(Dân trí) - Những hành động hung hăng của Trung Quốc trong thời gian gần đây ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông đã khiến nhiều nước trong khu vực e ngại. Không chỉ thế, Mỹ cũng phải cấp tốc xoay trục an ninh để cản đường đối chủ tiềm tàng.
Chính sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông là nguyên nhân khiến các nước phải tăng cường liên minh chiến lược quân sự.
Tuy nhiên, để đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán và có chiến lược phát triển lớp lang, Mỹ và các đồng minh ở châu Á – Thái Bình Dương nhận thấy không thể đơn phương hành động. Một sơ đồ hợp tác an ninh với các mắt xích chiến lược đang được hình thành bao quanh Trung Quốc nhằm làm tăng thêm hiệu quả chặn đường Bắc Kinh trong tương lai. Và người vẽ nên sơ đồ này chính là Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông qua hai chuyến thăm gần như cùng lúc tới Ấn Độ và 3 nước Đông Nam Á.
Dân trí trân trọng giới thiệu chùm bài “Trung Quốc trong thế bao vây chiến lược của Mỹ và các đồng minh”
Bài 1: Nhật Bản tập hợp đồng minh chống Trung Quốc
Trong chuyến công du Đông Nam Á lần thứ 3 kể từ khi nhậm chức cách đây 7 tháng, ông Abe có một mục đích rất rõ ràng là tăng cường uy thé của Tokyo tại Đông Nam Á để hạn chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh, không chỉ về kinh tế mà cả về quân sự và ngoại giao.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang đặt những nền móng đầu tiên cho việc tạo lập vòng cung bao vây Trung Quốc ở phía Đông Nam.
Vì thế, trong chuyến thăm kéo dài hai ngày 25-26/7 lần lượt tới Malaysia, Singapore và Philippines, Thủ tướng Abe đều nhấn mạnh việc phản đối sử dụng vũ lực trên biển và kêu gọi củng cố hợp tác nhằm hạn chế những hoạt động hung hăng gần đây của Trung Quốc ở cả biển Hoa Đông và Biển Đông.
“Đối với Nhật Bản, Philippines là một đối tác chiến lược có thể cùng chia sẻ những giá trị căn bản và nhiều lợi ích chiến lược khác... Để củng cố hơn nữa quan hệ, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng năng lực cho lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines”, Thủ tướng Abe phát biểu họp báo chung với Tổng thống Philippines Benigno Aquino sau cuộc gặp chính thức ở thủ đô Manila.
Ông Abe cũng cho biết sẽ cấp cho Manila 10 tàu tuần duyên thông qua khoản vay ưu đãi để bổ sung cho đội tàu còn nghèo nàn trong bối cảnh phải thường xuyên đối mặt với các tàu hải giám cũng như tàu chiến Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp quanh bãi đá cạn Scabourough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham).
Đáp lại, Tổng thống Philippines khẳng định “hợp tác hàng hải là một trong những trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược Nhật – Philippines” và rằng, hai bên đã cùng nhau đánh giá những thách thức an ninh đang phải đối mặt để hướng tới việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ và quan ngại về hàng hải.
Trước đó, tại trạm dừng chân đầu tiên ở Malaysia, ông Abe cũng đã đưa ra cam kết viện trợ, trong đó đáng chú ý có việc sẽ cung cấp cho Kuala Lumpur công nghệ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trị giá nhiều triệu USD nối liền với Singapore. Ngoài ra, người đứng đầu chính phủ Nhật Bản cũng thảo luận với người đồng nhiệm Malaysia Najib Razak về các chương trình hợp tác tài chính và đảm bảo an ninh ở eo biển Malacca. Đây là tuyến đường biển đi ngang qua Malaysia, Indonesia và Singapore, là nơi trung chuyển tới hơn 85% lượng dầu thô của Nhật Bản nhập từ Trung Đông.
Còn tại trạm dừng chân thứ hai là Singapore, mặc dù ông Abe cũng đã có cuộc gặp với lãnh đạo nước chủ nhà nhưng điểm nhấn được quan tâm nhất lại là cuộc gặp riêng của ông với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden để bàn về biện pháp củng cố liên minh Mỹ - Nhật. Trước đó, Nhật Bản đã có ý định mua 42 máy bay tiêm kích tàng hình F-35 và một số tên lửa có cánh của Mỹ nhằm chuẩn bị cho khả năng áp dụng đòn tấn công phủ đầu đối với các mục tiêu của Trung Quốc và các tổ hợp tên lửa của Triều Tiên một khi bị đặt trong tình trạng nguy cấp.
Theo giới chuyên gia, tất cả những động thái trên của Thủ tướng Abe thể hiện đúng tinh thần được đích thân Thủ tướng Abe công bố trước thềm chuyến thăm. Ông nói: “Mục đích chính của tôi là làm cho các bên tuân thủ nguyên tắc tôn trọng pháp luật, chứ không phải sử dụng vũ lực trong các vấn đề quốc tế”.
Nhưng để tạo được đối trọng ngang cơ trong cuộc chơi này, ngoài việc tăng cường vũ trang cho quân đội, Tokyo cũng phải củng cố các quan hệ đồng minh nhằm tạo được sức mạnh tổng hợp thông qua một hệ thống các mắt xích chiến lược trong khu vực. Giới chuyên gia quân sự của Bắc Kinh, vì thế, không khó để nhận ra ý đồ này. Theo họ, chuyến công du tới Malaysia, Singapore và đặc biệt là Philippines của ông Abe lần này rõ ràng là âm mưu tập hợp các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc để hiện thực hóa tham vọng tìm kiếm liên minh chống Bắc Kinh.
“Ông Abe muốn thành lập một liên minh trên biển với một số quốc gia trong khu vực để kiềm chế Trung Quốc”, một nhà phân tích ở Bắc Kinh nói.
“Một số quốc gia thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), mà trước hết là Philippines, sẽ bị Nhật Bản lôi kéo vào liên minh chống Trung Quốc”, Viện nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện hàn lâm Xã hội Trung Quốc đánh giá.
Cũng theo viện trên, đây là động thái hoàn toàn khác với so với thời gian đầu khi ông Abe mới lên cầm quyền tháng 12 năm ngoái. Thay vì cố gắng khôi phục quan hệ Nhật - Trung như trước đây, thì giờ ông Abe lại chọn giải pháp cô lập Trung Quốc bằng cách lôi kéo các quốc gia ASEAN thành lập mặt trận chung với cam kết sẽ đánh đổi bằng các khoản đầu tư và cho vay tín dụng ưu đãi lớn.
Nhưng trên hết, nếu hình thành được vòng cung liên minh này, chuyến đi của Thủ tướng Abe sẽ giúp tạo ra vành đai chống Trung Quốc ở khu Đông Nam, chọc thủng đường lưỡi bò 9 đoạn của Bắc Kinh ở hầu hết Biển Đông và tạo ra thế hợp tác liên hoàn với vòng cung chống Trung Quốc ở Tây Nam do Mỹ đang xúc tiến thành lập.
Đức Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét