Hệ thống tên lửa đất-đối-không S-300 mang ý nghĩa sống còn với hệ thống phòng không của Syria, tuy nhiên, Moscow luôn cảnh giác với những diễn biến phức tạp mà loại vũ khí này có thể gây ra cho Nga và Trung Đông.
Chỉ tính riêng trong năm nay, máy bay chiến đấu của Israel đã không kích Syria “đều đặn như cơm bữa”, như thế không phận của Syria là một món mồi béo bở đối với họ.
Hệ thống tên lửa đất-đối-không (SAM) trong kho vũ khí của Syria đã quá già nua, không đủ sức ngăn nổi “bầy chim” Israel xâu xé, vì thế, Syria đã phải tuyệt vọng tìm kiếm hệ thống phòng không mới tiên tiến hơn là S-300.
Những tính năng tuyệt vời của SA-2 và SA-6 được các thế hệ hậu duệ là S-300, S-400 và thậm chí S-500 tiếp tục kế thừa. Do có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới kết quả của một cuộc chiến nên hệ thống tên lửa SAM thế hệ mới được đánh giá là một loại vũ khí chiến lược.
Đó cũng là lý do khiến Israel và Mỹ kịch liệt phản đối Nga bán S-300 cho Syria và Iran.
Sức mạnh thật sự của S-300
Đứa con S-300 của gia đình SAM mang “gene” đặc biệt của tên lửa S-75 nổi tiếng, từng bắn hạ máy bay trinh thám U-2 của Mỹ trên bầu trời Liên Xô năm 1960 và làm bẽ mặt chính quyền Eisenhower.
Được nghiên cứu và phát triển từ những năm 1970 để thay thế cho hệ thống tên lửa SAM thế hệ đầu tiên, S-300 là một tổ hợp tên lửa di động, hoạt động theo nguyên tắc “bắn-quên”, dễ sử dụng, được thiết kế để đẩy lùi các cuộc không kích lớn. S-300 có tầm bắn từ 5-150km, radar của hệ thống có khả năng theo dõi 100 mục tiêu và bám sát chặt 12 trong số đó. Xác suất đánh chặn thành công máy bay của S-300 được phía Nga đánh giá là đạt 80-93% trong một lần khai hỏa.
Hiện nay, vẫn chưa có một loại máy bay nào có thể bay nhanh hơn tên lửa này (tốc độ di chuyển 7.200 km/h). Không những thế, các phiên bản cải tiến mới nhất của S-300 còn có thể đánh chặn máy bay chiến đấu và tên lửa bay thấp, như ở độ cao 6.000m. Ngoài ra, tia chiếu hẹp giúp radar của S-300 không dễ lộ, đồng thời cũng khó bị gây nhiễu.
Tuy nhiên, phải thừa nhận là S-300 không hoàn toàn “miễn dịch” với các biện pháp điện tử chống lại hoạt động của sóng vô tuyến – một lĩnh vực mà Israel vượt trội hơn hẳn. Năm 1982, máy bay chiến đấu của Israel đã phá hủy 19 tổ hợp tên lửa của Syria sau khi làm mù chúng bằng phương pháp điện tử.
Trái với những gì mà truyền thông tung hô, bản thân S-300 không thể trở thành “kẻ thay đổi cuộc chơi”. Nó chỉ trở nên nguy hiểm khi được kết hợp với pháo phòng không và máy bay chiến đấu. Bằng cách chiếm ưu thế về độ cao, các hệ thống tên lửa SAM sẽ dồn máy bay địch xuống một “bẫy hỏa lực”, nơi pháo phòng không và các chiến đấu cơ đang đợi sẵn.
Các quốc gia sử dụng hệ thống tên lửa SAM nhìn chung đều xây dựng mạng lưới phòng không 3 lớp, trong đó SAM dành cho phòng không tầm cao, pháo phòng không bảo vệ ở độ cao thấp hơn và các máy bay chiến đấu thì di chuyển qua lại trong khoảng không gian giữa 2 lớp. Điều này sẽ khiến đối phương tốn kém rất nhiều khi muốn xuyên thủng mạng lưới này.
Có thể kể đến chiến tích lẫy lừng của hệ thống tên lửa SAM trong một số cuộc chiến trước đây:
Chiến tranh Việt Nam:
Bài viết đánh giá rằng Việt Nam đã tổ chức được một mạng lưới phòng không tinh vi nhất và vô cùng hiệu quả trong lịch sử, với sự kết hợp của hệ thống radar cảnh giới, tiêm kích MiG, hệ thống tên lửa SAM, pháo phòng không với nhiều cỡ nòng khác nhau.
Để đối phó với các tên lửa SAM, các máy bay của Mỹ được trang bị máy phát nhiễu điện tử. Tuy nhiên, điều này làm giảm khả năng cơ động của máy bay và khiến chúng dễ bị các tiêm kích MiG tấn công.
Để tránh tên lửa SAM, các phi công phải điều khiển máy bay bổ nhào xuống tầm thấp, tuy nhiên, chiến thuật này lại khiến chúng rơi vào trận địa của pháo phòng không.
Giữa năm 1964 và 1973, pháo phòng không của Việt Nam đã bắn rơi 740 máy bay chiến đấu của Mỹ. Ngoài ra, còn bắn hạ hàng trăm trực thăng, một số máy bay F-111 và 15 máy bay ném bom chiến lược B-52. B-52 thua trận thảm hại dù sử dụng các máy gây nhiễu và có đội máy bay hộ tống hùng hậu.
Chiến tranh Arab-Israel năm 1973:
Trong cuộc chiến giữa Arab-Israel năm 1973, với sự hỗ trợ từ phía Nga, hệ thống tên lửa SA-2 và SA-6 của Arab đã được bố trí với chiến thuật hệt như Việt Nam: dồn máy bay địch xuống độ cao thấp hơn để chúng rơi vào trận địa của pháo phòng không. Phía Israel thừa nhận họ đã mất 303 máy bay. Tuy nhiên, con số này có thể còn cao hơn.
S-300 tới Syria sẽ là một bước ngoặt vô cùng quan trọng. Lần đầu tiên trong lịch sử Trung Đông, một quốc gia Arab sẽ có khả năng bắn hạ máy bay của Israel. Một tên lửa S-300 phóng đi từ Damascus sẽ thổi bay bất kỳ chiến đấu cơ nào của kẻ địch trên bầu trời Tel Aviv (Israel) trong 107 giây, khiến Israel không kịp trở tay.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov từng khẳng định rằng việc chuyển giao S-300 tới Syria có thể chặn những cái đầu nóng của phương Tây can thiệp vào Syria.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon lên tiếng cảnh báo rằng: “Quá trình chuyển giao vẫn chưa diễn ra và chúng tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra. Nếu S-300 thực sự tới Syria, chúng tôi sẽ biết phải làm gì”. Tuy nhiên, điều nguy hiểm cho Israel là máy bay chiến đấu của họ có thể rơi vào “bẫy hỏa lực”. Trên thực tế, nỗ lực ngăn chặn hệ thống tên lửa SAM đã gây tổn hại lớn cho máy bay Mỹ và Israel 4 thập kỷ trước.
Nỗi lo của Nga
Bài viết nhận định quân đội Syria không được đào tạo bài bản, năng động và nhanh trí như người Việt Nam. Hệ thống phòng không của Syria dường như không thể ngăn chặn các cuộc tấn công từ Israel và không có gì đảm bảo họ sẽ sử dụng S-300 một cách hiệu quả.
Vì thế, Nga có lý do để lo lắng. Nếu Israel có thể phá hủy tổ hợp S-300, nó sẽ khiến cho loại vũ khí đáng sợ nhất thế giới trở nên tầm thường hơn.
“Việc chuyển giao chậm trễ là do người Nga hiểu được khả năng của Israel và không muốn kích thích một phản ứng có thể tổn hại tới Nga” – Trang Strategy Page nhận định.
Hiện tại, Nga có 2 lựa chọn: Một là đẩy mạnh đào tạo đội ngũ tên lửa của Syria trước khi chuyển giao phiên bản mới nhất, chưa giản lược của S-300.
Một lựa chọn khác là người Nga sẽ trực tiếp can thiệp vào quá trình vận hành S-300, điều này không chỉ đảm bảo lợi thế cho Syria trong cuộc xung đột, mà sự hiện diện của họ còn có thể ngăn chặn một cuộc tấn công bất ngờ từ phía Israel. Một cuộc tấn công liều lĩnh của Israel nhằm phá hủy tổ hợp tên lửa do chính người Nga vận hành sẽ thúc đẩy phản ứng mạnh từ phía Moscow, bao gồm việc tăng cường hỗ trợ cho các đồng minh Iran-Syria-Hezbollah với số lượng cực lớn.
(BTT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét