Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Bay 1.400km chỉ vì muốn ăn cơm nhà với Ba Mẹ


Con đã bay hơn 1.400 km để về nhà chỉ vì muốn chuẩn bị một bữa cơm và ăn cùng ba mẹ. Có người bạn con bảo, con thật xa xỉ. Con có thể dùng số tiền đó để biếu để ba mẹ có thể mua nhiều món ngon, phù hợp. Nhưng con hiểu, có những bữa cơm đâu thể mua bằng tiền là có được.
Sáng sớm nọ, con nhận được điện thoại của mẹ khi vừa mới tỉnh ngủ. Mẹ hiếm khi gọi cho con vào những giờ như thế. Con sợ ở nhà có chuyện gì không vui. Nhưng đầu dây mẹ trấn an con ngay bằng câu ba mẹ khỏe, còn mẹ nghĩ con đang bị ốm.
Mẹ bảo, tối qua mẹ ngủ, mẹ nằm mơ thấy mẹ ôm con, mà suốt đêm con trằn trọc. Con ngủ được một chút, nhưng hình như con gặp ác mộng nên con lại giật mình và con nức nở khóc. Mẹ đã ôm chặt lấy con, vỗ về con, có mẹ bên cạnh, con đừng sợ. Nhưng hình như con vẫn không ngủ được.
Nghe mẹ nói, nước mắt con đã tự chảy. Đúng là hai tuần liên tiếp đó, con đã bị ốm, mệt mỏi. Giấc ngủ con chập chờn, cứ mê man vài tiếng con lại tỉnh giấc. Con chẳng gọi về cho mẹ, vì con sợ mẹ lo lắng. Con cũng chẳng nói với anh chị. Con giấu nỗi buồn, sự mệt mỏi của mình vào đêm, vào công việc…
Con đã gần 30 tuổi, bạn bè của con hầu hết đã có gia đình. Nhiều bạn đã phải chăm sóc cho vài ba đứa trẻ. Còn con, con vẫn còn bé bỏng trong mắt mẹ, vẫn cần mẹ vỗ về trong những giấc ngủ không bình yên. Mẹ luôn ở bên con, dù xa, hay gần…
Nhiều lần khi về nhà, con đã tìm cách ngủ trước mẹ. Vì con sợ phải trả lời những câu hỏi của mẹ. Con sợ những lúc con trở mình trong đêm, con làm mẹ thức giấc. Nhưng, rất nhiều lần khi con tỉnh giấc lúc nửa đêm, con thấy mẹ đang nằm ôm con khe khẽ. Vì mẹ sợ mẹ làm con tỉnh giấc.
Hôm trước lúc con về nhà, con nói với mẹ con thèm ăn đậu luộc. Con nhớ những hạt đậu béo và bùi. Mẹ bảo, đậu đang rất xanh, giờ này chưa luộc ăn được. Con đã định sẽ lên chợ để mua về…sáng hôm sau, con đi chợ, con mải mê mua nhiều món khác mà quên đi cơn thèm món đậu luộc mình đang rất muốn ăn trước đó.
Con vẫn luôn thế, tự nhiên thích ăn một món gì đó nhưng phải ăn tức thì, vì vài giờ sau đó, đôi khi con đã quên mất. Nhưng mẹ luôn nhớ những món mà con muốn ăn. Mẹ luôn chuẩn bị những món con thích khi con về nhà và trưa hôm đó, con thấy có một đĩa đậu luộc để trong mâm cơm. Con đã muốn khóc…
Hồi con học cấp 2-3, con bé tẹo, con lười ăn. Mẹ luôn tìm những món con muốn ăn nhất để nấu cho con. Nhớ có lần, con thủ thỉ với mẹ, con muốn ăn xôi đỗ xanh nóng, dù bình thường xôi không phải là món con thích. Con tưởng tượng đến bát xôi nghi ngút khói, đầy đỗ xanh. Con đã nghĩ, mình có thể ăn vài bát như vậy. Nhưng dù mẹ nấu rất ngon, lúc dọn ra con chỉ ăn được vài muỗng. Con đã thương mẹ vô kể và tự trách cho tính đỏng đảnh của mình.
Lúc con học cấp 2, con có một góc học tập ở nhà ông. Con dành hầu hết thời gian của mình ở đó. Nhiều hôm học bận, con tranh thủ ăn cơm trước một mình mà không dùng bữa với cả nhà.
Con lên đại học, mỗi lần về nhà, con thường đi chơi với các bạn. Có những lần về nhà 4 ngày, con chỉ ăn cơm ở nhà vài ba bữa.
Lúc con đi làm, dịp tết anh trai về, anh đưa ra giao hẹn, dù đi chơi ở đâu thì ngày cũng phải ăn cơm 3 bữa với ba mẹ. Con đã nghĩ là anh thật khó tính. Vì vậy, nhiều bữa cơm ở nhà vắng mặt con.
Năm trước, con ở Sài Gòn không về nhà với Ba Mẹ. Nhưng con đã dần dần thấy tầm quan trọng của các bữa cơm gia đình. Con dành hầu hết thời gian nghỉ vào cuối tuần để về Biên Hòa. Dưới đó, con có anh chị, em, có cháu. Con bắt đầu chăm chỉ tìm hiểu cách chế biến các món ăn. Mỗi bữa cơm có đủ mặt 4 anh chị em con, con lại ước giá mà có ba mẹ. Giá như, con có thể chuẩn bị cơm hàng ngày cho ba mẹ. Những món ngon nhất con có thể nấu Ba Mẹ đều được ăn cùng con.
Lần trước ba vào Sài Gòn. Con dẫn ba đi chơi. Con đưa ba đi ăn kem – món ăn trước đây ba thích nhất. Nhưng con thấy Ba ăn rất khó khăn vì răng ba giờ đã yếu, ăn kem vào bị buốt và đau.

Hôm trước, khi con về nhà, con muốn làm ba mẹ bất ngờ, nên 11h trưa con mới gọi điện báo. Nhưng khi con về nhà, ba mẹ chỉ ngồi vào mâm cơm với con cho vui, vì ba mẹ đã ăn trước đó để đúng giờ uống thuốc.
Buổi tối, con kho cá thật ngon. Trước đây, Ba rất thích ăn món này. Nhưng Ba chỉ ăn có tí tẹo. Mẹ bảo, vì sợ ảnh hưởng sức khỏe, nên ba dần dần không ăn các món kho mà chỉ ăn các món luộc.
Ngày trước, mùa hè nhà mình hay ăn rau muống luộc, cà muối, nước rau vắt thêm chanh. Bây giờ, mẹ vẫn trồng 1 luống rau muống, nhưng lúc con luộc lên, con thấy ba mẹ ăn rất ít.
Dường như, có nhiều thói quen ăn uống, sinh hoạt của ba mẹ đã thay đổi mà con chưa kịp cập nhật. Nhiều vấn đề sức khỏe của Ba Mẹ con đã không biết. Chỉ có một điều không thay đổi, con thấy Ba Mẹ đã cười rất nhiều khi nhìn con trong bữa cơm.
Bây giờ thì con đã hiểu vì sao trước đây mỗi lần nghe bài “Mừng tuổi mẹ” chị thường khóc. Vì sao anh luôn ăn cơm với ba mẹ mỗi dịp về nhà.
Nhờ về nhà ăn cơm với Ba Mẹ, con mới thật sự thoảng thốt là có quá nhiều điều con đã quên quan tâm đến Ba Mẹ. Ba Mẹ đã đến tuổi cần được chăm sóc nhiều hơn. Ba Mẹ cần phải ăn uống đúng giờ với các món ăn mềm hơn, nhạt hơn, ít béo, ít đường hơn. Vì Ba Mẹ đang dần già, yếu đi. Điều mà Ba Mẹ luôn tìm cách giấu con .
Nhờ những bữa cơm ở nhà với Ba Mẹ, thay vì trách móc, con đã trân trọng những người bạn con hơn, khi họ biết từ chối những cuộc vui, thậm chí hủy hẹn với con để về nhà dùng bữa tối với ba mẹ họ.
Con đã bay hơn 1.400 km để về nhà, chỉ vì muốn chuẩn bị một bữa cơm và ăn cùng ba mẹ. Nhưng bữa cơm con chuẩn bị có nhiều món không còn hợp khẩu vị ba mẹ nữa. Có người bạn con bảo, con thật xa xỉ. Con có thể dùng số tiền đó để biếu Ba Mẹ. Vì Ba Mẹ có thể mua nhiều món ngon, phù hợp.
Nhưng con hiểu, bữa cơm của con ở nhà đâu chỉ có giá bằng tiền con phải trả để di chuyển về nhà mà nó là vô giá với Ba Mẹ. Vì hạnh phúc đối với Ba Mẹ, không còn là việc con có thể nấu những món ngon nhất, mua cho ba mẹ những món quà đắt tiền mà đơn giản chỉ là Ba Mẹ nhìn thấy con, bình yên, khỏe mạnh. Còn với con, Ba Mẹ luôn là bến bờ bình yên, là tình yêu đầu tiên, vĩnh viễn không bao giờ thay đổi.
Con chỉ mong, Ba Mẹ luôn khỏe trong những bữa cơm của cả nhà, để hoa con cài trên ngực mỗi mùa Vu Lan luôn là bông hoa màu đỏ yêu thương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến