Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Lấy lòng bố mẹ người ấy đã đủ ???

Khi tình yêu đủ lớn, trong lòng bạn sẽ xuất hiện thêm một nỗi lo mới: liệu bố mẹ người ấy có ưng bạn?

Sau khi vượt qua cửa ải khó khăn đó, bạn nghĩ rằng giông tố đã qua. Nhầm to nhé, nhiệm vụ của bạn còn là lấy lòng “n” người nữa cơ. Đó là ai?

Cô em gái của chàng.

“Bố mẹ của anh ấy rất quý tớ, thường xuyên mời tớ đến nhà chơi. Hai bác cởi mở lắm, quan tâm tớ nhiều ngang anh ấy luôn. Vậy mà, đùng một phát, cô em ruột của chàng từ bên Pháp trở về nghỉ ăn Tết ở Việt Nam. Nó tỏ vẻ ghét tớ ra mặt. Bác gái bảo vào rửa chung bát đũa với tớ, nó cũng chẳng chịu. Tớ hỏi gì thì gắt gỏng trả lời. Tớ tìm mọi cách để làm thân. Tặng quà nhân ngày sinh nhật, đi chơi gì cũng mua đồ tặng cô nhóc, gửi tặng cô nhóc vài cuốn sách hay, gợi ý vài địa điểm du lịch hay ho. Cô nhóc gạt hết đi, làm tớ chán vô cùng.

Nhưng bất ngờ, một ngày, cô nhóc ấy nhắn tin cho tớ... “cầu cứu”. Chẳng là chị gái của người yêu cô nhóc (hiện đang ở Việt Nam) cũng tỏ thái độ ghét cô nhóc. Tớ và em người yêu bỗng chốc thành một phe, nói chuyện nhiều nên thân nhau hơn. Bây giờ, nhỏ và người yêu kia đã chia tay nhau, nhưng không vì thế mà tớ và cô nhóc bớt thân đi đâu đấy” (Mai Lan, Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội)






Mách nhỏ bí kíp:

Chân thành lắng nghe và kiên nhẫn “thấu hiểu”. Tuyệt đối không “phản đòn” bằng cách chơi xấu, đá đểu em gái/ em trai/... của người ấy. Cố tìm ra điểm chung để làm thân. Tỏ rõ thành ý muốn trở thành người nhà với “đối tượng”. Tránh tình trạng giả tạo “làm hòa”. Nếu bạn không thể “ưa nổi” người đó (giả sử thôi nhé), thì tốt nhất là hạn chế tiếp xúc. Lối cư xử giả tạo sẽ sớm bị vạch trần mà thôi!


Cô giúp việc nhà người ấy.

“Bữa trước, tôi nghe bố mẹ phê bình chàng người yêu của tôi quá trời. Chẳng hiểu chàng đã cư xử sao với cô giúp việc, chứ qua những lời bố mẹ tôi kể lại, thông qua sự phản ánh của cô giúp việc, chàng quát nạt cô ấy như thể chàng là... chủ nhà. Hơn nữa, chàng còn ăn nói xấc xược vô cùng, thiếu thái độ tôn trọng người lớn tuổi. Bố mẹ tôi coi cô ấy như người nhà nên cũng bực bình lắm. Mà cũng phải thôi, đến tôi còn chán nữa là. Chàng đang đi công tác xa, tôi không muốn mang chuyện ra tranh cãi trên điện thoại khiến chàng bận tâm. Nhưng để trong lòng thì khó chịu không chịu nổi.” ( Phương Anh, ĐH Thăng Long)


Mách nhỏ bí kíp:

Đến nhà người ấy, nếu bạn tự coi mình là khách, hãy biết tôn trọng chủ nhà, bao gồm cả người giúp việc của họ. Nếu bạn tự cho mình là người nhà, hãy thân thiện với tất cả mọi người. Tuyệt đối không ra vẻ bề trên, tránh những hành động vô lễ.


Cháu nhỏ của người ấy thì sao nhỉ?

“Chị gái của người yêu tớ, mặc dù đã lấy chồng nhưng trong thời gian chờ lấy được căn hộ chung cư đặt mua, gia đình chị ấy vẫn ở nhà bố mẹ đẻ. Thằng bé con chị ấy năm nay 3 tuổi. Tớ thì không yêu quý trẻ con lắm. Vì thấy chúng nó rắc rối, khó mà “xử lý” nổi. Có một lần, tớ ghé qua nhà đúng lúc chỉ có người yêu tớ và thằng bé ở nhà. Người yêu bảo tớ trông hộ để chạy ra ngoài một lúc. Thằng bé nghịch quá mà tớ chẳng biết làm sao. Tớ chỉ quát nó đúng một câu thôi mà sau đó, nó về kể với cả nhà khiến tớ không biết giấu mặt đi đâu” (Yến Anh, HV Quân Y)


Mách nhỏ bí kíp:

Sẵn sàng tinh thần ứng phó với những đối thủ nhỏ tuổi nhưng nặng kí này. Chuẩn bị cả tá câu chuyện cổ tích để “lấp đầy” khoảng thời gian trống, nạp sẵn kiến thức để giải đáp rất nhiều câu hỏi tại sao của những đứa trẻ.

Bình tĩnh, tuyệt đối không to tiếng. Trẻ con không biết nói dối, và bạn không có quyền ghét trẻ con đâu. Thật đấy. “Trẻ con luôn đúng” cơ mà! Giờ thì bạn đã sẵn sàng ghé thăm nhà người ấy chưa nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến