Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Giải bài toán Việt Nam bảo vệ Trường Sa thế nào? (3)

Với hỏa lực phòng không không mạnh, biên đội tàu chiến đấu của ta sẽ phải khá khó khăn đối phó trước vũ khí diệt hạm tàu mặt nước của đối phương.
Để tiếp viện cho Trường Sa, đầu tiên là đơn vị tàu chiến của ta phải tiêu diệt hạm tàu bảo vệ quân đổ bộ đối phương. Tuy nhiên, như đã trình bày ở kỳ trước, phạm vi hỏa lực chống tàu của ta kém hơn kẻ địch “giả định” (tầm bắn tên lửa diệt hạm Kh-35 Uran thua kém tầm bắn của địch). 

Như vậy, ta đã đặt mình vào thế phòng thủ phải đánh trả lại máy bay và tên lửa diệt hạm đối phương. Vượt qua bức tường này, biên đội tàu ta mới có cơ hội diệt tàu địch. 

Tình huống giả định, khi phát hiện biên đội tàu tiếp cận, đối phương sẽ phóng tên lửa hành trình chống tàu nhắm vào phía biên đội tàu ta. Vậy, biên đội tàu ta sẽ làm gì để có thể ngăn chặn và phản công?

Dùng hỏa lực của tàu đối phó

Hệ thống phòng không của biên đội tàu ta gồm có 2 vũ khí chính: tổ hợp phòng không Palma-SU (trang bị trên 2 tàu Gepard 3.9) và tổ hợp pháo phòng không cao tốc AK-630 (trang bị rộng rãi cho các tàu tên lửa, tàu pháo cỡ nhỏ). 

Ngoài ra, còn có thể kể thêm cả pháo hạm AK-176 được cho là có khả năng phòng không bên cạnh nhiệm vụ chính là đối hải. Tuy nhiên, vì tốc độ bắn hạn chế, chỉ ở mức 120 phát/phút, nên khả năng chống tên lửa diệt hạm của AK-176 vẫn cần được xem xét.
Pháo phòng không cao tốc AK-630 đạt tốc độ bắn 5.000 phát/phút.
Trong đó, tổ hợp pháo cao tốc AK-630 được kết hợp với radar điều khiển hỏa lực MR-123 và tổ hợp ngắm quang – điện tử SP-521. Tổ hợp pháo AK-630 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly xa 4km, tốc độ bắn cực cao 5.000 phát/phút.

Còn Palma-SU là biến thể rút gọn của tổ hợp phòng không tầm ngắn Kashtan. Đây có thể coi là vũ khí phòng không trên hạm mạnh nhất của hải quân ta. Tháp pháo Palma-SU lắp 8 đạn tên lửa Sosna-R 9M311 (tầm bắn 1,5-8km) và 2 pháo cao tốc 30mm AO-18KD (tầm từ 500-4.000m). Palma-SU không có radar riêng, mà chủ yếu bám bắt bằng quang học. 

Qua đó, có thể thấy rằng các tàu chiến Việt Nam chưa có khả năng phòng không cấp biên đội tàu, mà chỉ là phòng thủ điểm. Có ý kiến cho rằng, trong hoàn cảnh chúng ta chưa có phòng không tầm trung – xa để bảo vệ đội hình tiến công, cũng có thể sử dụng tàu đi kèm bảo vệ lẫn nhau. Ví dụ như dùng tàu pháo TT-400TP đi kèm với biên đội tàu chiến đấu, để giăng màn đạn pháo cao tốc AK-630 đánh chặn tên lửa diệt hạm. 

Tuy nhiên, điều đó không mang lại hiệu quả cao, vì phòng không chung cho biên đội, hạm đội tàu là nhiệm vụ của các hệ thống phòng không tầm trung – xa như Shtil hay S-300F, không phải của phòng không tầm ngắn và cực ngắn. 

Phòng không tầm ngắn trên hạm tàu, được thiết kế để đánh chặn tên lửa diệt hạm tiến công vào chính hạm tàu đó. Điều này dẫn đến đường bay của tên lửa diệt hạm và nòng pháo nằm trên cùng một đường thẳng, vận tốc ngang của tên lửa diệt hạm với nòng pháo gần như bằng không. Khi đó, khả năng đánh chặn sẽ tăng lên rất nhiều lần.

Khi tên lửa diệt hạm không lao vào “tàu mình”, mà lao vào tàu khác trong biên đội, thì vận tốc ngang của tên lửa so với nòng pháo sẽ rất cao, ở mức tốc độ âm thanh. Điều này khiến cho khả năng đánh chặn giảm xuống rất thấp. Đây chính là hạn chế của phương pháp cho tàu pháo TT-400TP đi kèm biên đội tàu chiến.
Tổ hợp pháo - tên lửa Palma-SU trên tàu Gepard 3.9.
Một điều cần lưu ý, tàu Gepard 3.9 và Project 12418 sử dụng radar ba tham số Pozitiv-ME để phát hiện tên lửa diệt hạm. Radar này chỉ có khả năng phát hiện tên lửa có diện tích phản xạ 0,03m2, bay cao 15m ở cự li 15km. Trên thực tế thì ở cự li này, đa số các tên lửa diệt hạm đều đã hạ độ cao xuống chỉ còn từ 3-5m, gây khó khăn cho phát hiện mục tiêu. 

Với tên lửa diệt hạm cận âm giả định, có tốc độ 300m/s, thì từ khi bị Pozitiv-ME phát hiện ở cự li 15km, nó sẽ chỉ mất 50 giây để lao vào tàu ta. Đó là 50 giây “sinh tử”, tổ hợp Palma-SU chỉ có 27 giây để đánh chặn, con số này với các pháo phòng không cao tốc AK-630 chỉ là 13 giây. Đối với các tên lửa diệt hạm có tốc độ siêu âm, thì thời gian phản ứng của tàu ta sẽ còn giảm đi nhiều lần. 

Và nếu như đối phương sử dụng đòn hợp công của không quân và hải quân, tiến hành công kích đồng loạt, thì có khả năng rất cao là các hệ thống phòng không sẽ không thể phản ứng kịp. Các tổ hợp như Palma-SU có khả năng đánh chặn chính xác, với xác suất lên đến trên 96%, nhưng vấn đề là chúng ít có khả năng đánh chặn nhiều tên lửa cùng lúc.

Cơ động, tác chiến điện tử

Bên cạnh phương án dùng hỏa lực pháo, tên lửa, chúng ta còn có một số biện pháp khác để đối phó với tên lửa diệt hạm của địch. Trước hết là cơ động hạm tàu, chiếm vị trí có lợi, giảm thiểu bộc lộ điện tử để tránh tên lửa. 

Các tàu Gepard 3.9 và Molniya đều được trang bị động cơ tuốc bin khí, cho phép đạt tốc độ tối đa là 27 và 35 hải lí/giờ. Điều này có thể giúp các tàu ta tránh được sự đe dọa của một số tên lửa diệt hạm kiểu cũ, không thể bám bắt các mục tiêu có tốc độ cao. Nhưng điều này cũng không có nhiều ý nghĩa khi đối phó với các tên lửa diệt hạm hiện đại, tốc độ siêu âm.

Về giảm thiểu bộc lộ điện tử, các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 đều được thiết kế để tăng khả năng tàng hình. Ngoài ra, Viện khoa học và Công nghệ Quân sự Việt Nam đã chế tạo thành công sơn hấp thụ sóng radar PD/RAP-MEH, hấp thụ đến 94% sóng radar 8 GHz đến 12 GHz. Tuy nhiên, đối phương không thiếu các biện pháp phối kiểm với radar cảnh giới hạm tàu, như sử dụng vệ tinh trinh sát phân giải cao, máy bay AWACS, UAV cùng nhiều khí tài khác. Dù tàu ta có khả năng tàng hình cao, cũng khó có thể “ẩn giấu” lâu.
Các tàu Gepard 3.9 có khả năng tành hình "nhẹ".
Biện pháp tiếp theo là tác chiến điện tử, các tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Nhân dân Việt Nam hiện nay, như Gepard 3.9 hay Project 12418 đều có trang bị các hệ thống tác chiến điện tử khá mạnh.

Tàu tên lửa cao tốc Project 12418 Molniya được trang bị tổ hợp tác chiến điện tử Vympel-R2 (gồm đài trinh sát điện tử MP-405 và đài chế áp điện tử MP-407-E). Tổ hợp này có vai trò chế áp quá trình trinh sát, dẫn bắn của hạm tàu và tên lửa địch từ ngoài đường chân trời. 

Ngoài ra, vẫn còn phương án khác, biên đội tàu có thể sử dụng các hệ thống phóng mồi bẫy PK-10, PK-16 gây nhiễu đầu tự dẫn tên lửa đối phương ở cự ly gần. Nó sẽ phóng các đạn gây nhiễu radar hoặc đầu dò ảnh nhiệt của tên lửa diệt hạm đối phương, kết hợp mức độ cơ động cao của tàu ta, sẽ khiến tên lửa diệt hạm đánh trượt mục tiêu. Tuy nhiên, mồi bẫy cũng khó có thể lừa được hết tất cả tên lửa diệt hạm, nhất là các tên lửa diệt hạm hiện đại.

Dẫu sao, tác chiến điện tử hay dùng mỗi bẫy chỉ là giải pháp tình thế, quan trọng nhất vẫn là hệ thống phòng không đánh chặn tên lửa. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến