Tạp chí “Nghiên cứu quân sự” của Nhật Bản số ra tháng 6 đã có bài viết mang tiêu đề: “Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi phát triển tên lửa không đối hạm mới, uy chấn Trung - Nga”, phân tích về dự án phát triển một loại tên lửa không đối hạm có uy lực rất mạnh của lực lượng tự vệ trên không Nhật Bản,
Bài viết trên tạp chí đã tiết lộ, ông Miyawaki Toshiyuki - nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn thử nghiệm bay của lực lượng tự vệ trên không Nhật Bản cho biết, đứng trước sự uy hiếp ngày càng lớn của hải quân 2 nước Nga và Trung Quốc, Cục nghiên cứu công nghệ của Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi (Mitsubishi Heavy Industries) đã hợp tác phát triển một loại tên lửa không đối hạm mới mang tên ASM-3.
Bài viết phân tích, Nhật Bản bốn bề là biển, kẻ thù muốn xâm lược Nhật Bản trước hết sẽ sử dụng đòn tiến công bằng máy bay và tên lửa, sau đó các chiến hạm của quân địch sẽ tấn công lên đất liền và các tàu chiến của hải quân Nhật Bản, các tàu đổ bộ sẽ vận chuyển lực lượng bộ binh thực hiện đòn tiến công cuối cùng lên đất liền.
Từ khi thành lập đến nay, lực lượng tự vệ trên không Nhật Bản rất coi trọng phát triển các loại tên lửa chống hạm phóng từ trên không. Nằm kẹp giữa 2 nước Nga và Trung Quốc có tiềm lực hải quân rất mạnh, phát triển năng lực chống hạm mạnh mẽ đã trở thành vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với quốc gia này.
Hiện nay, 2 loại máy bay chuyên trách chống hạm của Nhật là F-2 và F-4EJ được trang bị tên lửa ASM-2 (hay còn gọi là tên lửa chống hạm Type 93), tuy vậy số lượng 2 loại máy bay này cũng không nhiều. Nhật Bản nhận thấy, để bù đắp khiếm khuyết về số lượng máy bay, nhất thiết phải phát triển một loại tên lửa mới, có khả năng đối hạm cực mạnh. Vì vậy, ASM-3 mới ra đời.
Máy bay tấn công đối hải tầm xa F-2A của không quân Nhật Bản hiện được trang bị 4 tên lửa chống hạm ASM-2 và 2 thùng dầu phụ
Theo bài báo, việc nghiên cứu, phát triển tên lửa không đối hạm thế hệ mới ASM-3 bắt đầu từ năm 2010, hiện nay các nguyên mẫu đang được gấp rút hoàn thiện để ngay trong năm nay sẽ tiến hành thử nghiệm cả trên không và mặt đất. Theo kế hoạch, đến năm 2016 sẽ hoàn tất giai đoạn thử nghiệm ASM-3.
Loại tên lửa không đối hạm này có chiều dài khoảng 6m, đường kính 0,35m, trọng lượng phóng khoảng 900kg, tầm bắn gấp đôi ASM-2 (250km). Nó có khả năng tự động lựa chọn mục tiêu và có năng lực chống nhiễu rất mạnh, có khả năng xuyên phá qua bất cứ hệ thống phòng không nào, kể cả các tàu khu trục hạng nặng lớp 052C trang bị hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 được mệnh danh là “Lá chắn thần Trung Hoa” và các tàu hộ vệ lớp 054A trang bị tên lửa phòng không HQ-16 của Trung Quốc.
ASM-3 sử dụng động cơ xung áp thể tích nhỏ (động cơ Ramjet) giúp nó có khả năng bay với vận tốc siêu âm. So với các loại tên lửa có vận tốc cận âm thế hệ trước, nó đã rút ngắn thời gian phản ứng của các loại tên lửa phòng không và pháo phòng không hạm xuống chỉ còn 1 nửa, làm nâng cao khả năng sống sót của mình.
ASM-3 còn được dẫn đường bởi nhiều phương thức khác nhau. Với các số liệu mục tiêu được nạp trước khi phóng, nó có thể tự mình bay đến tấn công mục tiêu. Và đặc biệt nhất là, khi cảm nhận được sóng radar của đối phương, ASM-3 có khả năng tự động chuyển về chế độ dẫn đường radar thụ động.
Máy bay F-2A mang theo tên lửa chống hạm siêu âm ASM-3
Còn sau khi mở radar chủ động bắt được tín hiệu của mục tiêu, nó kết hợp với radar thụ động, xử lý thông tin để tấn công tàu chiến địch. Với khả năng tự động lựa chọn 1 trong 2 loại radar tùy theo tình huống hoặc kết hợp cả 2, ASM-3 vừa rất khó bị nắm bắt vừa có năng lực chống nhiễu và khả năng tự động lựa chọn mục tiêu rất cao.
ASM-3 được thiết kế bộ chiến đấu và ngòi nổ thế hệ mới. Vận tốc siêu âm giúp cho lực xuyên phá của nó rất lớn, nếu như sử dụng các bộ chiến đấu và ngòi nổ kiểu chạm nổ truyền thống sẽ rất lãng phí khả năng xuyên phá bởi gia tốc lớn của nó. Vì vậy, ASM-3 sẽ được trang bị đầu nổ và ngòi nổ kiểu mới nhất.
Loại đầu nổ và ngòi nổ thế hệ mới này có khả năng xuyên phá sâu trong thân tàu rồi mới phát nổ, nâng cao khả năng phá hủy các chiến hạm hạng nặng. Hiện chưa rõ đầu đạn của ASM-3 có trọng lượng là bao nhiêu kg nhưng với khả năng xuyên sâu rồi mới phát nổ, nó hoàn toàn có thể phá hủy được các tàu sân bay.
Khi tấn công đối hạm, tên lửa không đối hạm ASM-3 sẽ chủ yếu được sử dụng để tấn công các biên đội tàu đổ bộ có sự hỗ trợ của các tàu khu trục phòng không khu vực, trong đó nó tập trung tấn công phủ đầu, tiêu diệt các tàu khu trục phòng không này, tạo điều kiện cho các lực lượng khác tiêu diệt các tàu còn lại. Ngoài ra, ASM-3 sẽ phát huy được 2 tính năng nổi bật như sau:
Thứ nhất là nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả trong tấn công đối hạm. ASM-3 có khả năng nhận biết mục tiêu rất mạnh, có khả năng tự động xác định và ưu tiên lựa chọn các chiến hạm có khả năng phòng không khu vực của đối phương. Vì vậy, nếu trong quá trình tiến công không tiêu diệt được cả hạm đội thì cũng làm đối phương bị “mù mắt” vì mất hết các loại radar phòng không.
Cận cảnh tên lửa chống hạm siêu âm ASM-3 treo dưới cánh máy bay F-2A
Đồng thời, do hiệu suất cao của tên lửa ASM-3 nên có thể giảm bớt số lượng máy bay F-2 làm nhiệm vụ chống hạm, tăng cường số lượng F-2 làm nhiệm vụ tấn công mặt đất. Trong tình huống số lượng máy bay của ta ít hơn địch thì nó đã nâng cao hiệu quả sử dụng tổng thể toàn bộ lực lượng không quân, thực hiện hoàn hảo phương châm “lấy ít địch nhiều”.
Thứ 2 là do máy bay F-2 sử dụng tên lửa ASM-3 có khả năng kết nối thông tin với máy bay dự cảnh (máy bay cảnh báo sớm - AWACS) nên dễ dàng tổ chức đội hình và chiến thuật chống hạm. Giai đoạn sau năm 2016, khi ASM-3 được đưa vào trang bị cũng là lúc các máy bay F-2 đã hoàn tất quá trình nâng cấp hệ thống truyền số liệu, máy bay dự cảnh Boeing E-767 cũng được trang bị thiết bị chi viện điện tử (ECM).
Với ECM, máy bay dự cảnh Boeing E-767 có thể hiểu được vị trí của từng mục tiêu và chia sẻ số liệu với các máy bay chiến đấu F-2 thông qua các đường truyền số liệu 2 chiều. Giữa các máy bay F-2 cũng chia sẻ các số liệu về mục tiêu theo thời gian thực để phân chia mục tiêu tấn công.
Có ASM-3 trong biên chế, lực lượng tự vệ trên không Nhật Bản đã có một loại vũ khí trấn hải uy lực. Tính năng kỹ, chiến thuật hoàn hảo của ASM-3 cộng với sự cơ động của máy bay chiến đấu F-2, có thể khẳng định tất cả các khu trục hạm phòng không hạng nặng cho đến tàu sân bay Trung Quốc khó có loại nào thoát được nó. ASM-3 sẽ giúp Nhật Bản dễ dàng dùng không quân tiêu diệt hạm đội tàu chiến đông đảo của Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét