Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Vạch mưu đồ của Trung Quốc khi mua Su-35, S-400

Việc Trung Quốc mua tiêm kích Su-35 và hệ thống phòng không S-400 thực chất là nhằm đánh cắp công nghệ loại đạn tên lửa trang bị các vũ khí này.
Theo các nguồn tin quốc tế, gần như chắc chắn Nga sẽ cung cấp các máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35 cho Không quân Trung Quốc. Dự kiến, bản hợp đồng có thể chính thức được ký kết vào cuối năm nay, số lượng máy bay có thể là 24 chiếc ban đầu.
Ngoài ra, trong tương lai gần Trung Quốc có thể đạt thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới S-400 Triumf của Nga. Hai hệ thống vũ khí đặc biệt tối tân này sẽ tiếp tục nâng cao sức mạnh của Quân đội Trung Quốc, chiếm ưu thế trước Đài Loan, Nhật Bản hay cả Ấn Độ.
Theo đánh giá của Tạp chí Khán Hòa, với Su-35 Trung Quốc sẽ “thống trị” bầu trời khu vực Đông Á giai đoạn từ 2016 tới tận năm 2020. Phải tới khi, Nhật Bản sở hữu F-35 thì khi đó, cán cân quân sự mới dần cân bằng trở lại.


Còn với S-400, phạm vi phòng không của Trung Quốc có thể mở rộng tới 400 km. Điều này sẽ đưa toàn bộ đảo Đài Loan vào nằm trong tầm phòng không của Trung Quốc (nghĩa là nằm trong phạm vi hiệu quả của tên lửa Trung Quốc). Ngoài ra, nó cũng đe dọa khu vực quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku mà Nhật Bản kiểm soát.
Đạn tên lửa không đối không tầm siêu xa Novator K-100.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế mà hệ thống vũ khí tối tân Su-35, S-400 mang lại, Trung Quốc còn có “mưu đồ” muốn lấy những công nghệ “khủng” trên các loại vũ khí này.
“Đánh cắp” siêu tên lửa đối không Novator K-100
Theo tờ Ifeng, mục đích thực sự của việc nhập khẩu tiêm kích đa năng Su-35 của Trung Quốc hoàn toàn không phải là động cơ 117S và radar Irbis-E, mà là năng lực tấn công đường không tầm siêu xa với tên lửa Novator K-100.
“Giá trị thực sự của Su-35 đối với Trung Quốc là ở tên lửa không đối không siêu xa Novator K-100 do Nga chế tạo”, Ifeng viết.
K-100 do Cục thiết kế NPO Novator nghiên cứu phát triển từ giữa những năm 1990 cho nhiệm vụ không đối không nói chung, và tiêu diệt máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy đường không nói riêng. Nhưng quá trình nghiên cứu chế tạo rất không thuận lợi, mãi đến những năm gần đây mới có tin cho biết, biến thể cải tiến của nó là K-100-1 sẽ trang bị cho Su-35.
Đạn tên lửa K-100 thiết kế dựa trên khung thân cơ sở đạn tên lửa tổ hợp đối không 9K37 Buk với trọng lượng lớn lên tới 748kg, dài 0,61m và đường kính thân 0,4m. Tên lửa lắp đầu đạn nổ phân mảnh nặng tới 50kg đủ sức diệt mọi mục tiêu lớn.
K-100 trang bị động cơ đẩy kép nhiên liệu rắn cho phép đạt tầm phóng thấp nhất 200km, xa nhất tới 300km, độ cao diệt mục tiêu từ 3m tới 30km. Một số nguồn tin cho rằng tầm bắn tối đa lên tới 400km. Đây là cự ly mà bất cứ vũ khí không chiến nào hiện có hoặc đang nghiên cứu khác không thể tưởng tượng được.
Về phương thức dẫn đường, tên lửa được điều khiển bằng hệ định vị quán tính ở pha giữa và đầu tự dẫn radar chủ động Agat 9B-1103M (khóa mục tiêu ở cự ly 40km) ở pha cuối. Tên lửa được thiết kế để có thể mang trên tiêm kích Su-27, Su-30, Su-35, Su-30MKI và có thể là cả Su T-50.
Hiện nay, Nhật Bản và Mỹ đóng tại châu Á đều có lượng lớn máy bay cảnh báo sớm và máy bay tác chiến điện tử, tạo ưu thế trên không lâu dài trước Trung Quốc. Mặc dù trình độ máy bay chiến đấu thế hệ mới của Trung Quốc đã tiếp cận Mỹ – Nhật, nhưng vẫn thiếu phương thức hiệu quả để đối phó với máy bay cảnh báo sớm của Mỹ và Nhật.
Nếu tên lửa K-100 có thể cùng Su-35 nhập vào Trung Quốc, thì mới thực sự tăng mạnh sức chiến đấu trên không cho Trung Quốc.
Trung Quốc cũng "thèm khát" động cơ đạn tên lửa S-400.
Mặc dù tầm phóng của K-100 có thể vượt khoảng cách dò tìm của radar trang bị cho Su-27, Su-30 của Trung Quốc. Nhưng trong bối cảnh máy bay cảnh báo sớm thế hệ mới của Trung Quốc đã ra đời, nhập khẩu tên lửa K-100 sẽ trở thành “vũ khí tăng sức chiến đấu gấp bội” cho máy bay chiến đấu thế hệ mới Trung Quốc, thậm chí có thể sẽ dùng cho J-10 hoặc J-20.
Một số chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, Không quân Trung Quốc nhập khẩu máy bay chiến đấu đa năng Su-35 đã thể hiện ý đồ chiến lược hoàn toàn mới của nước này,  trong bối cảnh thế cân bằng chiến lược quân sự Đông Á vốn đã bị phá vỡ, làm cho cán cân sức mạnh trên biển – trên không càng nghiêng về phía Trung Quốc.
“Thèm khát” động cơ đạn tên lửa S-400
Về phần hệ thống tên lửa phòng không S-400, có thể nói đây là vũ khí phòng không bậc nhất thế giới hiện nay. Nó có khả năng tiêu diệt khí cụ bay của đối phương trong khoảng cách từ 40-400km và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60km.
Theo giới phân tích, nguyên nhân Trung Quốc mong mua được S-400 rất có thể nước này muốn có công nghệ động cơ của tên lửa đất đối không tầm xa (trang bị cho hệ thống S-400) để cải tiến tên lửa phòng không HQ-9 (Hồng Kỳ-9) của Trung Quốc. Vì tầm bắn của tên lửa HQ-9 chỉ đạt 125 km, vì vậy nếu muốn nâng tầm lên trên 200km thì Trung Quốc buộc phải thay động cơ mới.
Tầm bắn của biến thể S-400 xuất khẩu cho Trung Quốc đạt 380km đã tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với Trung Quốc. Tầm bắn của nó đều xa hơn so với phần lớn vũ khí phòng không của Mỹ.
Chuyên gia Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Moscow Vasily Kashin bình luận, trên thực tế, một khi Trung Quốc trang bị S-400, có thể được sử dụng để đối phó với mối đe dọa từ Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.
Có chuyên gia cho rằng, S-400 sẽ cho phép Trung Quốc đánh chặn tên lửa đạn đạo, đồng thời việc mua S-400 của Trung Quốc sẽ kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Vì hiện nay Ấn Độ chủ yếu dựa vào tên lửa đạn đạo để kiềm chế Trung Quốc.
(BKT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến