Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Trung Quốc bất ngờ đồng ý đàm phán COC: Bao giờ cho đến tháng 9 và…?

Việc Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario công khai bác bỏ quan điểm của Trung Quốc đòi đàm phán tay đôi giải quyết tranh chấp Biển Đông khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại cuộc họp hôm 30/6 tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 46 (AMM-46) cho thấy, Manila quyết “ăn thua” với Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp biển đảo.


Ngoài ra, Philippines cũng coi việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC là điều kiện để ngăn chặn tranh chấp leo thang thành xung đột trong khi COC chưa được ký kết. Bởi Biển Đông tuy đã được đưa vào Tuyên bố chung tại AMM-46, nhưng để khởi động đàm phán cấp SOM về COC là một vấn đề hoàn toàn khác.

Không để “mất bò mới lo làm chuồng”Trước cáo buộc của Bắc Kinh rằng, Manila đang tìm cách quốc tế hóa các tranh chấp lãnh thổ, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ, rộng lớn hơn giữa ASEAN và Mỹ trong việc đảm bảo an ninh hàng hải khu vực. Ngày 2/7, tại Diễn đàn khu vực ASEAN, ông Albert del Rosario nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như việc ASEAN và Trung Quốc cần nỗ lực làm việc hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) để quản lý những vùng biển tranh chấp.

Ngoại trưởng Philippines khẳng định, việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC là cần thiết để ngăn chặn tranh chấp leo thang thành xung đột trong khi COC chưa được ký kết, đồng thời giải thích quyết định kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.

Trước đó (30/6), ông Albert del Rosario cáo buộc Trung Quốc xây dựng quân sự quy mô lớn trên Biển Đông và Philippines quan ngại sâu sắc về vấn đề này. Ngoại trưởng Philippines coi sự hiện diện của tàu quân sự và bán quân sự của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham và Bãi Cỏ Mây là mối đe dọa đến việc duy trì hòa bình và ổn định hàng hải ở khu vực, đồng thời vi phạm DOC.


 
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và người đồng cấp Mỹ John Kerry


Cũng trong ngày 2/7, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết, ông hài lòng với đề xuất của Bộ Quốc phòng về việc cho phép Mỹ, Nhật Bản truy cập và sử dụng các căn cứ quân sự của nước này. Đồng thời giải thích rằng, quyền truy cập các căn cứ quân sự không có nghĩa Mỹ, Nhật Bản sẽ phái lực lượng thường trú tại Philippines.

Trước đó (1/7), ông Benigno Aquino tuyên bố, sẽ hiện đại hóa lực lượng Không quân Philippines (PAF) với việc mua lại các chiến đấu cơ, radar phòng không và các thiết bị quân sự khác trong 3 năm tới. Không những tán thành kế hoạch mở căn cứ hải quân và không quân với Mỹ và Nhật Bản, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro còn kêu gọi Manila cho phép các quốc gia ASEAN và Australia tiếp cận căn cứ của nước này. Theo Nghị sĩ Giorgidi Aggabao, Trung Quốc sẽ không khởi động một cuộc tấn công nhằm vào Philippines và Bắc Kinh chỉ dọa mồm chứ không dám gây chiến ở Biển Đông cho dù căng thẳng đang leo thang xung quanh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa 2 nước.

Mấy năm lại đây Biển Đông liên tục “nổi sóng” vì những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, trong đó đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines là căng thẳng nhất và nóng bỏng nhất. Giới quân sự cho rằng, vì địa điểm diễn tập Carat-2013 rất gần Scarborough/Hoàng Nham nên trong tương lai quân đội Philippines và Mỹ đều có thể đưa quân áp sát bãi cạn này. Mặc dù Philippines ra sức phủ nhận cuộc diễn tập Carat-2013 giữa Mỹ - Philippines có liên quan tới Scarborough/Hoàng Nham (từ 29/6 đến 2/7), nhưng lại hài lòng khi cộng đồng quốc tế gắn nó với bãi cạn này.

Lùi một bước để “lấy trọn Biển Đông”

Dư luận khá ngạc nhiên trước việc Trung Quốc bất ngờ đồng ý đàm phán COC trong tháng 9 bởi theo giới chuyên môn, đây có thể là động thái nhằm ngăn chặn việc Mỹ xoay trục về Châu Á - Thái Bình Dương. Khoảng 1 năm trước, Trung Quốc tìm mọi cách né tránh vấn đề này tại các cuộc họp với ASEAN với tuyên bố: chỉ bắt đầu đàm phán COC “khi điều kiện chín muồi”. Tuy nhiên, giới bình luận cũng cảnh báo, tuy Trung Quốc đã chấp nhận tham vấn và đàm phán COC, nhưng thỏa thuận ràng buộc này vẫn còn là một viễn cảnh xa xôi khi Bắc Kinh tỏ ra không vội vàng để hạn chế tầm ảnh hưởng và hoạt động của hải quân ở Biển Đông. Điều này cho thấy, không có khả năng cho một tiến bộ thực sự đối với tiến trình đàm phán và ký COC.

Giới chuyên môn coi tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị giống như việc làm mới một câu chuyện cũ để tránh bị quốc tế chỉ trích khi không có tiến triển trong đàm phán COC, cũng như làm dịu “khẩu chiến” đang căng thẳng với Philippines. Bởi theo ông Vương Nghị, để khởi động tham vấn COC, ASEAN phải chấp thuận việc thành lập Nhóm nhân sĩ ASEAN - Trung Quốc (EPG) như là tiền đề của đàm phán. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc chỉ chấp thuận thảo luận COC ở cấp vụ trưởng bên lề Nhóm thảo luận về triển khai DOC.

Về đề xuất thành lập EPG, Giáo sư Thayer cho biết, Trung Quốc từng đề xuất thành lập nhóm gồm “20 thành viên với 10 từ Trung Quốc và mỗi nước ASEAN một người”. Nhưng theo ông Thayer, đến nay thành phần của EPG hay quyền hạn của nhóm này vẫn chưa được xác định.

Hiện một số nước ASEAN chỉ muốn tham vấn EPG trên một số vấn đề nhất định, trong khi Trung Quốc muốn EPG thảo luận các khía cạnh của COC. Và điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể gây khó dễ tại các cấp không chính thức và lợi dụng việc thiếu đồng thuận để trì hoãn tiến độ của các nhóm đàm phán chính thức.

Theo Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc chỉ lặp lại những gì quan chức Bắc Kinh từng nói tại tham vấn ASEAN - Trung Quốc hồi tháng 4 và đó không phải là cơ chế chính thức để thảo luận COC. Tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng, mọi người đã kỳ vọng quá đối với đề nghị mới nhất về COC của Trung Quốc. Tiến sĩ Ian Storey và Giáo sư Carl Thayer đều cho rằng, Trung Quốc không bao giờ tự ràng buộc vào một bộ quy tắc sẽ hạn chế hành động của chính họ ở Biển Đông. Do đó, Bắc Kinh sẽ kéo dài đàm phán càng lâu càng tốt để khiến thỏa thuận cuối cùng về COC không có tác dụng thật sự.

Theo Tiến sĩ Ian Storey, EPG chỉ là một cơ chế để làm chậm mọi quá trình khác. Bắc Kinh vẫn coi tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề song phương, không thể trở thành đa phương. Có một số học giả thậm chí còn cho rằng, cho dù Trung Quốc chấp nhận thương đàm và ký COC, nhưng điều này không có nghĩa vấn đề tranh chấp Biển Đông được giải quyết bởi còn quá nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Trung - Mỹ với “quan hệ nước lớn kiểu mới”

Theo Tân Hoa xã, ngày 1/7, tại Brunei, Ngoại trưởng Vương Nghị đã hội kiến với Ngoại trưởng John Kerry và cho rằng, Trung - Mỹ cần phải thực hiện tích cực và toàn diện nhận thức chung đã đạt được giữa nguyên thủ hai nước hồi đầu tháng 6, cùng nỗ lực kiến tạo quan hệ nước lớn kiểu mới, mở ra trang mới “hợp tác xuyên Thái Bình Dương” giữa Trung Quốc và Mỹ. Sau khi đề cập lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, ông Vương Nghị cho rằng, Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ.

Theo ông Vương Nghị Trung - Mỹ cần bổ sung lợi thế cho nhau, phát huy vai trò của mỗi bên, triển khai hợp tác toàn diện. Còn ông John Kerry đánh giá quan hệ Mỹ -Trung chỉ có thể tiến về phía trước chứ không thể tụt lùi và hai nước còn có thể hợp tác tốt hơn trong rất nhiều vấn đề toàn cầu.

 
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow

Nhưng khi phát biểu trước các quan chức ASEAN và những nước đối tác, ông John Kerry hy vọng, COC cuối cùng sẽ được đàm phán và thực thi để góp phần đảm bảo sự ổn định tại Biển Đông. Ngoại trưởng John Kerry còn nói, Mỹ không phê phán Trung Quốc nhưng cho rằng, Bắc Kinh có thái độ tiêu cực trong việc xây dựng COC. Trong khi Mỹ quan tâm và muốn tăng cường vai trò trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, nhưng Trung Quốc lại không cần đến “vai trò trung gian” của Mỹ.

Giới bình luận nhận định, sự xuất hiện của Ngoại trưởng John Kerry ở Brunei là bằng chứng cho thấy, Washington thực sự đặt trọng tâm vào châu Á vì lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngày 3/7, tờ Phượng Hoàng (Hongkong) đăng bài phân tích “Mỹ gây rối ở châu Á, Trung Quốc cần sẵn sàng lấy chiến tranh đáp trả chiến tranh”.

Theo Giáo sư Hàn Húc Đông thuộc Học viện Nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc phòng Trung Quốc, nhìn bề ngoài tưởng là quân đội Mỹ đã cách xa Trung Quốc hơn, nhưng sức ép đối với Bắc Kinh lại ngày càng kín đáo, trên thực tế mang đầy tính uy hiếp. Một số nhà phân tích cho rằng, chiến lược tái cân bằng Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đang ở trong giai đoạn phát triển then chốt. Washington cho rằng, đồng minh của Mỹ tại Châu A - Thái Bình Dương chia thành 3 nhóm: thứ nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, thứ hai là Austrailia, Thái Lan, Philippines và thứ ba là Ấn Độ, New Zealand. Mỹ muốn có sự hợp tác chặt chẽ về quân sự với đồng minh, cũng như nâng cao khả năng cống hiến của họ đối với an ninh trong khu vực.

ASEAN - Trung Quốc - Nhật Bản

Ngày 3/7, tờ The Nation (Thái Lan) có bài phân tích về vai trò của Thái Lan trong việc tìm kiếm giải pháp cho những bế tắc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhằm tránh một “thảm họa ngoại giao”. Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow nhận định, ASEAN không thể phát triển và lớn mạnh nếu như không giải quyết được vấn đề Biển Đông.

Trước đó (30/6), phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Vương Nghị, Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul cho rằng, quan hệ ASEAN - Trung Quốc rất mạnh mẽ và đó là “trụ cột nền tảng cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực”. Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid phản đối sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông, đồng thời mong muốn các bên tranh chấp tuân thủ DOC và hợp tác giải quyết hòa bình tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.

Cũng trong ngày 3/7, Hãng Kyodo cho biết, sau khi nhận được tin về động thái mới nhất, Nhật Bản đã phản đối Trung Quốc thăm dò mỏ khí đốt có thể trải dài đến khu vực đáy biển ở vùng biển tranh chấp trên biển Hoa Đông. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh, Tokyo đã chuyển những quan ngại đến Trung Quốc và nếu Bắc Kinh đơn phương phát triển các mỏ khí đốt ở những vùng biển mà Nhật Bản và Trung Quốc tuyên bố chống lấn thì điều đó không thể chấp nhận được.

Đài Truyền hình Fuji (Nhật Bản) dẫn các nguồn tin cho biết, Trung Quốc đang lắp các thiết bị thăm dò dầu khí mới ở biển Hoa Đông và địa điểm được xác định là nằm sát đường trung tuyến chia đôi bờ biển hai nước và cách mỏ khí tự nhiên Kashi/Thiên Ngoại Thiên khoảng 30km về phía đông bắc. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, Tokyo đang thu thập thông tin và từ chối bình luận vào thời điểm hiện tại xung quanh chủ đề nhạy cảm này.

Ngày 3/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) cho biết, Bắc Kinh luôn chủ trương giải quyết thỏa đáng tranh chấp với Tokyo liên quan đến biển Hoa Đông thông qua đối thoại và đàm phán, nhưng lại không chấp nhận những phản đối của Nhật Bản về những lo ngại liên quan đến việc xây dựng dàn khoan dầu khí của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Trước đó (30/6), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bác yêu cầu của Trung Quốc khi đặt điều kiện tổ chức hội đàm cấp cao Trung - Nhật. Ông Shinzo Abe cho biết, Trung Quốc đã thông báo với Nhật Bản: nếu Tokyo không chấp nhận một số điều kiện liên quan đến Senkaku/Điếu Ngư, Bắc Kinh sẽ không đồng ý tổ chức hội đám cấp cao song phương.

Biển Hoa Đông suýt xảy ra sự cố sau khi Nghị sĩ Kenji Yamada thuộc đảng cầm quyền LDP ở Nhật Bản có mặt trên một trong 4 tàu cá đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 1/7. Khi đó, Nghị sĩ Kenji Yamada tham gia chuyến ra khơi bắt cá và 4 tàu hải giám Trung Quốc xuất hiện chỉ cách đoàn tàu cá khoảng 1 km. Chỉ cần một tính toán sai lầm có thể dẫn đến xung đột. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, 4 tàu kể trên đã đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngày 1/7, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo với chính quyền Okinawa về việc Mỹ sẽ triển khai thêm phi cơ vận tải Osprey tới căn cứ không quân Futenma. Theo đó, 12 máy bay Osprey nữa sẽ được triển khai Futenma của thủy quân lục chiến Mỹ vào đầu tháng 8. Osprey là loại máy bay đa năng có thể cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng như trực thăng và bay như máy bay chiến đấu thông thường, là niềm tự hào của không quân Mỹ và sự gia tăng này khiến Bắc Kinh quan ngại.

Ngày 2/7, Tân Hoa xã cho rằng, việc thống kê số lượng tàu chiến chủ lực nghỉ hưu và biên chế của Hải quân Trung Quốc giai đoạn 2010-2013 cho thấy, việc đổi mới tàu chiến của hải quân nước này có xu thế tăng cao.

Từ 2010 đến 2013, ngoài tàu sân bay Liêu Ninh trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, tổng cộng có 19 tàu chiến chủ lực được triển khai ở 3 hạm đội, trong đó có 9 chiếc được biên chế về Hạm đội Nam Hải và Nam Hải cũng là hạm đội duy nhất trang bị tàu đổ bộ cỡ lớn (3 chiếc). Điều này cho thấy, đối với Trung Quốc, vị trí chiến lược của Biển Đông là quan trọng nhất.


Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh/Petrotimes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến