Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Trung Quốc: Trung thực bị coi là ngu ngốc

Từ kinh nghiệm 30 năm công tác tại nhiều nước khác nhau trên thế giới, một giáo sư người Mỹ phải thừa nhận rằng nạn đạo văn diễn ra phổ biến ở Trung Quốc nhiều hơn ở Mỹ hay châu Âu.
Vụ đạo văn trắng trợn nhất lịch sử… và còn hơn thế nữa


Ngày12/5/2010, blogger Xiao Xiao công bố trên diễn đàn Internet Tianya một tin gây sốc với tựa đề: “Vụ đạo văn trắng trợn nhất lịch sử!”, trong đó đề cập tới hai luận văn thạc sĩ giống hệt nhau mà cô phát hiện ra.
Luận văn năm 2007 “Nghiên cứu sự phối hợp giữa lương thực, năng lượng, môi trường, kinh tế và dân số (FEEEP) tại tỉnh Sơn Đông” của Yuan Xin thuộc trường Đại học Tài chính và Kinh tế Đông Bắc giống y đúc với luận văn năm 2006 “Nghiên cứu sự phối hợp FEEEP ở tỉnh Giang Tô” của Đại học Kinh tế tài chính Nam Kinh. Sự khác biệt duy nhất chỉ là tên gọi của các tỉnh!
Tiết lộ trên buộc Đại học Tài chính và Kinh tế Đông Bắc phải tiến hành điều tra luận văn của Yuan Xin và cuối cùng xác nhận anh này đã đạo văn. Theo Nhật báo Jinghua, ngày 27/5/2010 Ủy ban cấp bằng của trường đã quyết định thu hồi bằng thạc sỹ của Yuan và rút lại chứng nhận tốt nghiệp.
Đạo văn đã trở thành vấn đề nghiêm trọng trong các trường đại học Trung Quốc. (Ảnh minh họa)
Ngay sau đó, tờ Thanh niên của Trung Quốc lại cho đăng tải một bài viết với tựa đề “Thậm chí còn trắng trợn hơn vụ đạo văn trắng trợn nhất lịch sử!”. Trong vụ này, luận văn năm 2004 về “Giám sát các lĩnh vực tài chính và kinh tế trên hệ thống truyền thông” của Hu Chunlin, Đại học Sư phạm Hoa Trung (CCNU) giống hệt với luận văn cùng tên năm 2003.
“Ngoại trừ phần cảm ơn, hai luận văn này có tựa đề y hệt nhau; tóm tắt tiếng Anh, tiếng Trung, từ khóa, nội dung, ghi chú và tham khảo giống nhau như đúc”, tờ Thanh niên cho biết. Hu Chulin sau đó phải thừa nhận mình đạo văn và đã bị thu hồi bằng thạc sỹ.
Trung Quốc mất mặt vì đạo văn
Nạn đạo văn tràn lan đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và chất lượng giáo dục của Trung Quốc. Tháng 7/2010, trường Cao đẳng Centenary ở New Jersey, Mỹ đã quyết định đóng cửa toàn bộ các trường kinh tế vệ tinh của mình ở cả Trung Quốc và Đài Loan sau khi phát hiện nạn đạo văn diễn ra phổ biến trong giới sinh viên ở đây. Sau một cuộc điều tra của Ủy ban kiểm định Giáo dục đại học, trường này đã giữ lại văn bằng của tất cả 400 sinh viên nói tiếng Trung tham gia vào các chương trình đào tạo Quản trị Kinh doanh tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Đài Bắc.
Stephen Stearns, giáo sư sinh thái học và sinh học tiến hóa của Đại học Yale (Mỹ), người trực tiếp chứng kiến ​​“nạn dịch” này trong thời gian giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh năm 2007 phải thốt lên: “Từ kinh nghiệm 30 năm là giáo sư tại Mỹ, Thụy Sĩ và Trung Quốc, tôi có thể nói rằng nạn đạo văn diễn ra phổ biến ở Trung Quốc nhiều hơn ở Mỹ hay châu Âu”.
Cùng quan điểm với Stephen, Jing Li – Trợ lý giám đốc Chương trình “Kinh nghiệm Nghiên cứu quốc tế ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” của Trường Giáo dục Rossier, Đại học Nam California (Mỹ) thừa nhận rằng bà đã chứng kiến ​​nạn đạo văn từ khi còn là một sinh viên đại học ở Trung Quốc.
“Hành vi này diễn ra rất phổ biến trong giới sinh viên của chúng tôi. Họ thậm chí còn cắt bỏ toàn bộ các bài báo trên các tạp chí khoa học để không bị phát hiện vì nếu họ làm như vậy, bạn không thể tìm thấy chúng, bạn chỉ thấy một số bài viết khác”, Li nhớ lại. “Vào thời điểm đó, chúng tôi chưa biết tới khái niệm đạo văn – nhưng bây giờ nhìn lại, tôi nhận ra nó là một biểu hiện của đạo văn”.
Giáo sư Stephen Stearns, Đại học Yale, Mỹ buộc phải lên tiếng về nạn đạo văn tại Trung Quốc năm 2007
Già, về hưu mới trung thực
Giống như gian lận trong thi cử, đạo văn cũng rất “phát triển” tại Trung Quốc. Theo tờ Epoch Times, năm 2010, mỗi luận văn thạc sỹ đã có giá 5.000 Nhân dân tệ (750 USD) và luận án tiến sỹ là 20.000 NDT (3.000 USD).
Những kẻ “đánh thuê” (hired guns) luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu viết luận văn hay luận án cho bất cứ ai có nhu cầu. “Khách hàng” chỉ cần cung cấp số điện thoại, mức giá thương lượng, trả trước một phần để nhận bản nháp và gửi yêu cầu chỉnh sửa trong vòng 7 ngày. Sau đó mọi việc coi như xong.
Tại sao nạn đạo văn lại “trăm hoa đua nở” như thế ở Trung Quốc?
Cũng như gian lận trong thi cử, đạo văn giờ không còn bị coi là việc đáng hổ thẹn. Thật bất ngờ khi ở một đất nước đã từng sinh ra một nhà tư tưởng vĩ đại như Khổng Tử thì ngày ngay, nếu một sinh viên bị bắt gặp gian lận, đạo văn, họ lại cho đó là điều “không công bằng” hoặc là do họ “không may mắn” nên mới bị bắt quả tang.
Một nghiên cứu của Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân cho thấy 75% sinh viên được khảo sát cho rằng gian lận “không phải là một vấn đề lớn” hoặc là điều “có thể hiểu được”, chỉ có 25% nghĩ rằng đó là hành động sai trái.
Tình hình cũng tương tự với những người sắp và đang làm việc trong môi trường khoa học.
Fang Shi-min, người sáng lập trang web “New Threads” chuyên thống kê các thông tin về gian lận khoa học ở Trung Quốc lý giải nguyên nhân từ góc độ đạo đức: “Trung thực không những không được thừa nhận mà còn bị coi là ngu ngốc. Tại Trung Quốc, tinh thần khoa học có thể vẫn tồn tại ở thế hệ các nhà khoa học lớn tuổi và đã nghỉ hưu nhưng phần lớn đã biến mất trong thế hệ trẻ ranh mãnh sau này”.
(TTVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến