Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

“Triển vọng của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đầy hứa hẹn”

“Triển vọng của quan hệ hai nước trong thời kỳ mới đầy xán lạn và hứa hẹn. Tầm nhìn mới trong quan hệ kinh tế, thương mại đang mở ra những thời cơ, thuận lợi hơn’, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh tại buổi tiệc do Hội đồng kinh doanh, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức.


Chủ tịch nước Trương Tân Sang nhấn mạnh, Đoàn đại biểu Việt Nam và cá nhân Chủ tịch nước chân thành cảm ơn Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, đã tổ chức bữa tiệc để chào mừng Đoàn đại biểu Việt Nam, mang đến cho Đoàn đại biểu Việt Nam tình cảm hữu nghị, nồng ấm. “Chúng tôi luôn trân trọng sự đóng góp và vai trò tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, trong sự phát triển đáng tự hào của quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ nói chung và giao lưu kinh tế, thương mại nói riêng”, Chủ tịch nước nói.
Nhìn lại sự kiện hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 18 năm, Chủ tịch nước cho rằng, đã mở ra giai đoạn phát triển mối bang giao Việt Nam – Hoa Kỳ. Hợp tác song phương đã phát triển nhanh chóng trên các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, đến khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, nhân đạo, giao lưu nhân dân và trên các tầng nấc: tiểu vùng, khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trở thành nền tảng và động lực của quan hệ, với những khuôn khổ như Hiệp định Thương mại song phương, Hiệp định kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO với kim ngạch thương mại song phương tăng gấp 54 lần trong 18 năm qua, Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu, và là nhà đầu tư lớn thứ 7 tại Việt Nam.
 
“Triển vọng của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đầy hứa hẹn”
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Bộ trưởng Thương mại Mỹ, bà Penny Pritzker đến chào sáng 24/7/2013. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN
“Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp nhiều người dân Hoa Kỳ sử dụng rộng rãi các sản phẩm giày dép, quần áo được sản xuất tại Việt Nam của các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Converse, Levis hay các món ăn chế biến từ hải sản chất lượng cao của Việt Nam như tôm, cá tra, basa... Ngày càng có nhiều thương hiệu của Hoa Kỳ thâm nhập thị trường Việt Nam và được ưa chuộng như nước giải khát của Cocacola, Pepsi và các sản phẩm công nghệ cao của Apple hay ôtô của hãng Ford... Nhiều công ty Hoa Kỳ đang đầu tư, kinh doanh lâu dài và ổn định tại Việt Nam như Intel, Microsoft, GE, Exxon Mobil, Cargill...”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch nước, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, cục diện chính trị - kinh tế thế giới chuyển biến nhanh chóng, sâu sắc với nhiều diễn biến mang tính bước ngoặt, phản ánh xu thế đa tầng nấc. Mặc dù kinh tế thế giới phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro và cạnh tranh trở nên gay gắt, song hợp tác, liên kết kinh tế vẫn là xu thế chủ đạo, các thỏa thuận khu vực thương mại tự do thế hệ mới (FTA) tiếp tục được thúc đẩy.
Trong cục diện đó, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định sự năng động và vai trò đầu tầu trong tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới, đóng góp gần 40% tăng trưởng toàn cầu. Các cơ chế liên kết kinh tế hiện có ở khu vực tiếp tục được củng cố và đi vào chiều sâu, đồng thời đang hình thành nhiều tầng nấc mới với nội hàm liên kết sâu rộng và mức độ cam kết cao. Các đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Khu vực thương mại tự do Đông Bắc Á… tạo nên những xung lực đầy tiềm năng cho thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng của từng quốc gia và cả khu vực.
ASEAN tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng các cấu trúc khu vực và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 sẽ mở ra thời kỳ phát triển hoàn toàn mới. Với thị trường chung trên 600 triệu dân, không gian kinh tế thống nhất với tổng GDP khoảng 2,1 nghìn tỷ USD, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao, ASEAN sẽ trở thành một tâm điểm trong mạng lưới kinh tế - thương mại và liên kết ở Châu Á – Thái Bình Dương. Đến khoảng 2020, việc hoàn tất các cam kết của các Hiệp định tự do thương mại ASEAN với các đối tác và hình thành Khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện khu vực sẽ tạo ra thực thể đại diện hơn 45% dân số thế giới và đóng góp khoảng 1/3 tổng GDP toàn cầu. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra một sức bật mới cho tăng trưởng và phát triển của khu vực và thế giới.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực và quyết liệt triển khai nhiều biện pháp ứng phó với các thách thức do những bất ổn của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là sự suy giảm tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế hàng đầu. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, Việt Nam đang đứng trước nhiều tiềm năng phát triển to lớn trong thời kỳ mới.
Trước hết, những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới trong gần 30 năm qua đã tạo nên những nền tảng rất cơ bản để Việt Nam tiếp tục phát triển và tăng trưởng bền vững. Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, đạt và vượt nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
Thứ hai, Việt Nam đang tiếp tục đổi mới sâu sắc, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những nỗ lực này sẽ mang lại diện mạo mới cho nền kinh tế và là động lực cho phát triển của Việt Nam.
Thứ ba, hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi tầng nấc, đang và sẽ tạo nên sự năng động hoàn toàn mới của Việt Nam. Với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, Việt Nam không chỉ trở thành một hạt nhân tích cực trong trung tâm phát triển kinh tế đầy tiềm năng này, mà còn là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo trong không gian kinh tế thống nhất.
Năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam tiến hành đồng thời các đàm phán về khu vực thương mại tự do với tất cả các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới, tạo các nền tảng lợi ích cho quan hệ đối tác bình đẳng, dài hạn, mang tính xây dựng và cùng có lợi. Với triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do FTA giai đoạn 2015 - 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20.
Việt Nam hết sức coi trọng tiến trình đàm phán TPP, một trong những liên kết kinh tế tiềm năng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với nội dung hợp tác sâu rộng và tiêu chí cao. Việt Nam quyết tâm cùng Hoa Kỳ và các nước thành viên kết thúc đàm phán TPP vào cuối năm nay dựa trên sự cân bằng lợi ích của các nước thành viên và tính đến sự đa dạng trong trình độ phát triển của mỗi nước. Là thành viên của hầu hết các cơ chế hợp tác, liên kết then chốt ở khu vực, đó là Cộng đồng ASEAN, APEC, TPP, Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…, Việt Nam hoan nghênh và trông đợi tiềm năng mở rộng và gắn kết của các khuôn khổ này để hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do năng động của toàn Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
Đây là những nền tảng căn bản để Việt Nam liên kết khu vực, hội nhập kinh tế quốc tế trên tầm cao mới và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra những cơ hội mới, to lớn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam.
Triển vọng của quan hệ hai nước trong thời kỳ mới đầy xán lạn và hứa hẹn. Tầm nhìn mới trong quan hệ kinh tế, thương mại đang mở ra những thời cơ, thuận lợi hơn. Thậm chí, các thách thức, cho dù là khách quan hay chủ quan, càng thúc đẩy chúng ta phối hợp hành động, hợp tác để cùng hóa giải, biến thành động lực phát triển quan hệ.
Các bạn hãy chọn Việt Nam, mở rộng hơn nữa kinh doanh và đầu tư lâu dài tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, chế tạo, môi trường, công nghệ thông tin, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực..., góp phần đưa Việt Nam tham gia vào những công đoạn cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.
“Tôi xin khẳng định, cùng với quyết tâm đổi mới sâu sắc và hội nhập quốc tế toàn diện, chúng tôi sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp để bảo đảm Việt Nam tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn cho các bạn kinh doanh, đầu tư hiệu quả. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, các khuôn khổ pháp lý, chính sách… để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch. Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi.
Các bạn hãy vững tin và đồng hành cùng Việt Nam, vì lợi ích chung của chúng ta và quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, vì một Cộng đồng ASEAN lớn mạnh, tự cường, và vì một châu Á – Thái Bình Dương thịnh vượng, ngày càng gắn kết.”, Chủ tịch nước kết lại bài phát biểu.
PV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến