Cũng như bao đứa trẻ khác cùng làng, tôi lớn lên với hương lúa chín của làng quê nhỏ bé miền trung du. Tuổi thơ của tôi là bà nội, là những bông hoa gạo rực lửa đốt cháy cả dòng sông lạnh ngắt. Những đêm đông, tôi thiếp đi trong hương trầu thơm nồng, trong câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa bà kể.
Những tối hè nằm trên chiếc chõng tre, tiếng ru của bà cùng tiếng gió từ chiếc quạt nan đưa tôi vào giấc ngủ. Tất cả cứ thế bình lặng và yên ả trôi theo tiếng thở của thời gian. Và cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi trong trí óc non nớt của tôi, bà là tất cả.
Tôi không có mẹ – hay nói đúng hơn – mẹ đã ra khỏi cuộc đời tôi từ khi tôi mới là đứa bé hai tuổi. Còn cha – tôi chỉ nhớ đó là người đàn ông dong dỏng cao. Mỗi khi tết đến, người đàn ông đó lại về thăm bà và tôi, đi cùng một người đàn bà và hai đứa trẻ.
Mọi người bảo đấy là cha và dì của tôi. Nhưng thường thì tôi chẳng quan tâm lắm đến họ, tôi chỉ thích chơi với hai đứa bé thôi. Đứa bé gái mặc chiếc váy trắng viền đăng ten – chiếc váy mà cả trong giấc mơ, tôi cũng chưa bao giờ mơ được mặc. Thằng con trai mặc áo trắng bỏ thùng.
Lúc ấy trong đôi mắt của tôi, chúng là thiên thần, còn tôi chỉ là một con nhóc xấu xí. Hơn thế chúng lại có rất nhiều kẹo. Những chiếc kẹo xanh đỏ thật hấp dẫn khác hẳn với thanh chè lam bà thường cho tôi ăn.
Thế nhưng tôi chỉ dám đứng nhìn mà thôi. Tôi không dám xin vì chúng như hoàng tử với công chúa, còn tôi chỉ là người hầu hạ mà người hầu thì chẳng bao giờ được ăn kẹo cùng hoàng tử, công chúa cả.
Những lúc ấy, bà thường gọi tôi vào bếp, dúi cho một thứ gì đó như nắm xôi hay quả ổi rồi bà bảo: “Ăn kẹo vào là đau bụng đấy”. Chỉ cần bà nói thế là tôi đã chẳng còn thích những chiếc kẹo ấy nữa, nhưng tôi vẫn luôn có những câu thắc mắc “chẳng hiểu sao hai đứa kia ăn nhiều kẹo thế mà không đau bụng”.
Và cuối cùng thì tôi cũng tìm được câu trả lời và cứ thế ngốc nghếch tin rằng mình đúng “chắc ông thần kẹo chẳng thích mình”.
Theo thời gian trôi, tôi không còn là đứa bé chỉ biết quẩn quanh bên chân bà nữa. Tôi đã đến tuổi đi học. Ngày đầu tiên được cắp sách đến trường quả là một ngày vô cùng trọng đại đối với tôi.
Sáng hôm ấy, bà gọi tôi dậy từ sớm, mặc cho tôi bộ quần áo đẹp nhất rồi bà đưa tôi đến trường. Có lẽ lúc ấy tôi đã nín thở để chặn sự hồi hộp đang òa vỡ trong lòng. Tôi se sẽ nắm lấy tay bà – bàn tay nhỏ bé nằm gọn trong bàn tay với những đường gân xanh nổi lên làn da nhăn nheo – khẽ khàng từng bước đi theo bà.
Đến trước cổng trường tôi ngơ ngác trước sự tưng bừng, náo nhiệt mà tôi chỉ thấy vào những ngày lễ hội. Bọn bạn tôi đứa nào cũng được bố mẹ dắt đến, chúng ăn mặc đẹp và vui cười hớn hở.
Tự nhiên tôi cảm thấy mình buồn lạ lùng khi hôm nay bố không đi cùng tôi. Tôi lặng lẽ nấp sau lưng bà – chẳng hiểu sao tôi muốn bỏ về quá. Và hình như bà cũng nhận thấy sự thay đổi của tôi nên bà cúi xuống cài lại cúc áo cho tôi, rồi bà bảo:
- Bà biết cháu buồn nhưng cháu không thích bà đi cùng hay sao?
- Không, cháu thích đi với bà lắm nhưng nhìn thấy bố mẹ chúng nó thì cháu nhớ bố cháu thôi.
Bà cười rồi bà đẩy tôi lên phía trước:
- Hãy dũng cảm lên cháu của bà.
Tan học, tôi là người chạy ra khỏi lớp đầu tiên. Tôi muốn viết cho bà xem chữ “O” đi liền với câu nói quen thuộc của bà “O tròn như quả trứng gà” và thật ngạc nhiên khi tôi thấy bà đang ngồi dưới gốc cây đa, tay bà cầm chiếc nón phe phẩy quạt. Bà đến đón tôi.
Tôi nhón chân nhẹ nhàng vòng ra sau lưng bà rồi ghé mặt thơm môi một cái rõ to. Bà giật mình nhìn tôi rồi bà cười:
- Cha cô, định trêu bà hả?
Nhanh thật là nhanh, thế là đã 9 năm trôi qua từ sau buổi học đầu tiên đáng ghi nhớ ấy. Bây giờ tôi đã là nữ sinh lớp 9 – tôi đã lớn – không còn buồn vì không có bố đưa đi học như ngày xưa. Thế nhưng với bà, tôi vẫn luôn là con bé chíp hôi như ngày nào.
Còn với tôi, bà là tất cả những gì mà tôi có. Bà là bà tiên ban phép lành trong câu chuyện cổ tích. Cha mẹ và dì chỉ còn là những cái bóng rất mờ nhạt trong tiềm thức tôi. Cũng có đôi lần bà hỏi “Cháu có nhớ mẹ không?”. Lần nào tôi cũng dựa vào lưng bà rồi khẽ lắc đầu “Cháu có bà rồi, cháu chẳng cần mẹ nữa, nhưng mẹ cháu là ai hả bà?”.
Bà ôm tôi vào lòng, bà cười nhưng giọng nói của bà lại nghẹo ngào. Dường như chúng vương cả vị mặn của nước mắt: “Cháu tôi tội quá!”, và bà chỉ nói một câu duy nhất ấy thôi, chẳng bao giờ bà trả lời câu hỏi của tôi cả. Tôi cũng chẳng thắc mắc nhiều về mẹ. Đối với tôi, từ “mẹ” sao quá mơ hồ, như một điều không có thực trên đời, lại cao xa.
Tôi luôn luôn được nghe người khác gọi mẹ, nhưng có lẽ cả cuộc đời không bao giờ tôi được thốt ra lời gọi mẹ ngọt ngào âu yếm ấy. Vì thế, tôi bằng lòng với tất cả những gì tôi hiện có. Tôi cần bà và tôi đã có bà, vậy là đủ.
… Cầm sắc đỏ hoa gạo, tôi đặt lên mộ bà. Hôm nay tôi đến chào tạm biệt bà vì ngày mai tôi sẽ ra thành phố ở cùng bố và dì. Thế là bà xa tôi gần hai tháng rồi, nhưng tôi vẫn không thể nào quen được với sự thật. Tôi luôn nghĩ rằng bà đi đâu đấy rồi một lát nữa bà sẽ về.
Những lần đi học chẳng ai nhắc tôi đội mũ, mang áo mưa và đi học cùng tôi, bởi thật đơn giản: bà đã mãi mãi đi xa chỉ vì một căn bệnh rất đỗi kỳ quặc – bệnh tuổi già. Ngày bà mất, tôi chẳng còn biểt mình đã nghĩ gì, làm những gì, nhưng duy nhất một điều mà tôi biết là tâm hồn tôi trống vắng, hoang vu. Mất bà cũng gần như tôi đã mất tất cả.
Tôi lặng lẽ ngồi bên mộ bà mặc cho làn gió khẽ mơn trớn làm tung bay mái tóc rối. Mái tóc mà ngày trước mỗi lần gội xong, bà lại chải cho tôi “Tóc cháu bà đẹp lắm, nhưng phải chăm gội bồ kết đấy nhé”.
Thế mà ngày mai tôi đã phải xa bà rồi, phải xa miền quê nhỏ bé mà tôi đã gắn bó, miền quê đã ban tặng cho tôi một người bà, tôi đã qua những tháng năm ngây thơ chạy nhảy chẳng biết phải chịu đựng những ánh mắt không mấy thiện cảm của dì và tiếng thở dài của cha, nhưng chắc chắn tôi sẽ vượt qua được tất cả vì bà luôn ở bên tôi. Bà sẽ giúp đỡ tôi, bà sẽ truyền cho tôi nghị lực để tôi vững bước bởi vì trong trái tim tôi – bà là tất cả.
Mặt trời đang từ từ xuống sau dãy núi phía xa. Từng ánh nắng vàng đục vương len mộ bà cứ nhạt dần, nhạt dần rồi mất hẳn. Mùi nhang thoảng bay trong gió làm sống mũi tôi cay cay. Hoàng hôn bao trùm mọi cảnh vật, tất cả thật yên ắng, chỉ còn lại khúc đồng ca xào xạc của rừng lau.
Một ngày đã trôi qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét