“Không công bằng nếu không để cho chúng tôi gian lận!”
Chung Tường chỉ là một thành phố nhỏ ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Nhưng điều kỳ lạ là mỗi năm, Chung Tường đều có lượng học sinh đỗ vào các trường đại học danh tiếng của Trung Quốc cao một cách bất thường.
Sự thật được phơi bày khi năm ngoái, Sở giáo dục tỉnh Hồ Bắc phát hiện trong cùng một môn thi có tới 99 bài giống hệt nhau! Kết quả là, 45 giám thị đã bị “phê bình nghiêm khắc” vì cố tình cho phép gian lận để chạy theo thành tích. Chính vì thế, năm nay, một kế hoạch thử nghiệm mới được áp dụng nhằm thiết chặt kỷ luật tại Chung Tường.
Đầu tháng 6 vừa qua, khi các học sinh của trường Trung học phổ thông Số 3 ở Chung Tường đi thi đại học, họ đã thất vọng nặng nề vì những người coi thi không phải là giáo viên của trường mà là 54 giám thị được chọn ngẫu nhiên từ nhiều trường khác nhau trên địa bàn.
Được hỗ trợ bởi máy phát hiện kim loại, những giám thị này không mấy khó khăn trong việc tịch thu các thiết bị giúp gian lận thi cử như điện thoại di động, các bộ truyền tin bí mật, một số thậm chí còn được thiết kế giống hệt những chiếc tẩy bút chì. Trong khi đó, bên ngoài trường, một đội tuần tra gồm nhiều quan chức giám sát hoạt động chuyển tài liệu vào cho thí sinh. Ít nhất 2 nhóm đã bị bắt khi đang cố gắng liên lạc với học sinh từ một khách sạn đối diện cổng trường.
Một nghiên cứu được Học viện âm nhạc Tây An thực hiện cho thấy, chỉ có 10% sinh viên nghĩ rằng gian lận là đê hèn. Rất nhiều sinh viên khác (30%) thấy những người xung quanh họ gian lận thành công và tin rằng họ đã đánh mất một điều gì đó nếu họ không gian lận.
Tuy nhiên, với các học sinh và phụ huynh đang chờ đón họ bên ngoài kia thì những quy định thi cử mới này là một “vi phạm quá đà”. Ngay sau khi buổi thi kết thúc, một đám đông đã bao vây trường để phản đối.
“Tôi đón con tôi lúc trưa. Nước mắt nó giàn giụa. Tôi hỏi tại sao lại khóc? Nó nói rằng giám thị đã khám người và lấy đi chiếc điện thoại nó giấu trong quần lót. Tôi quá tức giận và bắt nó quay lại chỉ cho tôi giáo viên đã làm việc này”, một người biểu tình có tên là Yin đã tường trình lại với cảnh sát như vậy sau đó.
Đến cuối giờ chiều, số giám thị coi thi vẫn bị mắc kẹt trong các văn phòng của nhà trường do nhiều nhóm học sinh tụ tập ném gạch đá vào cửa sổ. Bên ngoài, đám đông tức giận gồm hơn 2.000 người cũng kéo đến trút cơn thịnh nộ bằng cách đập phá ô tô và hô vang: “Chúng tôi muốn công bằng. Không công bằng nếu không để cho chúng tôi gian lận!”
Những người biểu tình lập luận rằng, gian lận và lừa dối đã là một nạn dịch ở Trung Quốc. Vì vậy việc buộc con em họ thi đại học mà không có sự “trợ giúp” là “không công bằng, là thiên vị”
“Tôi hy vọng con trai mình sẽ làm bài tốt nhưng giám thị đã làm ảnh hưởng tới kết quả của nó vì thế tôi quá phẫn nộ”, một người tên Zhao giải thích với cảnh sát.
Hàng trăm cảnh sát cuối cùng cũng đã được huy động để phong tỏa trường học và giải tán đám đông biểu tình đòi quyền “công bằng” trên. Câu chuyện nghịch lý này có lẽ chỉ diễn ra ở Trung Quốc!
Gian lận – phí tổn phải chấp nhận khi làm ăn với người Trung Quốc
Số lượng sinh viên Trung Quốc theo học các trường đại học ở Mỹ đạt mức kỷ lục. Tuy nhiên, một báo cáo được tờ New York Times đăng tải năm 2011 cho thấy: “90% ứng viên Trung Quốc nộp thư giới thiệu giả, 70% sinh viên nhờ người khác viết bài luận cá nhân, 50% làm giả bảng điểm học phổ thông và 10% liệt kê các giải thưởng nghiên cứu và những thành tích khác mà thực tế họ không nhận được”.
Báo cáo được New York Times trích dẫn dự đoán rằng con số này sẽ chỉ càng tồi tệ hơn nếu tiếp tục thống kê và gọi đây là một bài “toán nan giải”.
Nhưng có điều đây không phải là một phát hiện mới gì mới. Trên thực tế, bất cứ người Mỹ nào từng có kinh nghiệm làm việc trong thống giáo dục Trung Quốc khi đọc bài này sẽ chỉ nhún vai và lắc đầu. “Tôi không gọi đó là một bài toán nan giải. Tôi gọi đó là một sự ô nhục và là điều tôi nhận thấy ngay từ đầu”, Michael Levy, giáo viên từng tham gia giảng dạy tiếng Anh ở Đại học Quý Châu từ năm 2005-2007 nhận xét.
Levy kể lại rằng, khi anh giao bài tập cho sinh viên thì họ “thường” sẽ trả bài bằng một tài liệu lấy từ Internet. “Khi tôi dùng từ ‘thường’, nghĩa là 75% số bài đạo văn dưới dạng này hoặc dạng khác. Khoảng 10% hoàn toàn cắt dán từ Internet”. Levy đã từng chứng kiến một trường hợp quá buồn: một đồng nghiệp từ chối phạt một sinh viên sử dụng tài liệu trong một kỳ thi quan trọng. “Nếu có ai đó gian lận thì đó không phải là việc của tôi”, vị đồng nghiệp ấy giải thích với Lavy. “Bố mẹ sinh viên này rất có ảnh hưởng. Dại gì mà báo cáo sự việc”.
“Gian lận ở Trung Quốc? Họ vẫn thế! Hãy chấp nhận đây là một phần phí tổn làm ăn với người Trung Hoa”. Đó dường như đã trở thành câu cửa miệng của các giáo viên xét tuyển đại học Mỹ khi nói về tình trạng này ở Trung Quốc.
(BSH)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét