Chuyện vàng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi, cả ngoài xã hội lẫn trên hội trường Quốc hội. Nhưng có một câu hỏi chưa thấy ai, kể cả các quan chức ở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trả lời: Vì sao cần có một thương hiệu vàng quốc gia?
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chỉ giải thích vì sao chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia (“SJC chiếm 93-95% thị trường vàng miếng; để tránh sự nhầm lẫn và lãng phí nên chúng tôi chọn thương hiệu này”) mà không nói vì sao cần phải có một sự chọn lựa như thế. Ông khẳng định không hề bắt buộc người dân phải chuyển đổi từ các loại vàng khác sang vàng SJC cũng như không hề có sự phân biệt đối xử giữa các loại vàng này. Thế thì chọn SJC làm thương hiệu vàng của NHNN để làm gì?
Nếu nói NHNN đang nỗ lực chống hiện tượng “đô-la hóa”, “vàng hóa” trong nền kinh tế thì việc có một thương hiệu vàng quốc gia lại góp phần làm nặng thêm tình trạng “vàng hóa” chứ đâu phải ngược lại.
Theo thông lệ quốc tế, vàng được chia làm hai loại: vàng tiền tệ và vàng phi tiền tệ, tức là vàng hàng hóa. Vàng tiền tệ là vàng do ngân hàng trung ương sở hữu và nắm giữ làm tài sản dự trữ, lúc đó vàng cũng tương đương như ngoại tệ. Ví dụ, chính phủ Mỹ nắm giữ 8.133 tấn vàng, chiếm đến 76,6% tổng dự trữ ngoại tệ của nước này; hay Trung Quốc có chừng 1.054 tấn vàng dự trữ, chỉ chiếm 1,8% tổng dự trữ ngoại tệ (số liệu cuối năm 2010). Vàng phi tiền tệ là vàng do người dân, doanh nghiệp hay thậm chí do các ngân hàng thương mại nắm giữ cho dù mục đích là kinh doanh hay lưu giữ giá trị.
Nếu NHNN bỏ tiền ra mua vàng đưa vào kho dự trữ của mình thì lúc đó mới gọi là hạn chế tình trạng “vàng hóa”. Vàng đưa vào dự trữ là vàng thỏi bốn số 9, chứ cần gì phải là vàng có thương hiệu quốc gia. Đằng này khi quyết định chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia trong khi trong tay nắm không bao nhiêu số lượng vàng này, có nghĩa NHNN đã “vàng hóa” trên quy mô lớn, thậm chí là rất lớn, bởi vàng SJC trong tay người dân có khả năng biến thành vàng tiền tệ trong một sớm một chiều. Hay nói cách khác, vàng SJC trong dân từ chỗ là hàng hóa bình thường nay bỗng trở thành một dạng ngoại tệ, càng làm chính sách tiền tệ khó điều hành.
Nhìn như thế mới thấy vì sao giữa vàng SJC và vàng thương hiệu khác đang có chênh lệch lớn về giá, vì sao người dân cứ chuyển đổi vàng phi SJC thành vàng SJC cho yên tâm bất kể lời trấn an hay lời khuyên của quan chức không nên vội vàng chuyển đổi.
Ở góc độ quản lý, có người giải thích, sở dĩ NHNN quyết định có một thương hiệu vàng quốc gia là để ngăn ngừa chuyện nhập lậu vàng, làm thất thoát ngoại tệ và gây căng thẳng tỷ giá. Mỗi khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế, dân buôn lậu sẽ thu gom đô-la Mỹ đem ra nước ngoài mua vàng, chuyển lậu về Việt Nam để hưởng chênh lệch giá. Nay vàng lậu đem về lại bằng giá quốc tế (hiện giá vàng phi SJC thấp hơn giá vàng SJC nên gần như tương đương giá vàng thế giới) thì sẽ không còn ai buôn lậu, cầu ngoại tệ không có thì áp lực lên tỷ giá sẽ không tồn tại.
Ở đây chúng ta thấy ngay hàng loạt lỗ hổng về quản lý. Có gì bảo đảm vàng lậu nhập về không được chuyển thành vàng SJC với chi phí không đáng kể dưới dạng vàng phi SJC muốn chuyển đổi thành vàng SJC? Hiện nay quá trình này vẫn đang diễn ra và NHNN chịu áp lực phải giúp chuyển đổi nhanh, đi đến chỗ không còn chênh lệch giá giữa các loại vàng. Như thế chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia có giúp ổn định tỷ giá chăng? Có ai bảo đảm tỷ giá không biến động nhờ chính sách vàng hay nhờ Việt Nam từ chỗ nhập siêu lớn sang xuất siêu hay do đồng đô-la Mỹ yếu đi so với nhiều đồng tiền khác? Quan trọng hơn, một khi NHNN khẳng định không phân biệt đối xử giữa các loại vàng thì làm sao hạn chế được vàng nhập lậu như mong muốn.
Việc quyết định phải có một thương hiệu vàng quốc gia đang gây ra nhiều xáo động trên thị trường, tạo ra nhiều khe hở dễ bị lợi dụng, đồng thời tạo ra cơ chế xin cho nên sẽ có nhiều người hưởng lợi và nhiều người, chủ yếu là người dân thiếu thông tin bị thiệt hại.
Đáng ngạc nhiên nhất, thương hiệu vàng quốc gia là chuyện nói miệng chứ không có cơ sở pháp lý nào cả. Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng hoàn toàn không có dòng nào về thương hiệu vàng quốc gia. Nghị định này chỉ nêu nguyên tắc quản lý là “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng” và định nghĩa rõ: “Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ”. Rõ ràng tinh thần của Nghị định này là sẽ tồn tại song song nhiều thương hiệu vàng miếng chứ đâu nói gì đến một thương hiệu vàng quốc gia!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét