Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Buông lỏng và chèn lấn


Buông lỏng và chèn lấn
Mỗi khi nói đến những yếu kém của khu vực kinh tế nhà nước, người ta thường quên vai trò của các bộ, ngành được giao làm đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước. Giả thử các nơi này chỉ cần làm đúng chức trách được giao, tuân thủ nghiêm khắc các quy định sẵn có, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng không đến nỗi lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất như bây giờ.
Lấy ví dụ, theo Thông tư 242/2009 hướng dẫn thi hành quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước… không được tự ý vay vốn làm cho hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt quá ba lần mà phải báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước xem xét quyết định.
Thế nhưng, theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của 91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2011, có đến 30 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, trong đó có 8 tập đoàn, tổng công ty trên 10 lần! Chẳng hạn, Tổng công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc vay nợ đến 56,47 lần so với vốn, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - 21,85 lần, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - 15,07 lần! Báo cáo không nói là một khi tỷ lệ này vượt ba lần như quy định, các bộ, ngành làm đại diện chủ sở hữu có nhắc nhở gì các tập đoàn, tổng công ty hay không, họ quyết định cho vay vượt mức như thế nào và có báo cho Bộ Tài chính theo quy định hay không.
Để tránh nợ nần chồng chất, Thông tư 242 quy định công ty nào không được phép huy động vốn vượt mức ba lần như nói ở trên nhưng liên tục hai năm liền có hệ số nợ phải trả vượt vốn điều lệ ba lần thì phải có kế hoạch cơ cấu lại nguồn vốn như điều chỉnh vốn điều lệ, chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính, đa dạng hóa sở hữu các đơn vị thành viên, thu hồi vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính hoặc kém hiệu quả. Liệu đã có tập đoàn, tổng công ty nào trong 30 đơn vị nói trên bị yêu cầu thực hiện những biện pháp này? Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ báo cáo với Quốc hội nhưng liệu trước đó đã có biện pháp yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng theo tinh thần Thông tư 242?
Vì sự buông lỏng này, tình hình nợ nần ở các tập đoàn, tổng công ty đã lên đến mức báo động. Năm 2011, tổng số nợ phải trả của tập đoàn, tổng công ty là 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2010. Gần 1,3 triệu tỷ đồng, tức là gần bằng một nửa tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế, chỉ ở 90 tập đoàn, tổng công ty nhà nước! Vẫn biết nợ của các doanh nghiệp bao gồm nhiều dạng như trái phiếu chứ không chỉ tín dụng ngân hàng nhưng với con số và tỷ lệ lớn như thế, còn đâu tín dụng cho các thành phần khác của nền kinh tế.
Thử nhìn vào các tập đoàn có nợ phải trả lớn như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nợ phải trả 286.817 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nợ phải trả 275.278 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam, nợ phải trả 69.577 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, nợ phải trả 61.768 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam, nợ phải trả 71.112 tỷ đồng, không thể nào hình dung nổi một đơn vị không thôi có số nợ bằng một phần mười tổng dư nợ của toàn nền kinh tế. Cứ lấy chi phí vay nợ thấp nhất mà tính cũng sẽ thấy rằng các đơn vị này chạy đủ tiền để trả lãi cũng đã hết sức rồi, còn đâu trả nợ gốc hay có lãi trừ phi được ưu đãi hết mức.
Chúng ta còn nhớ đã có nhiều quy định khống chế mức đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước cũng như những yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải thoái dần vốn ra khỏi những nơi đã đầu tư trái ngành. Thế mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2011 vẫn tăng đầu tư vào các lãnh vực chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng và bất động sản lên đến 23.744 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2010).
Một điểm cuối cùng cũng có thể gây bất ngờ ở nhiều người. Theo báo cáo của Chính phủ gởi Quốc hội, năm 2011, thuế thu nhập doanh nghiệp mà các tập đoàn, tổng công ty nộp cho nhà nước là 47.710 tỷ đồng (tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của khu vực doanh nghiệp nhà nước mà Bộ Tài chính công bố trong cân đối thu chi ngân sách năm 2011 là 56.265 tỷ đồng). So với tổng thu thuế thu nhập doanh nghiệp của tất cả mọi thành phần là 184.481 tỷ đồng, thì các tập đoàn, tổng công ty chỉ chiếm 25,8%. Tín dụng, đất đai, chính sách ưu đãi, nhiều nguồn lực khác, cái nào các doanh nghiệp nhà nước cũng chiếm tỷ lệ cao nhưng nộp thuế thì chỉ chiếm một phần tư – có lẽ câu hỏi về hiệu quả đã có câu trả lời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến