Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Các nước làm gì trước Trung Quốc hung hăng?


Việc Trung Quốc đưa 30 tàu cá lớn ập đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam diễn ra sau khi cường quốc Châu Á này vừa có một cuộc xâm nhập táo tợn vào sâu trong lãnh thổ Ấn Độ 19km và huy động hàng loạt tàu thuyền, máy bay đến uy hiếp Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Những diễn biến liên tiếp này lại một lần nữa cho thấy sự hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc. Một số nhà phân tích tin rằng, Châu Á cần phải có một kế hoạch để kiềm chế sự lấn lướt kiểu như thế này của Bắc Kinh.

 Ảnh minh họa
 

Sau khi chuyển từ chính sách “nổi lên một cách hòa bình” sang phương pháp tiếp cận phô trương sức mạnh, Bắc Kinh bắt đầu mở rộng “lợi ích then chốt” và cho thấy họ sẵn sàng chấp nhận nguy cơ. Điều đó được thể hiện qua việc nước này không ngại liên tiếp “tung” ra các hành động hiếu chiến ở mọi hướng. Trung Quốc đưa quân xâm nhập bất hợp pháp và ngang nhiên cắm trại ở khu vực nằm sâu trong vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát 19km. Cùng với đó, ở hướng khác, Trung Quốc đưa một đội tàu lớn chưa từng có cùng hàng loạt máy bay quân sự, trong đó chủ yếu là chiến đấu cơ, đến thách thức Nhật Bản ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.


Tiếp tục ở “mặt trận” khác nữa, Trung Quốc ngang nhiên đẩy mạnh các hoạt động tuần tra ngang ngược ở những khu vực tranh chấp thuộc Biển Đông, biển Hoa Đông nhằm tìm cách xác lập chủ quyền của họ ở đó. Rõ ràng, Trung Quốc đang cùng lúc lấn chiếm các vùng biển đồng thời ngấm ngầm mở rộng dấu chân ở khu vực biên giới Himalaya. Trong khi Hải quân và một phần Không quân Trung Quốc tập trung vào việc tranh giành chủ quyền với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông thì Lục quân Trung Quốc tích cực nhấn dần từng bước vào vùng Himalayas.

Bắc Kinh đang áp dụng một loạt chiêu thức mới để thay đổi đường biên giới thực tế hay còn gọi là Đường Kiểm soát Thực tế theo cách dần từng bước một mà không cần phải tốn một viên đạn. Ví dụ, quân đội Trung Quốc đưa người chăn nuôi cừu gốc Hán đến khu vực biên giới và để họ hoạt động rộng khắp trên đường biên giới đó. Sử dụng những người chăn cừu ở tuyến trên và quân đội hỗ trợ ở phía sau là cách để Trung Quốc đuổi những người chăn nuôi bản xứ ra khỏi vùng đồng cỏ truyền thống của họ rồi dần xác lập quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với những vùng đất đó.

Cách phá vỡ sự nguyên trạng kiểu đó không khác gì như cách thức mà Trung Quốc đang tiến hành ở Biển Đông và biển Hoa Đông hiện nay. Ở hai vùng biển này, Trung Quốc cũng thường xuyên đưa tàu thuyền, máy bay ra vào các vùng tranh chấp để dần cho mọi người thấy rằng họ đang nắm quyền kiểm soát trên thực tế những khu vực đó.

Cách thức tiếp cận trên cùng với việc Trung Quốc mở rộng chưa từng có “lợi ích then chốt” của nước này đã trở thành nguồn gốc gây ra sự bất ổn ở khu vực Châu Á. Bắc Kinh cũng vừa thêm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào danh sách “các lợi ích then chốt” của họ.

Đối phó với thách thức từ Trung Quốc

Những hành động của Trung Quốc trong thời gian gần đây rõ ràng đã đặt ra thách thức đối với một loạt các nước láng giềng xung quanh họ. Những nước này chắc chắn đều phải tìm biện pháp thích hợp để đối phó với mối đe dọa này. Từ Philippines, Nhật Bản.... đến Ấn Độ đều ra sức củng cố sức mạnh quân sự của mình với mục tiêu nhằm chuẩn bị sẵn sàng tư thế đối đầu với Trung Quốc.

Ấn Độ hiện nay không chỉ tích cực tự chế tạo vũ khí cho riêng mình mà còn trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Có thể nói, về sức mạnh quân sự, Ấn Độ không hề thua kém đối thủ Trung Quốc của mình.

Về phần mình, Philippines cũng tăng cường bổ sung tàu chiến, máy bay chiến đấu cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển nước này. Nhật Bản cũng không nằm ngoài xu thế chung đó khi tìm cách mua sắm thêm nhiều thiết bị quân sự tối tân và cân nhắc khả năng thay đổi hiến pháp hòa bình để có thể đối đầu với nước láng giềng đang ngày một hung hăng của mình.

Ngoài chuẩn bị khả năng phòng vệ và tư thế sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc, các nước trên cũng ra sức củng cố quan hệ liên minh, hợp tác chặt chẽ với Mỹ - cường quốc quân sự số 1 thế giới.

Tuy nhiên, có một điều cơ bản mà các nước cần phải nhận thức rõ. Đó là, họ cần phải thể hiện với Trung Quốc rằng, họ có năng lực và ý chí chính trị để quyết tâm bảo vệ hòa bình cũng như các vùng lãnh thổ của mình. Nếu Trung Quốc thấy có bất kỳ cơ hội nào để lấn dần vào các vùng tranh chấp, chắc chắn họ sẽ nhanh chóng nắm lấy. Vì thế, các nước cần phải bảo đảm Trung Quốc không có cơ hội để làm điều đó.

Trong khi khó có thể đối đầu bằng sức mạnh quân sự với Trung Quốc, mỗi nước có thể tìm kiếm cho mình một chiến lược riêng để chế ngự sự hiếu chiến, hung hăng của Trung Quốc. Như trường hợp của Ấn Độ, nước này có thể khai thác vấn đề Tây Tạng – nguyên nhân chính gây ra mâu thuẫn Trung - Ấn.

Theo một nhà phân tích nổi tiếng, chiến lược mở rộng lợi ích then chốt và sự hiện diện của Trung Quốc từ khu vực Đông Phi đến Thái Bình Dương có thể đối phó bằng việc tạo ra một “dàn thanh trường kiếm” của những nước Châu Á đang cùng tranh chấp với Trung Quốc. Gốc rễ của căng thẳng và sự bất ổn leo thang trong khu vực Châu Á là việc Trung Quốc đang tăng cường thực hiện chiến lược tìm cách phá vỡ sự nguyên trạng. Chỉ có sự hợp tác vì lợi ích chung mới có thể bảo vệ hòa bình và sự phát triển kinh tế của Châu Á, tránh những hành động phô trương sức mạnh và dọa dẫm.

Kiệt Linh - (tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến