Theo BBC, nạn nhân là Đặng Hà, 56 tuổi, một người bán hàng rong tại quận Lâm Vũ thuộc thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam đã thiệt mạng sau cuộc ẩu đả với 6 nhân viên an ninh có nhiệm vụ quản lý đô thị vào sáng thứ 17/7. Cháu gái của ông Hà cho biết, khi vợ chồng ông Đặng Hà cố gắng bán dưa hấu trái phép đã bị các nhân viên quản lý đô thị tịch thu 4 quả dưa hấu và đuổi đi, song đôi vợ chồng này đã lăng mạ lại. Ông Hà bị một vật nặng đánh vào đầu còn vợ bị thương đang điều trị tại bệnh viện địa phương. Ông tử vong ngay sau đó.
Sáu nhân viên đô thị liên quan tới cái chết của ông Hà đã bị bắt giữ trong trại giam ở thành phố Sâm Châu. Chính quyền quận Lâm Vũ cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm (18/7), cuộc điều tra sơ bộ không phát hiện thấy cán bộ quản lý đô thị nào dùng vật kim loại nặng đánh vào đầu ông Hà song đã dấy lên làn sóng chỉ trích lên án sự lạm quyền, coi thường mạng người của lực lượng này. Cuộc biểu tình lớn tại quận Lâm Vũ yêu cầu các cơ quan chức năng trừng phạt những đối tượng gây ra cái chết của ông Hà. Chính quyền phải cử hơn 200 cảnh sát tới giải tán đám đông, ít nhất 10 bị thương sau cuộc đụng độ với cảnh sát.
Các cán bộ quản lý đô thị hay còn gọi là lực lượng Chengguan (Thành quản, tại Việt Nam được gọi là dân phòng) có nhiệm vụ hỗ trợ cảnh sát ngăn chặn các vụ vi phạm pháp luật lặt vặt. Tuy nhiên, người dân Trung Quốc luôn bất mãn trước thái độ hách dịch, ức hiếp người lao động của lực lượng này. Hồi tháng 7/2011 cuộc bạo động đã xảy ra sau khi các nhân viên quản lý đô thị đã đánh đến chết một người bán hàng rong bị tàn tật ở tỉnh Quý Châu. Mạng xã hội Trung Quốc từng xôn xao trước bức ảnh người đàn ông ôm chân một cán bộ van nài trong khi gã này đang hút thuốc và cười khểnh. Tháng 6 vừa qua, dư luận Trung Quốc lên án một dân phòng đánh đập và dẫm lên đầu một người bán xe đạp khiến người này bị thương nặng. Gần đây nhất là vụ đánh bom tại sân bay Bắc Kinh mà thủ phạm cũng chính là một nạn nhân của lực lượng an ninh -“những cánh tay nối dài” của chính sách trị dân của Bắc Kinh. Trong đó, tầng lớp “cùng đinh” như người người lao động chân tay có thể bị tước bỏ quyền sống trước những thứ quyền lực bị lũng đoạn bởi cơ chế bao che, dung túng cho những công cụ của nhà nước.
(SM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét