Dù đã hơn một thập niên trôi qua nhưng vẫn có nhiều chuyên gia nêu lên nghi vấn về nguyên nhân thật sự vụ nổ tàu ngầm Kursk của Nga.
Trong bối cảnh còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến lễ tưởng niệm lần thứ 13 thảm họa tàu ngầm Kursk, giới truyền thông và các diễn đàn trên internet liên tục nêu lại các giả thuyết về bản chất vụ việc. Trong đó, nghi vấn được bàn tán nhiều nhất là tàu Kursk trúng ngư lôi của Mỹ.
Xác tàu ngầm Kursk được trục vớt vào năm 2001 - Ảnh: Bbs.tiexue.net |
Tàu ngầm Kursk thuộc Hạm đội phương Bắc, nổ và chìm tại biển Barents khi đang diễn tập vào ngày 12.8.2000, khiến toàn bộ 118 quân nhân thiệt mạng. Đây được coi là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử hạm đội tàu ngầm Nga. Theo kênh tin tức Russia 24, cuộc điều tra chính thức của chính quyền kết luận rằng do ngư lôi phát nổ bên trong tàu ngầm, khiến các quả ngư lôi khác nổ theo. Chấn động khi vụ việc xảy ra cho thấy tàu Kursk hứng chịu 2 vụ nổ, vụ đầu nhỏ hơn và chính vụ thứ hai khiến con tàu hoàn toàn tê liệt.
Vào sáng 12.8.2000, trước khi thảm họa xảy ra, tàu ngầm Kursk chuẩn bị phóng thử một quả ngư lôi. Từ đó, BBC hồi năm 2001 dẫn lời ông Maurice Stradling, nhà thiết kế ngư lôi và cựu giảng viên tại Trường Kỹ thuật hải quân hoàng gia Anh, cho rằng thảm họa bắt đầu khi có ai đó mắc sai lầm nhỏ là cho động cơ ngư lôi khởi động quá sớm trong lúc nó vẫn còn ở bên trong tàu ngầm, dẫn đến hợp chất hydrogen peroxide (HTP) rò rỉ trong vỏ ngư lôi và phát nổ. Lửa từ vụ nổ này nhanh chóng lan đến khoang trước và kích nổ những vũ khí khác. “Nếu ngư lôi được khởi động khi chân vịt chưa tiếp xúc với nước thì không có gì để kiểm soát tốc độ động cơ. Động cơ quay quá nhanh và ống HTP có lẽ đã nổ… khiến HTP phun vào phía trong vỏ ngư lôi và một chuỗi sự cố khủng khiếp xảy ra”, ông Stradling phân tích.
Ngư lôi Mỹ và 10 tỉ USD
Lời giải thích trên tới nay vẫn chưa làm thỏa mãn tất cả. Ngay sau vụ việc, một số đô đốc và quan chức Nga nghi rằng tàu Kursk trúng phải ngư lôi của một tàu ngầm Mỹ hoạt động trong khu vực, theo tờ Pravda. Mới đây, chính chuyên gia Anh Stradling lại thay đổi quan điểm và khẳng định “có bằng chứng cho thấy tàu Kursk do ngư lôi MK-48 của Mỹ đánh chìm”. Giả thuyết này đã được đạo diễn Pháp Jean-Michel Carré dựng thành phim tài liệu Kursk: tàu ngầm trong vùng biển hiểm thu hút 4 triệu người xem ở Pháp.
Lý giải về sự thay đổi của mình, ông Stradling cho hay: “Những dữ kiện chúng tôi biết hồi năm 2001 cho thấy dường như không có sự liên can của bên nào khác. Nhưng nay đã xuất hiện nhiều thông tin mới”.
Những thông tin mới mà ông Stradling đề cập bao gồm một lỗ hổng lớn trên xác tàu Kursk, mà theo các chuyên gia chỉ có thể do ngư lôi MK-48 tạo ra, theo tờ The Australian. Các “nghi can” lớn nhất là 2 tàu ngầm USS Memphis và USS Toledo của Mỹ có mặt trong khu vực vào thời điểm xảy ra thảm họa. Một số ý kiến cho rằng tàu USS Toledo bất ngờ va chạm với tàu Kursk, khiến các binh sĩ Nga khởi động ống phóng ngư lôi và tàu USS Memphis lập tức “ra tay trước”. RIA-Novosti thì dẫn lời một số chuyên gia hải quân Nga nêu giả thuyết là không có vụ va chạm nào nhưng khi thấy tàu Kursk chuẩn bị phóng ngư lôi, thuyền trưởng tàu USS Memphis nghĩ rằng mình sắp bị tấn công nên quyết định tấn công phủ đầu. Mỹ thừa nhận 2 tàu ngầm của nước này có mặt để theo dõi cuộc tập trận của Nga nhưng khẳng định chúng nằm rất xa tàu Kursk.
Một luận cứ khác thường xuyên được nhắc tới là các động thái ngoại giao liên tục giữa 2 nước sau thảm họa, bao gồm một cuộc điện đàm bất ngờ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Bill Clinton, theo RIA-Novosti. Ngày 17.8.2000, Giám đốc CIA khi đó là George Tenet thăm khẩn cấp Moscow. Nội dung chuyến thăm không được tiết lộ nhưng ngay sau khi ông Tenet trở về, Mỹ tuyên bố xóa khoản nợ 10 tỉ USD cho Nga, còn giới chức Moscow bác bỏ các nghi ngờ ban đầu về vai trò của một “tàu ngầm lạ” trong vụ việc. Bên cạnh đó, tờ Pravda dẫn lời một quan chức Nga giấu tên nói Moscow đã kiềm chế “để tránh xảy ra một cuộc chiến hạt nhân”.
Diễn biến thảm kịch Trong lúc diễn tập vào ngày 12.8.2000, tàu Kursk bất ngờ mất liên lạc. Đến 23 giờ 44 phút (giờ địa phương), giới chức Nga nghe có tiếng nổ trên tàu, theo RIA-Novosti. Đến ngày 13.8, lực lượng chức năng tìm thấy tàu nằm ở độ sâu 108 m. Tuy nhiên, đến ngày 15.8, hải quân Nga mới bắt đầu chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ, với sự tham gia của 20 tàu, nhưng gặp nhiều khó khăn do bão. Sang ngày 16.8, đội thợ lặn Nga không vào được tàu Kursk và chính quyền nước này kêu gọi quốc tế hỗ trợ. Một ngày sau, 2 tàu cứu hộ Na Uy đến hiện trường, nhưng đến ngày 21.8, các thợ lặn mới vào được bên trong tàu ngầm. Khi đó, chỉ huy tàu cứu hộ Na Uy xác nhận tất cả thành viên thủy thủ đoàn đã chết. Tàu được trục vớt và các thi thể được đưa lên vào năm 2001, theo BBC. Minh Trung |
Văn Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét