
Vào tháng 11.2012, Hội đồng các bộ trưởng châu Âu chịu trách nhiệm về hoạt động không gian đã có cuộc hội đàm quan trọng tại Naples (Ý), qua đó khởi động quá trình chuẩn bị cho thiết bị phóng thế hệ mới Ariane 6 của châu Âu. Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) cho hay mục tiêu của dự án này là duy trì khả năng tiếp cận không gian một cách độc lập, tiến đến cạnh tranh thành công với các thiết bị phóng giá thành thấp trong tương lai.
Dự án chế tạo Ariane 6 đang được triển khai như dự kiến


Sau 7 tháng kể từ lúc Hội đồng Bộ trưởng ESA đưa ra quyết định trên, nhóm dự án của ESA, được sự hỗ trợ của CNES, giờ đây đã chọn được khái niệm thiết kế cuối cùng cho “con la thồ” sẽ đưa châu Âu đến ngưỡng không gian từ năm 2020 trở về sau. Đây là kết quả thu hoạch được từ quá trình nghiên cứu của các nhóm chuyên gia trải khắp châu lục, bao gồm Astrium, Avio, Herakles, Safran và MT
Aerospace. Theo đó, khái niệm mới được gọi là PPH, với giai đoạn đầu dùng 3 động cơ, mỗi động cơ được nạp 135 tấn chất nổ rắn, để nâng tên lửa và cái mà nó vận chuyển khỏi bệ phóng. Bộ ba động cơ này sẽ cháy trong vòng vài phút trước khi tách ra và rơi xuống. Kế đến, tầng chất rắn thứ hai sẽ được kích hoạt tiếp và nâng phần còn lại vào không gian. Và một lần nữa, tầng này sẽ tách ra khi làm xong nhiệm vụ, nhường chỗ cho tầng trên cùng là động cơ Vinci nạp nguyên liệu lỏng hoàn tất nhiệm vụ đặt vệ tinh lên quỹ đạo như dự kiến. Không giống như phần thượng của tên lửa đẩy hiện tại là Ariane 5, Vinci sẽ loại bỏ tên lửa khỏi quỹ đạo nhằm tránh thải thêm rác vũ trụ vào vùng không gian quanh trái đất. Khoang vận chuyển của Ariane 6 cũng có đường kính 5,4 m, tương tự như Ariane 5.
Châu Âu hy vọng thiết bị phóng mới sẽ được đưa vào sử dụng tại sân bay vũ trụ Kourou ở Guiana của Pháp vào đầu thập niên tới. Yêu cầu bắt buộc đối với Ariane 6 là có khả năng vận chuyển khối lượng từ 3 đến 6,5 tấn lên quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh của Trái đất, nơi đặt các vệ tinh viễn thông, thấp hơn so với mức 11,5 tấn của Ariane 5.
Tuy nhiên, tên lửa mới sẽ chỉ phóng được 1 phi thuyền mỗi lần, chứ không phải 2 như Ariane 5. Tất cả những sự cắt giảm như trên là nhằm giảm chi phí chế tạo và giá thành hoạt động để nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời gian tới. “Chúng tôi muốn đơn giản hóa thiết kế và công đoạn sản xuất, vì đây là cách để giảm chi phí”, theo phân tích của Antonio Fabrizi, Giám đốc chương trình tên lửa phóng của ESA. Mục tiêu là gói gọn công đoạn sản xuất lẫn phóng trong mức 70 triệu euro, theo BBC News. Với mức giá này, dự kiến mỗi năm ESA có thể thu hoạch được từ 9 đến 15 hợp đồng mỗi năm.
Trong quá trình chờ phát triển Ariane 6, châu Âu vẫn tiếp tục dựa vào Ariane 5 cho các sứ mệnh từ nay đến năm 2020. Được giới thiệu vào năm 1996, sau vài trục trặc ban đầu, Ariane 5 đã trở thành phương tiện chủ lực để châu Âu đưa các vệ tinh viễn thông thương mại lên quỹ đạo. Bên cạnh đó, tên lửa này còn vận chuyển được tàu vận tải không người lái lớn nhất hiện nay là ATV cho Trạm không gian quốc tế. Và vào năm 2018, dự kiến Ariane 5 sẽ đảm trách sứ mệnh phóng viễn vọng kính không gian James Webb, thiết bị kế thừa Hubble trị giá đến 8 tỉ euro. Hiện ESA đã chọn được bệ phóng mới cho Ariane 6. Khi chính thức bước vào hoạt động, tên lửa mới sẽ thay thế cả Ariane 5 và thiết bị phóng Soyuz của Nga, cũng đang nằm ở Guiana của Pháp.
(BTN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến