Giảm là xu thế
Đúng như dự báo của các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm đáng kể trong quí 2-2013: so với cùng kỳ năm ngoái GDP chỉ tăng 7,5%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với quí 1-2013. Tệ hơn nữa, xuất nhập khẩu đã không tăng ở mức 4% và 8% như dự báo mà ngược lại, xuất khẩu giảm 3,1%, nhập khẩu giảm 0,7% theo số liệu của Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc.
Trước tiên, cần khẳng định rằng, đà chậm lại này không phải là điều bất ngờ mà nằm trong một xu thế đã nhìn thấy trước. Quí 4 năm ngoái, GDP của Trung Quốc chỉ tăng 7,9% sau nhiều năm đứng ở mức trên 8%; quí 1 năm nay, con số này là 7,7% và sang quí 2 chỉ còn 7,5 mức tăng trưởng thấp nhất trong 23 năm qua.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này được cho la do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc đã giảm mạnh trên toàn thế giới, đồng nhân dân tệ (NDT) mạnh lên. Theo ông Sheng Laiyu, người phát ngôn Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, đà chậm lại này một phần còn do các nỗ lực cải tổ kinh tế, triển khai các chương trình cắt giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư để khuyến khích tiêu dùng nội địa. “Một số biện pháp, chẳng hạn như siết chặt thị trường bất động sản, giảm việc lạm dụng công quỹ, rút khỏi các chính sách kích cầu trước đây… tất yếu sẽ tác động đến tăng trưởng trong ngắn hạn. Nhưng sẽ có lợi cho nền kinh tế trong dài hạn, ông Sheng nói.
Bóng ma thất nghiệp và bất ổn xã hội
Nhưng cho dù nguyên nhân là gì thì sự sụt giảm tăng trưởng cũng gây ra những hệ quả xấu cho Trung Quốc, trước tiên là làm gia tăng tình trạng thất nghiệp và từ đó có thể gây bất ổn xã hội. Mỗi năm Trung Quốc phải tăng ít nhất 8% mỗi năm thì mới hấp thụ được số lao động khổng lồ đó. Sản xuất trì trệ, thị trường xuất khẩu bị giảm sút đang làm cho nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, thu hẹp hoạt động hoặc sa thải công nhân, càng làm tăng áp lực thất nghiệp. Hôm thứ Ba 16-7-2013, Tân hoa xã trích lời Bộ trưởng Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc Yin Weimin cho biết trong nửa đầu năm nay, thị trường lao động có thêm 7,25 triệu việc làm và tình trạng việc làm ổn định.
Ngoài áp lực thất nghiệp, theo Giáo sư Minxin Pei của Đại học Claremont McKenna College, đà sụt giảm tăng trưởng kinh tế có thể dẫn tới bất ổn chính trị nghiêm trọng.
“Đồng thuận Bắc Kinh” không phải là tối ưu
Đối với thế giới bên ngoài, kinh tế Trung Quốc chậm lại cũng sẽ tác động xấu tới các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu nguyên liệu hoặc bán thành phẩm sang Trung Quốc như Úc, Malaysia, thậm chí cả Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc cũng sẽ làm giá cả của nhiều loại nguyên liệu chiến lược như dầu thô, quặng kim loại, than đá, vàng… giảm xuống trong khi giá các sản phẩm công nghiệp, điện tử tiêu dùng tăng lên, chấm dứt thời kỳ bùng nổ hàng hóa giá rẻ trên toàn thế giới.
Đi xa hơn, theo Giáo sư Pranab Bardhan của Đại học UC Berkeley, cùng với đà suy giảm tăng trưởng, sức hấp dẫn của mô hình kinh tế kiểu Trung Quốc mà nhiều quốc gia đang phát triển muốn học theo mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc (gọi là “Đồng thuận Bắc Kinh – Beijing Consensus) đối lập với mô hình tư bản chủ nghĩa kiểu Mỹ gọi là “Đồng thuận Washington” (Washington Consensus), nhưng khi Trung Quốc phải chật vật chống lại nạn tham nhũng tràn lan, bong bóng bất động sản thu hẹp vai trò quá lớn của nhà nước trong nền kinh tế, chấn chỉnh nạn đầu cơ tài chính cũng như khắc phục tình trạng phân bổ nguồn lực không hợp lý, đầu tư không hiệu quả vào các tập đoàn nhà nước và khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp xã hội ngày càng rộng, thì người ta vỡ ra rằng, mô hình này không phải là con đường phát triển tối ưu như ngộ nhận.
Thử thách quyết tâm cải cách
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhìn nhận xu thế suy giảm này là một dấu hiệu tích cực, một bằng chứng cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận đau đớn tạm thời để đẩy nền kinh tế sang mô hình mới, bền vững hơn, ổn định hơn trong dài hạn.
Từ khi lên nắm quyền hồi cuối năm ngoái, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần nói tới yêu cầu cải tổ hệ thống kinh tế. Chủ tịch Trung Quốc Tập cận Bình gần đây đã cảnh báo các quan chức nước này bớt quan tâm tới yêu cầu cải tổ hệ thống kinh tế. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã cảnh báo quan chức nước này bớt quan tâm tới GDP mà hãy lo nâng cao chất lượng cuộc sống, quan tâm tới sự phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Cam kết quen thuộc của Thủ tướng Lý Khắc Cường là đẩy mạnh cải cách kinh tế, chính phủ sẽ không vội đưa ra các gói kích cầu mới mà đòi hỏi các doanh nghiệp phải tự lực cách sinh thay vì bấu víu vào bầu sữa của nhà nước.
Bên lề cuộc đối thoại chiến lược Mỹ – Trung tại Washington tuần trước. Bộ trưởng tài chính Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei) còn cam kết Chính phủ Trung Quốc sẽ không can thiệp vào thị trường như trong quá khứ. “Cải tổ cơ cấu là một việc đau đớn. Không thể cải tổ cơ cấu nếu bạn vẫn muốn cảm thấy thoải mái và duy trì mức tăng trưởng rất cao”, ông Lưu nói với Tân hoa xã.
Thách thức là ở chỗ, nhiều nhóm lợi ích ở Trung Quốc – như các tập đoàn kinh doanh bất động sản, tài chính, doanh nghiệp nhà nước – sẽ không chia sẻ nỗi đau đớn của cải tổ cơ cấu. Chính phủ Trung Quốc có vượt qua được thách thức này, không là chuyện chưa biết trước được.
Tiến thoái lưỡng nan
Nhìn toàn cục, Chính phủ Trung Quốc đang ở thế thiến thoái lưỡng nan: chọn lựa cải cách và tăng trưởng. Tình hình hiện nay có vẻ như quan điểm cải cách đang lấn lướt nhưng các nhà phân tích tin rằng, Bắc kinh sẽ tay nếu có tăng trưởng kinh tế xuống dưới mức 7% so với năm trước, đặc biệt là nếu như số thất nghiệp tăng đột biến. Thực tế, Trung Quốc vẫn có dư địa rộng rãi để thực hiện các biện pháp kích cầu, chẳng hạn như sử dụng quỹ tiết kiệm trị giá 3.000 tỉ NDT (488 tỉ đô la Mỹ) hoặc tăng chi tiêu ngân sách – hiện chỉ thâm hụt ở mức 2% GDP- để hỗ trợ trăng trưởng khi cần thiết.
Năm 2013 cũng là năm cầm quyền đầu tiên của “thế hệ lãnh đạo thứ năm” của Trung Quốc, đứng đầu là Chủ tịch Tập và Thủ tướng Lý, và theo nhiều chuyên gia, các vị này sẽ không để suy giảm kinh tế xói mòn uy tín của mình trong cán bộ và nhân dân Trung Quốc .
Trung Quốc sẽ lựa chọn chính sách theo hướng nào – điều đó có thể sẽ do hội nghị mùa thu của đảng Công Sản Trung Quốc quyết định trong vài tháng tới.
HH (TBKTSG)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét